Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Những sáng kiến vì giáo dục

Cập nhật: 10:17 ngày 27/11/2017
Lớp học công nghệ cao với khả năng tương tác giữa giáo viên và học sinh được "mở" tối đa; vận dụng công nghệ 3D tạo ra những "bảo tàng ảo" nhằm khơi dậy sự ham tìm tòi của học sinh với môn Lịch sử... là những ý tưởng thiết thực trong chương trình "Tri thức trẻ với giáo dục" do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị liên quan tổ chức.
{keywords}

Nhóm tác giả công trình "Lớp học mở" và tác giả sáng kiến "Bảo tàng ảo" diễn giải ý tưởng tại chung khảo Tri thức trẻ vì giáo dục.

Hiện nay, một yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là phát huy năng lực của học sinh, vận dụng hiệu quả kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng xây dựng xã hội tri thức. Trước yêu cầu đó, các đoàn viên, thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát triển một nền tảng hỗ trợ dạy và học hoàn toàn mới với tên gọi "Open Classroom" (OC, tạm dịch: Lớp học mở). Lớp học công nghệ này cung cấp mô hình giáo dục trực tuyến chất lượng cao với các bài học trực quan, những phòng thí nghiệm ảo sinh động. Đặc biệt, OC mang tới trải nghiệm thú vị hơn hẳn so với việc học thông qua tài liệu, trình chiếu hoặc clip, bởi nó cho phép người học thông qua tương tác, tập trung vào yếu tố thực hành, áp dụng kiến thức vào thực tế.

OC còn hỗ trợ tất cả các trình độ như tiểu học, THCS và THPT với hầu hết các môn như, nhóm toán học - khoa học tự nhiên - kỹ thuật - công nghệ (STEM), khoa học xã hội, ngoại ngữ, nghệ thuật, kỹ năng sống và cả giáo dục giới tính, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông... Ngoài ra, OC cung cấp nhiều công cụ giúp giáo viên dễ dàng tạo ra các bài học, chia sẻ kiến thức giúp các nhà quản lý giáo dục hoạch định chính sách mới, giúp phụ huynh dễ dàng nắm bắt tình hình học tập của con em. Theo đó, bài học lý thuyết của OC được chia thành hai dạng học nhanh và dài hạn, thiết kế như một "hành trình" khám phá, giúp học sinh có thể nắm bắt nhanh trong khoảng năm phút. Các nội dung học đều ở dạng "động", nghĩa là có thể phản hồi mọi thao tác của người học trên một giao diện đồ họa trực quan.

Cũng áp dụng công nghệ tiên tiến trong giảng dạy, sáng kiến "Vận dụng công nghệ 3D thiết kế và sử dụng "Bảo tàng ảo" trong dạy học lịch sử ở trường THPT" của Tiến sĩ Nguyễn Thu Quyên (SN 1983), giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (tỉnh Hải Dương) đã "đánh thức" tinh thần ham học hỏi của học sinh đối với một trong những môn học vốn được coi là "khô khan". Được thử nghiệm tại Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi trong các năm 2015 - 2016 vừa qua, sáng kiến đã nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học môn Lịch sử bằng cách cung cấp lượng thông tin lớn nhưng dễ ghi nhớ về nội dung, kiến thức lịch sử cơ bản thông qua tranh ảnh, hiện vật, clip tư liệu.

"Bảo tàng ảo" là khái niệm xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2013 với hai chuyên đề đầu tiên "Di sản văn hóa Phật giáo" và "Đèn cổ Việt Nam" thuộc các dự án của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Lấy ý tưởng từ đây, chỉ với một phần mềm được cung cấp miễn phí trên mạng in-tơ-nét, nữ tiến sĩ Thu Quyên đã xây dựng hàng chục "Bảo tàng ảo" dựa trên chương trình học phổ thông, nổi bật như "Tổ quốc nhìn từ biển", "Sự biến đổi của Đông - Bắc Á sau chiến tranh thế giới", "Sự phát triển kinh tế của nhóm năm nước sáng lập ASEAN",...

Kiểm nghiệm việc vận dụng chúng vào thực tế giảng dạy, nghiên cứu, cô Nguyễn Thu Quyên thu được kết quả đáng mừng: Điểm số trung bình của học sinh sử dụng "Bảo tàng ảo" cao hơn hẳn so với các phương pháp truyền thống. "Hiện nay, hầu hết các trường phổ thông đều có trang thiết bị hiện đại như máy tính, máy chiếu, Internet, giáo viên cũng được trang bị kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, cho nên công trình này hoàn toàn có thể áp dụng rộng rãi. Tôi tin rằng, "Bảo tàng ảo" sẽ góp phần xóa bỏ sự căng thẳng, khô khan trong môn Lịch sử, mở ra hướng đi mới cho giáo dục nước nhà", cô giáo 8X khẳng định.

Theo Nhân dân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...