Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đề xuất giải thể các trường đại học hoạt động không hiệu quả

Cập nhật: 15:34 ngày 19/08/2018
Giảm bớt số lượng trường công, trường đại học vùng để nâng cao hiệu quả chi ngân sách cho giáo dục đại học là một trong những đề xuất của Bộ Tài chính tại Hội thảo Giáo dục 2018 được tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội.

{keywords}

Hiện nay nhiều thí sinh xác định không vào đại học bằng mọi giá, nên các trường dù lấy điểm chuẩn thấp, tình hình tuyển sinh vẫn "èo uột". Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2013 - 2017, Ngân sách Nhà nước chi 1.120.355 tỷ đồng cho giáo dục và đào tạo, trong đó ước tính 172.905 tỷ đồng cho giáo dục đại học.

Bộ Tài chính đánh giá, nguồn tài chính cho bậc đào tạo này còn hạn hẹp, chưa được đa dạng hóa. Các cơ sở chưa chủ động về nguồn thu, chủ yếu dựa vào ngân sách và từ thu học phí; nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ còn hạn chế.

Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ Tài chính đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì, phối hợp với các Bộ, các địa phương thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục – đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học; Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục.

Mục đích, ý nghĩa nếu đề xuất này được thực hiện, theo Bộ Tài chính đánh giá là sẽ góp phần cơ cấu lại chi ngân sách, tập trung cho các cơ sở có chất lượng cao và một số cơ sở đặc thù thông qua các phương thức chi mới như đặt hàng, đấu thầu.

Việc làm này cũng tránh việc chi cho những cơ sở hoạt động không hiệu quả hoặc thậm chí cơ sở không cần thiết phải duy trì hoạt động, bao gồm cả những trường sư phạm thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Bộ GDĐT cần ban hành các quy định về tiêu chí chất lượng và chuẩn kết quả đầu ra trong giáo dục đại học, làm căn cứ nghiên cứu thay đổi phương thức phân bổ, sử dụng ngân sách, tiến tới phân bổ theo chuẩn đầu ra...

Trường không bảo đảm chất lượng sẽ kiến nghị cho giải thể

Những ngày qua, việc các trường đại học tuyển sinh với mức điểm chuẩn thấp, chỉ từ 12-13 điểm/3 môn cũng đỗ đại học, đã khiến người quan tâm đến ngành giáo dục đặt ra những băn khoăn về chất lượng đào tạo. Nhưng dù đưa ra điểm chuẩn thấp, nhiều trường đến hiện tại vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Nhất là những trường đại học vùng, trường đào tạo giáo viên ở địa phương tình hình tuyển sinh càng “èo uột”. Không ít ngành đào tạo sư phạm vẫn đang “trắng” thí sinh trúng tuyển - kết thúc đợt tuyển sinh đầu tiên vẫn chưa tuyển được sinh viên nào vào học. Đề xuất giải thể trường đại học hoạt động không hiệu quả của Bộ Tài chính đưa ra đúng thời điểm tuyển sinh khó khăn đặt không ít trường vào tình thế “tồn tại hay không tồn tại”. Trường sẽ khó duy trì hoạt động giảng dạy nếu không tuyển được sinh viên.

Trước vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, hiện Bộ GDĐT cũng đang tiến hành làm quy hoạch hệ thống các trường đại học nói chung và trường đào tạo giáo viên nói riêng. Quy hoạch này sẽ làm theo hướng nâng cao chuẩn chất lượng của trường.

“Chúng tôi xác định trường nào bảo đảm chất lượng thì tiếp tục cho tuyển sinh và đào tạo. Những trường không bảo đảm chất lượng, cơ quan chủ quản là các Bộ, ngành, địa phương sẽ phải xác định nếu cần thiết thì phải đầu tư để bảo đảm chất lượng. Nếu thấy không cần thiết thì cần phải thay đổi chức năng, nhiệm vụ hoặc là cho giải thể, sáp nhập để tạo sự lành mạnh cho cả hệ thống”- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) nhấn mạnh.

Theo Lao động

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...