Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sau 3 năm sử dụng, Bắc Giang tiếp tục triển khai bộ sách Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục

Cập nhật: 11:13 ngày 12/09/2018
(BGĐT) - Bộ sách Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại được triển khai tại tỉnh Bắc Giang từ năm học 2015-2016. Trước những dư luận ồn ào thời gian gần đây về việc dạy và học theo tài liệu này, phóng viên đã làm việc với đại diện cơ quan quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh về chất lượng giáo dục sau 3 năm áp dụng.
{keywords}

Một bài học phân tích tiếng trong sách Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. (Ảnh minh họa).

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm 1987 đến 1997, Bắc Giang triển khai chương trình giáo dục thực nghiệm và áp dụng sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục (tại Trung tâm Giáo dục Tin học - Ngoại ngữ cũ, đường Nguyễn Thị Lưu, TP Bắc Giang - PV). Ngoài ra, một số trường thuộc huyện Yên Dũng và Lạng Giang cũng áp dụng. Thời gian qua, xuất phát từ chủ trương của Quốc hội nên việc dạy và học theo bộ tài liệu này không phổ biến. 

Trên cơ sở những nghiên cứu bổ sung và nhận thấy ưu điểm rõ rệt của bộ sách, năm 2013, Bộ GD&ĐT tiếp tục coi đây là tài liệu học tiếng Việt cùng với sách Tiếng Việt 1 hiện hành để các tỉnh xem xét, triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. 

{keywords}

GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ về ưu điểm của sách Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục.

Từ chủ trương này, năm học 2015-2016, Bắc Giang là tỉnh thứ 47 của cả nước đưa tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục vào giảng dạy ở 148 trường tiểu học, tương đương với hơn 17,3 nghìn học sinh theo học, chiếm 58% tổng số học sinh lớp 1 toàn tỉnh.

“Sau một năm áp dụng, sở tổ chức kiểm tra, đánh giá, ngoài khu vực trung tâm huyện, TP còn quan tâm đến chất lượng ở các cơ sở giáo dục miền núi, vùng sâu. Qua các lần đánh giá nhận thấy chất lượng giáo dục bảo đảm, học sinh đáp ứng năng lực đọc, viết theo yêu cầu nên Sở chỉ đạo tiếp tục nhân rộng”, ông Hà Huy Giáp, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết.

{keywords}

GS.Hồ Ngọc Đại trao đổi về ưu điểm của bộ sách Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục với giáo viên khi tham gia một buổi tập huấn vào tháng 8-2015 tại Bắc Giang.

Năm học này, toàn tỉnh có hơn 41 nghìn học sinh ở hơn 200 trường tiểu học, trường tiểu học và THCS sử dụng bộ sách này. Đến Trường Tiểu học Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) vào giờ học Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục của lớp 1A6. 

Trao đổi với cô giáo Hoàng Thị An được biết, từ những bài học đầu tiên về tiếng trong câu thông qua vật thay thế là hình vuông, hình tròn, hình tam giác, ở những bài học tiếp theo, các em lần lượt được giới thiệu để làm quen, xác định được nguyên âm, phụ âm, hiểu được nghĩa của từ... 

Được biết cô An là một trong những giáo viên đầu tiên được qua các lớp tập huấn và trực tiếp dạy theo sách Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ Giáo dục từ năm đầu tiên nên nắm chắc kỹ năng, phương pháp dạy.

“Những người đã quen với phương pháp cũ thì khó chấp nhận cách dạy mới, nhất là với phụ huynh. Tuy nhiên, trẻ vào học lớp 1 bắt đầu làm quen từ phương pháp cho đến những con chữ đầu tiên nên tôi cho rằng phương pháp chỉ là cách dạy, quan trọng nhất là hiệu quả. Thực tế sau 3 năm dạy sách này, tôi thấy học sinh tiếp thu nhanh hơn, ít mắc lỗi chính tả”, cô An nói. 

{keywords}

Cô giáo Hoàng Thị An và học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) trong một giờ học Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục.

Đồng tình với quan điểm này, cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Trường Tiểu học xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) cho hay: “Trước đây, không ít học sinh vẫn mắc lỗi chính tả, phổ biến là các em không phân biệt khi nào sử dụng từ s, x; tr, ch; gi, d, r.... Tuy nhiên, gần đây khi tiếp nhận học sinh lên lớp mới, giáo viên chúng tôi đỡ vất vả vì không phải chỉnh sửa các lỗi này”. 

Thực tế khi mới tiếp cận tài liệu này, ở một vài nơi, không chỉ phụ huynh băn khoăn mà cả giáo viên, nhất là người ít kinh nghiệm trong ngành phàn nàn do ngại thay đổi. Tuy vậy, tìm hiểu được biết, nhiều trường tiểu học đã chú trọng cử giáo viên có năng lực, nhiệt huyết, trách nhiệm tham gia các lớp tập huấn do Sở, Phòng GD&ĐT tổ chức và tham gia giảng dạy. Đến nay, hầu hết thầy cô trực tiếp dạy lớp 1 nhận xét, ưu điểm của phương pháp là giúp học sinh hiểu chắc luật chính tả, cấu trúc tiếng, ngữ âm. 

“Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Sơn Động, không ít học sinh coi tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai. Từ việc nắm chắc kiến thức từ "gốc", học sinh sẽ học tiếng Việt nhanh hơn, biết dùng từ chính xác, đúng ngữ cảnh khi hành văn và sử dụng tiếng Việt trong đời sống”, ông Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Động phụ trách bậc tiểu học đánh giá. 

Chị Nguyễn Thị Huyên, công tác tại UBND xã Sơn Hải (Lục Ngạn) cho hay, con gái chị năm nay học lớp 4, đã học sách của GS. Hồ Ngọc Đại năm lớp 1, qua kiểm tra kiến thức của con thì thấy khả năng đọc, viết tốt, đặc biệt là không sai chính tả.

Theo một số giáo viên dạy lớp 1, bộ sách mới tái bản đã chỉnh sửa một số ngữ liệu trong các bài học được cho là nhạy cảm, từ địa phương, đa nghĩa, không phù hợp với ngữ cảnh và đối tượng tiếp nhận là học sinh lớp 1. Cụ thể như những từ như: “sàm sỡ”, “bể” (biển) đã được thay thế, bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt.

Trước những “ồn ào” gần đây của dư luận và từ thực tế chất lượng giáo dục của bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: “Sở tiếp tục chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, TP tập huấn, bồi dưỡng, tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại trường, theo cụm trường. Qua đó, giúp giáo viên dạy bộ sách Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục trau dồi thêm kỹ năng, kinh nghiệm, khai thác tốt những ưu điểm của tài liệu trong quá trình giảng dạy, giúp học sinh nắm chắc kiến thức”.

Đánh vần tiếng Việt “lạ”: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định
“Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng không xác minh đây là trường học nào hay cô giáo nào bởi họ dạy theo yêu cầu của tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục”.
 

Hải Vân
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...