Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Môn Lịch sử trong sách giáo khoa mới sẽ thay đổi như thế nào?

Cập nhật: 08:25 ngày 02/01/2018
Môn Lịch sử trong sách giáo khoa mới sẽ có nhiều thay đổi từ cấp Tiểu học đến THPT. Việc tích hợp nội môn ở cả 3 cấp là điểm mới nhất.
{keywords}

Môn Lịch sử trong sách giáo khoa mới sẽ có nhiều thay đổi (ảnh minh họa)

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang hoàn thiện các công đoạn cuối cùng chương trình các môn học và hoạt động giáo dục để trưng cầu ý kiến xã hội 60 ngày trước khi hoàn thiện, đưa lên các hội đồng thẩm định chương trình xem xét, phê duyệt. Lúc đó, các tổ chức, cá nhân mới có thể dựa vào chương trình để viết sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới.

Một trong những môn học có sự thay đổi và sự tích hợp là môn Lịch sử. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Nghiêm Đình Vỳ (thành viên nhóm biên soạn Chương trình SGK mới), ở Tiểu học sẽ không còn riêng môn Lịch sử mà được tích hợp sâu với môn Địa lý thành môn Lịch sử và Địa lý. Các cấp học khác cũng có tích hợp nội môn.

Việc tích hợp trong SGK Lịch sử từ trước đến nay đã có nhưng mức độ rất vừa phải. Riêng phần tích hợp nội môn chưa làm được.

Do đó, nhóm biên soạn Chương trình SGK mới đề xuất, cần tăng cường tích hợp trong giảng dạy vì đây là xu thế chung của thế giới, cũng như thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về tích hợp sâu và phân hóa dần ở các lớp trên.

Cụ thể, ở chương trình và SGK hiện hành, môn Lịch sử được viết riêng lịch sử thế giới, đến lịch sử Việt Nam. Còn trong chương trình môn Lịch sử mới, nhóm đã dự thảo chuyển theo mô hình: Thế giới - khu vực - Việt Nam - địa phương. Trong đó, lấy lịch sử Việt Nam làm trọng tâm, chiếm 60% thời lượng của chương trình. Phần lịch sử địa phương sẽ do địa phương chủ động thiết kế theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong phạm vi cho phép.

Trong quá trình tích hợp, sẽ rất chú ý thể hiện rõ mối quan hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Sau này trong SGK, nhất là sách giáo viên, sẽ chú trọng yêu cầu giáo viên phân tích cho học sinh thấy mối quan hệ và sự tác động giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Ví dụ cuộc cách mạng tháng 10 Nga, sự ra đời của quốc tế cộng sản, chiến tranh thế giới thứ 2, công cuộc cải tổ ở Liên Xô... Tất cả sự kiện này đã ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào và ngược lại.

Cấp Tiểu học sẽ tích hợp Lịch sử và Địa lý, đưa thêm phần thế giới. Ở cấp Trung học sẽ được tích hợp theo chủ đề.

Giáo viên sẽ phải thay đổi cách thức dạy học

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, định hướng trong chương trình SGK mới sẽ tăng cường tích hợp đa môn, sử dụng nhiều hơn kiến thức các môn học khác trong các chương bài để làm cho lịch sử phong phú, hấp dẫn và giúp học sinh hiểu biết rộng hơn.

Chẳng hạn kết nối Lịch sử với Địa lý, Văn học, khoa học kỹ thuật... Ví dụ học về thời nguyên thủy, sẽ kết hợp với kiến thức sinh học như sự phát triển của bộ não, sự tiến hóa từ 4 chân đến hai chân... Hoặc sử dụng kiến thức Toán học, có số La mã, số Ả rập hoặc môn Vật lý là các phát minh về máy hơi nước, về động cơ...

Chương trình THCS, môn Lịch sử là một phân môn của môn Lịch sử và Địa lý.

Cấp THPT là giai đoạn định hướng nghề nên được dạy theo chủ đề, chuyên đề có tính nâng cao. Việc tích hợp nội môn theo mô hình thế giới - khu vực - Việt Nam - địa phương ở cả 3 cấp là điểm mới nhất.

Tuy nhiên, với sự đổi mới như trên, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, điều khó khăn mà nhóm biên soạn dự đoán khi tích hợp Lịch sử thế giới với Lịch sử Việt Nam, học sinh sẽ khó hệ thống kiến thức xuyên suốt theo tiến trình phát triển của Lịch sử. Để khắc phục, trong SGK mỗi lớp sẽ có bài khái quát về lịch sử thế giới ở cuối khóa trình.

Mặt khác, giáo viên cần có sự thay đổi về phương thức dạy học để học sinh tự nhận định, đánh giá. Việc giảng dạy môn Lịch sử không chỉ đề cập các vấn đề của lịch sử đất nước và trên thế giới mà còn liên hệ với đời sống hiện nay./.    

Theo VOV

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...