Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giáo dục truyền thống lịch sử qua môn học “Tình hình, nhiệm vụ địa phương”

Cập nhật: 09:58 ngày 25/12/2017
(BGĐT) - Môn học “Tình hình, nhiệm vụ địa phương” được Trường Chính trị tỉnh đưa vào giảng dạy từ năm 2006 thông qua tập bài giảng do Trường biên soạn. Đây là môn học quan trọng, góp phần nghiên cứu, tuyên truyền truyền thống lịch sử Đảng bộ tỉnh đến các thế hệ học viên.

Ngoài việc chỉ đạo các giảng viên thường xuyên lồng ghép, liên hệ lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử truyền thống của các dân tộc tỉnh Bắc Giang trong bài giảng các môn học, Trường Chính trị tỉnh đã nghiên cứu biên soạn tập bài giảng "Tình hình, nhiệm vụ địa phương" để đưa vào giảng dạy các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Nội dung gồm: Truyền thống lịch sử Đảng bộ tỉnh; tình hình KT-XH; nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, đối ngoại của tỉnh; ngoài ra, chương trình còn có bài thảo luận, tổng thời gian 32 tiết. Hết phần học, học viên có bài kiểm tra được tính vào kết quả học tập.

Thực hiện chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính do Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành, căn cứ kết quả thẩm định của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội đồng thẩm định Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tháng 7-2017, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với NXB Lý luận Chính trị xuất bản tập bài giảng “Tình hình, nhiệm vụ của tỉnh Bắc Giang” gồm 9 phần: Khái quát lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang; Nhiệm vụ cơ bản và những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế và các lĩnh vực đời sống xã hội của địa phương; Tiềm năng, thế mạnh các nguồn lực phát triển của tỉnh Bắc Giang; Tình hình công tác xây dựng Đảng, MTTQ, đoàn thể; Công tác tự phê bình và phê bình của cán bộ chủ chốt cấp xã; Nâng cao đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Tình hình, kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính ở tỉnh; Tình hình và kết quả xây dựng nông thôn mới; Tình hình, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, đối ngoại tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay.

Sau hơn 10 năm giảng dạy môn học này, qua các bài kiểm tra, thu hoạch, viết tiểu luận cuối khóa đối với 200 lớp đào tạo, bồi dưỡng với gần 20.000 lượt học viên cho thấy chất lượng học tập, khả năng liên hệ, vận dụng vào thực tiễn công tác của học viên (là những cán bộ, công chức, viên chức) được nâng lên.

Thực hiện chỉ đạo của T.Ư về việc giao cho các trường chính trị tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn, tăng cường cán bộ giảng dạy kiêm nhiệm của cấp ủy cấp huyện, tới đây, Trường Chính trị tỉnh sẽ chú trọng đến việc hướng dẫn và phối hợp với các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong giáo dục truyền thống lịch sử của các huyện, TP. Vai trò đầu tiên thuộc về nhà trường mà cụ thể là những giảng viên trực tiếp giảng dạy môn học này.

Để có bài giảng hay, trước khi lên lớp, mỗi giảng viên, báo cáo viên phải xác định đúng đối tượng học tập; lựa chọn phương pháp phù hợp để truyền đạt những nội dung cần thiết, sử dụng tốt các giáo cụ trực quan (tranh, ảnh, biểu đồ, bản đồ, sa bàn…). Làm chủ các phương tiện dạy học, phát huy tính chủ động, tích cực của học viên. Kết thúc bài giảng hướng dẫn học viên sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu liên quan và liên hệ vận dụng vào thực tế ở cơ quan, đơn vị, địa phương đang công tác, cư trú. Bên cạnh đó, giảng viên tự nâng cao kỹ năng tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp như: Ngoại khóa, đưa học viên tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn, nghiên cứu tìm hiểu thực tế... Qua đó, tạo môi trường giáo dục thân thiện, tích cực, giúp học viên hiểu rõ các giá trị truyền thống lịch sử của địa phương.

Thân Minh Quế

 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...