Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 30 °C / 24 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Giáo dục
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Tập giấy nháp của con

Cập nhật: 07:00 ngày 23/09/2018
(BGĐT) - Ngày nào ba mẹ cũng phải dọn bao nhiêu là giấy lộn của con. Đó là sản phẩm, nói đúng hơn là phế phẩm từ những đồ chơi con làm bằng giấy. Nào là thuyền giấy, hạc giấy; nào là những bức tranh, những hình ảnh cắt dán từ giấy… Có những tờ giấy trắng tinh, mới viết, vẽ vài đường, con đã vò nhầu nhĩ bỏ thùng rác hay để vương vãi đầy nhà. Nhìn thấy con lãng phí như vậy, ba mẹ chẳng vui chút nào.
{keywords}

Ảnh minh họa.

Cả ba và mẹ đều là giáo viên. Công việc ba mẹ dùng đến giấy rất nhiều. Lúc thì in giáo án; lúc thì in ấn các văn bản, giấy tờ liên quan đến chủ nhiệm lớp hay những việc của cơ quan. Bởi thế, ba mẹ đã mua một chiếc máy in, và trong nhà mình lúc nào cũng có sẵn một tập giấy in. Con thấy thế đã viện ra đủ lý do để xin giấy. Hôm thì một tờ, hôm thì hai tờ, hôm thì tự lấy. Gặp hôm nhà có khách hay khi bố mẹ đang cần thời gian tập trung làm công việc gì, rồi thì lúc bố mẹ vui,… kiểu gì con cũng sán lại nũng nịu, kỳ kèo xin bố mẹ vài tờ giấy in để chơi. Cứ thế, tập giấy in của bố mẹ vèo một cái đã hết!

Sau mỗi năm học, con có đến mấy chục cuốn vở được tặng. Nào vở cháu ngoan Bác Hồ, vở học sinh xuất sắc, vở cơ quan ba mẹ tặng, đến vở chính quyền địa phương trích quỹ khuyến học mua thưởng học sinh giỏi,… Hôm cùng con sắp xếp lại góc học tập, kiểm tra, chuẩn bị cho con vào năm học mới, ba giật mình khi phát hiện ra con có tới gần chục cuốn vở phần thưởng đã viết, vẽ vài tờ rồi bỏ dở. Thấy vậy, ba lại càng không vui, bởi không phải cái gì mình sẵn có hay có nhiều là mình có quyền lãng phí. Thế rồi ba nhẹ nhàng kể cho con nghe về những tập giấy nháp của ba mẹ từ hồi xửa hồi xưa, từ những ngày ba mẹ cũng mới chập chững bước chân đến trường như con.

Tập giấy nháp con tự tay làm đẹp hơn tập giấy nháp ngày xưa ba mẹ làm rất nhiều. Đã thế con lại làm với tinh thần thật miệt mài, háo hức. Ba mẹ thấy rất vui.

Thời học cấp một, những trang vở trắng còn sót lại sau mỗi năm học kiểu gì cũng được ba mẹ tận dụng làm giấy nháp. Từng trang vở trắng sẽ được cắt, lọc ra một cách cẩn thận từ những cuốn vở cũ. Thế rồi ba mẹ sẽ dùng kim chỉ tỉ mẩn kết những trang vở ấy thành từng tập chắc chắn, xinh xắn. Và cứ đến ngày khai trường, ba mẹ lại tự chuẩn bị được mấy tập giấy nháp để dùng cho cả năm học.

Những tập giấy nháp tự chế một thời, dù được làm một cách đơn giản nhưng được ba mẹ rất quý trọng. Tập giấy nháp lúc nào cũng được để ngay ngắn trong một ngăn cặp. Từng tờ giấy sẽ được nháp lần lượt cho đến trang cuối cùng. Có khi, mỗi tờ giấy nháp sẽ được ba mẹ tận dụng đến mức bóc tách chúng ra làm đôi. Thế là lại có thêm hai mặt giấy để nháp tiếp. Cứ thế, chẳng bao giờ ba mẹ phải tốn tiền mua giấy nháp. Những tập giấy nháp được tận dụng như thế đã theo chân, trở thành người bạn thân thiết với ba mẹ trong suốt hành trình cắp sách đến trường từ tiểu học cho đến hết đại học. Nghĩ lại đến giờ ba mẹ vẫn không thôi thấy ý nghĩa, tự hào. Nghe ba kể, con hết ngỡ ngàng rồi lại lặng im.

Một ngày, ba thấy con loay hoay gom lại những tờ giấy A4 đã in một mặt. Tưởng con sẽ ngồi gấp thuyền hay cắt, vẽ những thứ con thích như mọi khi, ai ngờ con nói: Con thích được tự tay làm những tập giấy nháp để dùng như ba mẹ hồi còn đi học. Con còn lật từng trang vở cũ xem còn trang giấy trắng nào không để cắt, xếp ra. Rồi con dùng ghim bấm giấy bấm thành từng tập, lấy cuộn băng keo màu xanh nước biển dán dọc theo phần gáy của tập giấy. Tập giấy nháp con tự tay làm đẹp hơn tập giấy nháp ngày xưa ba mẹ làm rất nhiều. Đã thế con lại làm với tinh thần thật miệt mài, háo hức. Ba mẹ thấy rất vui.

Dù chỉ là việc nhỏ thôi nhưng ba mẹ biết con đã làm được một điều bổ ích. Và quan trọng con đã biết thay đổi nhận thức theo chiều hướng tích cực. Thế đấy, có những thứ tưởng chừng như giản đơn nhưng nếu ta biết nâng niu, trân trọng thì nó vẫn trở nên có ích, ý nghĩa. Như tập giấy nháp của con, nó sẽ là một người bạn nhỏ nâng bước chân con trên con đường học tập, là hành trang theo con trong suốt cuộc đời.

Thu Đình

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...