Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mẹ Đỗ Nhật Nam: "Bố mẹ không nên khen con giỏi"

Cập nhật: 15:12 ngày 18/09/2018
“Ông bố, bà mẹ nào cũng mong muốn nuôi dạy con khi lớn lên sẽ trở thành người tử tế. Nhưng tôi cho rằng, thành công không phải giáo dục một đứa trẻ trở thành người giỏi nhất hay xuất sắc nhất, mà đích đến cuối cùng là khiến đứa trẻ ấy trở nên hạnh phúc”.

Đó là chia sẻ của chị Phan Hồ Điệp, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam trong buổi Tọa đàm “Kỷ luật tích cực không phải trừng phạt mà tôn trọng trẻ” do Trường PTLC quốc tế Gateway và Trường Mầm non quốc tế Sakura Montessori phối hợp tổ chức.

Được biết đến là bà mẹ thành công trong cách giáo dục “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, chị Phan Hồ Điệp cho rằng, hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn nhầm lẫn giữa việc khen thưởng và khích lệ con cái. Vì thế, khi dạy con cần chú trọng 5 nguyên tắc khen để con vừa vui nhưng vẫn biết khiêm nhường và tiếp tục cố gắng.

{keywords}

Các diễn giả chia sẻ về kỷ luật tích cực trong buổi Tọa đàm.

Nguyên tắc đầu tiên, “Không khen vào sản phẩm mà khen vào nỗ lực con đã làm”. Thay vì nói “Con giỏi quá” có thể nói “Mẹ biết con đã rất nỗ lực khi làm bài toán này”. Chị Điệp cho rằng, điều này sẽ giúp trẻ hiểu được những nỗ lực mới là điều khiến mọi người quan tâm và đánh giá. Từ đó trẻ sẽ học cách nỗ lực trong công việc để dành được lời khen ngợi từ những người xung quanh.

Nguyên tắc thứ hai, “Không khen vào phẩm chất của con” như “Con giỏi quá”, “Con thông minh quá”, “Con xuất sắc quá”. Việc khen con quá nhiều sẽ khiến đứa trẻ trở nên kiêu ngạo hoặc thất vọng nếu chúng không giải quyết được điều gì đó. Vì thế, bố mẹ nên tránh sử dụng chủ ngữ là “con” và thay thành chủ ngữ “mẹ”. Ví dụ: “Mẹ rất vui khi con làm được điều này”, “Mẹ rất tự hào” hay “Mẹ rất hạnh phúc”.

Nguyên tắc thứ ba, “Không so sánh với con của người khác mà chỉ so sánh với chính đứa trẻ ở khía cạnh tích cực”. Ví dụ ngày hôm qua con chưa làm được một điều gì đó nhưng hôm nay con đã làm được thì đó là điều rất tuyệt vời. Việc bố mẹ hay so sánh con cái với những đứa trẻ khác vừa khiến trẻ tự ti, vừa nảy sinh lòng đố kị. Do vậy, bố mẹ không nên so sánh con mình với “con người ta” và đặc biệt không chê con trước đám đông.

Nguyên tắc thứ tư, “Mượn lời của người khác để khích lệ con”. Điều này sẽ làm lời khen trở nên khách quan hơn. Ví dụ, chị thường lấy lời khen của cô giáo để khen Nam như: “Hôm nay mẹ gọi điện cho cô giáo, cô nói em học rất ngoan. Nam làm mẹ rất vui và mẹ cảm thấy một ngày của mẹ thật nhẹ nhàng”. Khi mượn lời của người khác như thế con sẽ cảm thấy mình thật có ý nghĩa với mẹ.

Nguyên tắc thứ năm, “Chú ý khen cả những thứ con không để ý”. “Trẻ con thường cực kỳ sung sướng về điều này”, chị Phan Hồ Điệp nói. Bố mẹ có thể khen con cả những thứ con vô tình làm như đưa đồ chơi cho bạn. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng, hóa ra mọi công việc mình làm đều có mẹ quan sát. Từ đó, trẻ sẽ cố gắng thực hiện những điều này tốt hơn.

Còn nói về kỷ luật trẻ, chị Điệp cho rằng, thông thường phụ huynh nào cũng biết trừng phạt con là điều không nên. Nhưng khi không thể kiềm chế, nhiều người vẫn phải “động thủ”.

Bản thân chị cũng đã từng hai lần đánh con. Câu chuyện này dù xảy ra nhiều năm nhưng với chị vẫn là nỗi ám ảnh. “Khi bình tĩnh lại, mình nghĩ hành động đó là vì mình thương con quá mà không biết làm gì. Và bản thân mình cũng bật khóc sau mỗi lần như thế” – chị tâm sự.

Theo chị Điệp, thực tế nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa kỷ luật và trừng phạt trẻ. Kỷ luật tích cực ở đây được hiểu là kỷ luật đúng cách, không trừng phạt nhưng cũng không thỏa hiệp. Cách cư xử vừa mềm mỏng, vừa kiên quyết của người lớn có thể giúp bất kì đứa trẻ nào  từ em bé 3 tuổi chập chững tập đi đến một bạn tuổi teen nổi loạn có thể học được cách hợp tác linh hoạt mà không bị tổn thương tới lòng tự trọng.

Theo Vietnamnet

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...