Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đổi mới giáo dục thể chất trong trường học

Cập nhật: 09:23 ngày 12/03/2019
(BGĐT)- Không còn cảm giác tẻ nhạt với những động tác thể dục đơn điệu, hai năm gần đây, hoạt động thể dục thể thao (TDTT) trong nhà trường tại tỉnh Bắc Giang có nhiều đổi mới, giúp học sinh hào hứng tham gia.

Từ chủ trương

Trước thực trạng hoạt động giáo dục thể chất trong trường học đơn điệu, kém hấp dẫn, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ tháng 4-2018 đến nay, Sở GD&ĐT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành đổi mới nội dung, hình thức bộ môn này. Trong đó nổi bật là đưa bài tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và võ cổ truyền vào học đường. 

{keywords}

Nhiều môn thể thao mới được đưa vào trường học giúp học sinh rèn luyện thể chất, tăng cường sức khỏe.  Ảnh chụp tại Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang).

Trước khi triển khai nhân rộng, Sở tổ chức huấn luyện cho đội ngũ giáo viên nòng cốt. Tại các huyện, TP, các phòng GD&ĐT, trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tiếp tục trao đổi kiến thức, kỹ năng thực hiện bài thể dục mới để triển khai từ năm học 2018-2019. Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, nhìn chung ở 782 cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh giáo viên, học sinh đều hào hứng đón nhận. Để việc đổi mới sâu rộng, Sở chỉ đạo các đơn vị tổ chức cho học sinh luyện tập, giao lưu giữa các khối lớp, giữa các trường.

Trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, các trường đã chủ động tuyên truyền, kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp và phụ huynh ủng hộ kinh phí cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động rèn luyện sức khỏe học sinh. Đơn cử, Trường Tiểu học Nhã Nam (Tân Yên) vừa phối hợp với một doanh nghiệp tư nhân để đầu tư, khai thác sân bóng cỏ nhân tạo trị giá hơn 700 triệu đồng; Trường THCS Bích Sơn (Việt Yên) huy động phụ huynh ủng hộ tiền, ngày công làm sân tập thể dục cho con em địa phương ngay trong khuôn viên trường. Cũng nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa, toàn tỉnh hiện có 71 bể bơi trong nhà trường dạy bơi cho học sinh vào dịp hè.

Tạo phong trào sôi nổi

Nhận thấy rõ sự cần thiết phải đổi mới giáo dục thể chất trong nhà trường nên năm học này, Trường THPT Lục Nam đưa nội dung võ cổ truyền, dân vũ vào hoạt động thường xuyên. Giờ ra chơi sau tiết 2 tất cả các buổi trong tuần, hơn 1,7 nghìn học sinh xếp hàng ngay ngắn theo các lớp luyện tập 45 động tác võ cổ truyền. Võ thuật không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn giúp các em hình thành thói quen vận động, có lối sống lành mạnh, chấp hành kỷ cương, nền nếp, đồng thời trang bị kỹ năng tự vệ. Theo thầy giáo Nguyễn Thành Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, để giúp học sinh tiếp cận nhanh với hình thức luyện tập mới, bên cạnh đôn đốc tổ giáo viên thể dục thường xuyên kiểm tra, huấn luyện thêm trong các giờ thể dục, mới đây Đoàn trường phát động hội thi võ cổ truyền. Học sinh các lớp hào hứng tham gia, biểu diễn những động tác dứt khoát, khỏe khoắn và đẹp mắt.

Đến nay 80% số trường có công trình phục vụ hoạt động TDTT; hơn 2,3 nghìn câu lạc bộ như: Bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, võ cổ truyền, bơi lội... hoạt động thường xuyên. Ở khối tiểu học, 100% trường triển khai bài thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ kết hợp với võ cổ truyền, dân vũ trong các hoạt động hằng ngày.

Từ năm 2017, Sở GD&ĐT phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai chương trình “Vũ khúc sân trường”, tạo luồng gió mới cho hoạt động giáo dục thể chất. Nhiều điệu nhảy tập thể sôi động như chachacha, dân vũ dễ thực hiện, có sức lôi cuốn được các trường lựa chọn triển khai. Hoạt động rèn luyện thể chất trở thành niềm vui với học sinh các trường tiểu học, THCS. Em Bùi Thanh Thủy, học sinh lớp 8A, Trường THCS Tân Mỹ (TP Bắc Giang) nói: “Khác hẳn ngày trước, giờ đây, em và các bạn đều mong đến giờ giáo dục thể chất. Những động tác đơn giản, khỏe khoắn trên nền nhạc sôi động khiến chúng em thêm hào hứng”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thêm, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động giáo dục thể chất học đường ở một số nơi vẫn còn khó khăn, chủ yếu về cơ sở vật chất. Một số trường tiểu học quá đông học sinh, sân chơi chật hẹp hoặc có nơi vì điều kiện kinh tế hạn chế, việc thu hút xã hội hóa xây bể bơi, sân tập thể thao chưa thực sự hiệu quả.

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, từ năm 2021 trở đi, giáo dục thể chất trở thành môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Do vậy, Nhà nước cần quan tâm bố trí ngân sách đầu tư để bảo đảm các điều kiện căn bản phục vụ triển khai hoạt động giáo dục thể chất. Bên cạnh đó, người đứng đầu các nhà trường cần huy động, vận động xã hội hóa, bảo đảm có đủ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc dạy và học. Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi, giải đấu, tạo sân chơi hấp dẫn cho học sinh rèn luyện, phát triển thể lực, cải thiện tầm vóc.

Bắc Giang: Khen thưởng 138 tập thể, cá nhân giành thành tích cao tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc
(BGĐT) - Chiều 16-3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang  tuyên dương 138 tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016.
 
Khai mạc trọng thể Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX – 2016
Tối 1/8, ngọn lửa truyền thống của Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) – Biểu tượng của ý chí và sức trẻ học đường Việt Nam đã chính thức được thắp sáng trên sân vận động TP Vinh (Nghệ An). 
 
Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực I: Bắc Giang xếp thứ hai
(BGĐT) - Từ ngày 22 đến ngày 29-4, tại tỉnh Phú Thọ diễn ra Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc năm 2016, khu vực I các tỉnh miền núi phía Bắc. 
 
Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực I: Bắc Giang tự tin bước vào cuộc đua
(BGĐT) - Ngày 26 - 4, Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc khu vực I năm 2016 sẽ khai mạc tại tỉnh Phú Thọ. Để hoàn thành mục tiêu xếp thứ 3 toàn đoàn,  công tác chuẩn bị lực lượng, huấn luyện của đoàn Bắc Giang đã được thực hiện tích cực từ nhiều tháng qua. 
 
Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016 tại Thanh Hóa
(BGĐT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016.
 

Hải Vân 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...