Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lì xì đầu năm - cách người Nhật dạy con về giá trị đồng tiền

Cập nhật: 09:30 ngày 17/02/2018
Trẻ học được cách quản lý tiền bạc, cân nhắc chọn mua món đồ chơi mình thích và có thể để dành một khoản cho tương lai. 
{keywords}

Trẻ nhận được nhiều bài học qua phong tục otoshidama. Ảnh: Giapponizzati

Ngày đầu năm mới theo lịch dương, các gia đình Nhật Bản có truyền thống ngồi cùng nhau để chuyện trò, ăn uống. Theo Sora News24, trẻ con háo hức với những bát lớn đựng đầy trứng cá, đậu nành đen, cam Nhật Bản (mikan) và không thể thiếu otoshidama - khoản tiền lì xì từ bố mẹ, cô dì, chú bác, ông bà.

Khoản tiền lì xì được xem như lời chúc một năm nhiều sức khỏe và hạnh phúc. Không chỉ thế, đây là cơ hội để dạy trẻ về tính lịch sự, cách ứng xử khi nhận tiền và suy nghĩ thấu đáo về cách chi tiêu. 

Tiền dùng để lì xì thường mới tinh, khiến trẻ có cảm giác phải dùng thật cẩn thận, giữ phẳng, không làm nhăn nhúm. Chúng thường nhận nó và nói to “Cảm ơn nhiều ạ”.

Mở phong bao trước mặt người tặng được xem là hành vi bất lịch sự, do đó trẻ phải học cách chờ đợi đến lúc thích hợp. Thái độ khi nhận quà được đề cao trong văn hóa Nhật Bản. 

Độ tuổi nhận lì xì là từ trẻ sơ sinh đến thanh niên 20 tuổi - tuổi trưởng thành hợp pháp ở Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều sinh viên vẫn được người thân lì xì bởi chi phí học tập và thuê nhà rất đắt đỏ. Khi lớn lên, chúng lại đổi vị trí, trở thành người trao otoshidama cho trẻ. Trong các gia đình đông thành viên, người lớn có thể tiêu tốn khá nhiều khi Tết đến bởi họ không chỉ lì xì cho con mà còn cho những đứa trẻ trong họ hàng.

Viện nghiên cứu trẻ em Kumon ở Nhật Bản cho biết, trung bình học sinh tiểu học ở xứ sở hoa anh đào có thể nhận được đến 5.000 yên (45 USD), trong khi học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông bỏ túi gấp đôi số đó. Do vậy, kết thúc mỗi mùa Tết, tổng số tiền mỗi trẻ nhận được thường không nhỏ. Đây là dịp đáng chờ đợi trong năm của trẻ em Nhật Bản, tương tự việc được ông già Noel tặng quà vào Giáng sinh. Khác biệt ở chỗ trẻ được trao quyền quản lý tài chính.

Nếu tổng số tiền khá lớn, nhiều phụ huynh sẽ lấy một nửa cho vào khoản tiết kiệm ngân hàng để trẻ sử dụng trong tương lai, khi lên đại học. Phần còn lại, trẻ dùng theo ý thích, thường là mua món đồ chơi mơ ước từ lâu. 

Ý nghĩa của tiết kiệm được lồng ghép vào truyền thống otoshidama. Dù có tiền, trẻ nên giữ lại một ít, không dùng trong một lần. Nếu tiêu hết ngay lập tức, chúng sẽ không thể mua những thứ mình muốn trong năm. Tuy nhiên, bố mẹ thường chỉ đưa ra lời khuyên, cho trẻ lựa chọn cách chi tiêu và tự rút kinh nghiệm. 

Theo VnExpress

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...