Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chào năm học mới 2018 - 2019: Ngày khai trường đón niềm vui

Cập nhật: 08:40 ngày 05/09/2018
Mong muốn thầy cô, học sinh từ đô thị đến khu vực nông thôn, miền núi có đủ điều kiện để bước vào năm học mới, thời gian qua, các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng nhà trường đã tích cực chuẩn bị các điều kiện. Nhờ vậy, ngày hội khai trường của thầy, trò thêm vui.

Hỗ trợ kịp thời

Đèo Gia là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn. Trường THCS Đèo Gia có gần 300 học sinh, trong đó số em thuộc hộ nghèo, cận nghèo chiếm 74%. Từ tháng 8-2018, Ban Giám hiệu nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm rà soát tình hình học sinh của mỗi lớp. Trên cơ sở đó lập danh sách các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn và khảo sát nhu cầu hỗ trợ. Vì đa số học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo còn thiếu sách giáo khoa, vở, bút nên nhà trường quyết định cho mượn 80 bộ sách giáo khoa từ lớp 6 đến lớp 9 của thư viện trường. Cùng đó, Trường trích kinh phí mua 400 cuốn vở, bút viết tặng các em. “Chúng tôi cố gắng trong điều kiện có thể giúp các em vơi bớt khó khăn, yên tâm đến trường. Thêm nữa, trường cũng kêu gọi sự giúp đỡ từ Hội khuyến học, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện để có thêm nhiều học sinh được hỗ trợ”, cô Leo Thị Thái, Hiệu trưởng Trường THCS Đèo Gia nói. Gần đây, Trường có 5 học sinh được trao học bổng "Vì em hiếu học" do Hội Khuyến học tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel chi nhánh Bắc Giang tài trợ. Mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.

{keywords}

Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Dương Hưu (huyện Sơn Động) vừa được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương.

Nhà nghèo, bố mẹ hay đau ốm, thường xuyên phải nằm viện điều trị dài ngày nên mới 13 tuổi em Tô Thị Chung, thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia đã trở thành trụ cột trong gia đình. Vừa chăm sóc bố mẹ, vừa lao động nên con đường đến trường của em luôn đứng trước nguy dở dang. Cầm trên tay suất học bổng trị giá 1 triệu đồng do doanh nghiệp tài trợ, cô học trò nhỏ xúc động: “Số tiền này em sẽ dành mua thêm sách vở, tài liệu phục vụ học tập. Em hứa sẽ tiếp tục đến trường học giỏi, sớm thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ”. Được biết, năm học trước, Chung là một trong hai học sinh của Trường THCS Đèo Gia đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện môn Sinh học.

Nhiều năm qua, đường đến trường của học sinh xã Dương Hưu (Sơn Động) khá xa, lại phải qua nhiều ngầm, núi đồi gập ghềnh. Khác với các bạn ở khu vực trung tâm huyện, TP được bố mẹ đưa đón, học trò ở đây thường phải đi bộ đến lớp. Trước thực tế đó, năm học này, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động hỗ trợ 20 xe đạp cho học sinh thuộc hộ nghèo.

Tổng hợp từ các cấp hội khuyến học toàn tỉnh, những ngày qua đã có hàng nghìn suất quà được trao tới tay học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn phần quà hỗ trợ phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của người sử dụng. Ví như Ủy ban MTTQ huyện Lạng Giang trích Quỹ “Vì người nghèo” huyện trao tặng hơn 2 nghìn bộ sách giáo khoa cho học sinh trên địa bàn.

{keywords}

Giáo viên Trường THCS Phong Vân (Lục Ngạn) chuẩn bị các đầu sách tại thư viện nhà trường. Ảnh: Vũ Đoàn.

Đáp ứng các điều kiện thiết yếu

{keywords}

Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, chỉ đạo các trường triển khai kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ gạo, học phí, chi phí thuê nhà trọ, nơi ở bán trú... Qua đây giúp học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật, người dân tộc thiểu số có thêm điều kiện đến trường."


Ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT

Dự báo số lượng học sinh năm học 2018-2019 gia tăng ở các bậc học, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh có phương án tăng cường thêm cơ sở vật chất. Tổng hợp của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có hơn 300 phòng học, nhà đa năng và các hạng mục phụ trợ được xây dựng với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng từ ngân sách và lồng ghép từ các chương trình, dự án khác. Các nhà trường cũng được bổ sung thêm gần một 1 nghìn bộ máy tính, 8 nghìn bộ bàn ghế, bộ đồ chơi ngoài trời và hàng trăm thiết bị hỗ trợ việc dạy học tiếng Anh. Trong điều kiện kinh phí ngân sách hạn chế, ở nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền và nhà trường đã tích cực kêu gọi nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đơn cử như toàn bộ kinh phí xây dựng 12 phòng học ở Trường Tiểu học Nhã Nam (Tân Yên) hơn 4,3 tỷ đồng là do Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh tài trợ. Đón năm học mới, gần một nghìn học sinh và giáo viên vui mừng khi công trình xây dựng bảo đảm tiến độ, đưa vào sử dụng ngay sau lễ khai giảng.

Trường THPT Tân Yên số 2 có hơn 90 cán bộ, giáo viên. Trong số này nhiều thầy cô quê ở huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, TP Bắc Giang, khoảng cách từ nhà đến trường hàng chục cây số nên việc đi về sau mỗi buổi dạy không thuận tiện. Để đội ngũ bảo đảm sức khỏe, yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, mới đây, Ban giám hiệu nhà trường trích kinh phí và huy động cán bộ, giáo viên ủng hộ ngày công tham gia sơn sửa, lát lại nền toàn bộ 8 phòng công vụ và bếp ăn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của 12 giáo viên.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về xóa nhà vệ sinh trường học tạm bợ, xuống cấp, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang, năm học 2018-2019, TP dành khoảng 11 tỷ đồng cho nhiệm vụ này. Đến nay, 7 trường mầm non, tiểu học, THCS ở các xã, phường đã được sửa chữa nền, đường ống dẫn nước, thay mới thiết bị vệ sinh. Chi phí từ 180 đến 360 triệu đồng/công trình sửa chữa. Với những nơi còn lại sẽ thực hiện xây mới theo quy chuẩn hiện đại, đáp ứng nhu cầu sử dụng, góp phần xây dựng môi trường học đường xanh, sạch, đẹp, văn minh”.

Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...