Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục: Mỗi nơi một kiểu

Cập nhật: 15:31 ngày 22/02/2019
(BGĐT) - Xây dựng cổng thông tin điện tử (TTĐT) là để cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục công bố công khai, đầy đủ, kịp thời thông tin của đơn vị mình qua môi trường mạng; tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân tra cứu. Dù vậy, tại một số đơn vị trong tỉnh Bắc Giang, việc áp dụng cổng thông tin còn nhiều hạn chế. 

Hiệu quả thấp

Ngày 20-12-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 53 Quy định về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và cổng TTĐT tại sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

{keywords}

Trường THCS Phồn Xương (Yên Thế) chưa triển khai cổng thông tin điều hành điện tử.

Theo đó, một số yêu cầu đối với cổng TTĐT cần phải có các hạng mục như: Giới thiệu về tổ chức; văn bản quy định liên quan; cung cấp danh mục thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; thủ tục thi, xét tuyển vào lớp học đầu cấp; tra cứu điểm thi, kết quả học tập; công khai chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, kế hoạch phát triển; tích hợp với các hệ thống trực tuyến của ngành… 

Qua rà soát của Sở GD&ĐT, việc xây dựng cổng TTĐT của các đơn vị, trường học chưa đồng bộ, mỗi nơi kết hợp với nhà mạng, doanh nghiệp cung cấp thiết bị, phần mềm khác nhau nên không thể tích hợp, liên thông dữ liệu. Hoạt động còn mang tính hình thức, chưa thực sự sâu rộng và phát huy hết hiệu quả.

Đơn cử như cổng TTĐT điều hành của Phòng GD&ĐT huyện Yên Thế thông tin đơn điệu, cũ. Tại mục "Văn bản từ Sở GD&ĐT", "Lĩnh vực giáo dục tiểu học, giáo dục THCS", "Công khai" xuất hiện dòng trạng thái đang cập nhật dữ liệu hoặc không có nội dung đính kèm. 

Trong khi đó thông tin về hoạt động từ Phòng và các trường rất ít, nhiều thông tin đăng tải từ năm 2017, gần nhất là tháng 8-2018. Tình trạng trên cũng diễn ra đối với cổng TTĐT Trường THCS Phồn Xương (Yên Thế). 

Lý giải về vấn đề này, thầy giáo Phạm Ngọc Chính, Hiệu trưởng cho hay, thời gian trước, nhà trường sử dụng phần mềm do nhà mạng ở Hà Nội cung cấp, không kết nối liên thông nên khâu xử lý tài liệu, đính kèm văn bản lên cổng thông tin mất rất nhiều thời gian. Trường lại không có cán bộ chuyên trách; các hoạt động được cập nhật ít nên số lượt người truy cập, khai thác dữ liệu không đáng kể.

Mới đây, Sở GD&ĐT đã đưa nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và thực hiện quy định công khai chất lượng giáo dục trên website làm tiêu chí chấm điểm thi đua của đơn vị, người đứng đầu khi kết thúc năm học 2018-2019.

Việc đăng tải nội dung “ba công khai” (chất lượng giáo dục; điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất; thu chi tài chính) là yêu cầu bắt buộc khi duy trì cổng TTĐT để phụ huynh nắm rõ. Tuy vậy không phải đơn vị nào cũng thực hiện nghiêm. Tại cổng TTĐT Trường THCS Đồng Cốc (Lục Ngạn) dù danh mục này có trên giao diện nhưng nội dung vẫn bỏ trống. Tình trạng trên cũng xuất hiện tại một số cơ sở giáo dục ở Sơn Động, Lục Nam.

Quy rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 53, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng cổng TTĐT ngành giáo dục từ tỉnh đến trường học. Trước những bất cập của hệ thống cũ, cuối năm 2017, Sở chỉ đạo thực hiện thống nhất mỗi phòng GD&ĐT, trường học một cổng thông tin điều hành do Viettel Bắc Giang cung cấp, bảo đảm khả năng tích hợp, liên thông dữ liệu, trích xuất thông tin. 

Đến nay, Sở, Phòng GD&ĐT các huyện, TP đã hoàn thành triển khai cổng thông tin điều hành chung. Tuy vậy, ở khối các trường học vẫn còn 53 trong tổng số hơn 780 cơ sở giáo dục chưa thực hiện, tập trung chủ yếu ở hai huyện Yên Thế, Lục Nam.

Về những hạn chế đang gặp, ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng nguyên nhân là do các trường chưa chú trọng ứng dụng thông tin điện tử trong xử lý, giải quyết công việc. Đội ngũ cán bộ, giáo viên chủ yếu kiêm nhiệm, hạn chế về năng lực, trình độ. Đặc biệt, việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động cổng TTĐT chưa được thực hiện thường xuyên nên khó quy trách nhiệm cho cá nhân, tập thể liên quan.

Áp dụng cổng TTĐT góp phần đa dạng hoá thông tin, hoạt động của ngành; từng bước thực hiện cải cách hành chính; tăng cường giám sát lẫn nhau của các cơ sở và tổ chức, công dân. Để đạt được kết quả như mong muốn đòi hỏi người đứng đầu đơn vị phải tích cực vào cuộc. Thực tế, nơi nào lãnh đạo quan tâm sát sao, chủ động tham gia quản lý, duy trì hoạt động thì cổng thông tin nơi đó hoạt động hiệu quả cao.

Điển hình như phòng GD&ĐT TP Bắc Giang do lãnh đạo từ phòng đến trường thường xuyên cập nhật, chỉ đạo trên hệ thống nên kết quả triển khai rất rõ nét, các trường đều tích cực thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng, để khai thác, sử dụng các tiện ích của hệ thống quản lý, điều hành chung, các đơn vị phải dành kinh phí nâng cấp hạ tầng công nghệ, lựa chọn cán bộ tâm huyết, trách nhiệm để giao công việc.

Nâng cấp cổng thông tin điện tử tỉnh xong trước 1-9-2018
(BGĐT) - Sở Thông tin và Truyền thông vừa hoàn thành rà soát, đánh giá thực trạng trang thông tin điện tử của tỉnh, các huyện, TP và các sở, ngành. 
 
Hơn 94% tên miền tiếng Việt không có trang thông tin điện tử
Hiện nay, tỷ lệ tên miền tiếng Việt có trang thông tin điện tử (website) chỉ chiếm chưa đến 2% và có tới hơn 94% tên miền tiếng Việt không có website. Thông tin này được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) công bố trong ấn phẩm thường niên “Báo cáo tài nguyên Internet năm 2017".
 
Bắc Giang xếp thứ 12 về chỉ số Trang/Cổng thông tin điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016.
 

Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...