Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vun đắp lý tưởng, giáo dục lối sống lành mạnh cho học sinh

Cập nhật: 11:53 ngày 23/04/2019
(BGĐT) - Ảnh hưởng của mạng xã hội cộng với sự thiếu quan tâm, chăm sóc, giáo dục đã khiến không ít bạn trẻ ngày nay có lối sống buông thả, vi phạm đạo đức, an ninh trật tự. Điều này để lại không ít hệ lụy cho tương lai của các em. Giáo dục lối sống lành mạnh, giúp các em có suy nghĩ, hành động tích cực là giải pháp mà nhà trường, gia đình và các đoàn thể cần chú trọng.   
{keywords}

Sinh hoạt trong các câu lạc bộ giúp học sinh rèn kỹ năng sống, tránh xa tệ nạn xã hội.

Ảnh: Các thành viên trong Câu lạc bộ ghi ta Trường THPT Chuyên Bắc Giang.

Lối sống lệch chuẩn

Đến một số các điểm vui chơi công cộng trên địa bàn TP Bắc Giang, trung tâm các huyện, nhiều người lo ngại khi chứng kiến cảnh học sinh nữ trong trang phục “thiếu vải” rất phản cảm, cách xưng hô tục tĩu, thiếu văn hóa, không phù hợp với lứa tuổi. Tối đến ở một vài quán nước trên địa bàn đường Hoàng Văn Thụ, Xương Giang (TP Bắc Giang) xuất hiện thanh niên sử dụng bóng cười, hút shisha - một loại chất gây nghiện mới nổi. Không ít bạn trẻ lấy lý do đi dự sinh nhật bạn hoặc học thêm, họp nhóm buổi tối để ra khỏi nhà tụ tập ăn chơi, tránh khỏi tầm kiểm soát của bố mẹ. Có trường hợp còn tổ chức sinh nhật rình rang tại quán hát karaoke, sử dụng đồ uống có cồn.

{keywords}

Một học sinh ở huyện Việt Yên không đội mũ khi đi xe đạp điện.

Ông Nguyễn K, nhân viên bảo vệ quán hát trên đường Võ Nguyên Giáp, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) kể: “Ngày cuối tuần hoặc buổi tối, rất nhiều thanh niên tuổi từ 14- 25 đến đây. Chúng tôi không biết gia đình quản lý con em thế nào nhưng có hôm khách hát đến 11, 12 giờ đêm rồi lại rủ nhau đi tiếp các cuộc vui khác”.

Nguy hại khó lường

Theo kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng bạo lực học đường và vi phạm pháp luật ở các cơ sở giáo dục do Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện, giai đoạn từ 2011 đến năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 153 vụ, 275 đối tượng tham gia và 183 nạn nhân. Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, mặc dù báo cáo về cơ quan chức năng không phản ánh đầy đủ nhưng tình trạng học sinh gây gổ đánh nhau, vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông vẫn xảy ra ở trong hoặc ngoài trường học. 

Tìm hiểu tại bộ phận xử lý vi phạm Đội Cảnh sát Giao thông và trật tự (Công an TP Bắc Giang), trung bình mỗi ngày có từ 7-10 trường học học sinh đi xe đạp điện vi phạm quy định về an toàn giao thông với các lỗi chủ yếu là: Không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, đội mũ bảo hiểm không cài quai... 

Theo Đại tá Dương Ngọc Sáu, Phó Giám đốc Công an tỉnh, hầu hết những trường hợp học sinh tham gia các vụ bạo lực học đường, gây rối an ninh trật tự có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực, bố mẹ ly hôn hoặc xuất khẩu lao động, không có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc con. Cũng có trường hợp phụ huynh quá nuông chiều con, đáp ứng mọi nhu cầu của con. Lo ngại hơn với các em gái, do thiếu kỹ năng, kiến thức phòng tránh nên các em dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt hoặc xâm hại.

Bác sĩ Trịnh Xuân Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tâm Thần tỉnh cho hay, bệnh viện từng tiếp nhận một số bệnh nhân là học sinh vào đây trong tình trạng đầu óc lơ mơ, không kiểm soát được lời nói, hành vi do sử dụng chất kích thích. Còn theo các bác sĩ chuyên khoa sản thì tình trạng tỷ lệ có thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên gần đây tăng so với trước. Nhiều học sinh nữ lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, nạo phá thai mà không lường hết nguy hiểm. Thuốc tránh thai có tác dụng làm thay đổi nội tiết, phải tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, nếu sử dụng bừa bãi thuốc không chỉ gây ra những tác dụng phụ mà còn nguy cơ biến chứng nghiêm trọng về sau như: Hiếm muộn, vô sinh, ung thư vú... 

Giáo dục xuất phát từ tâm lý, tuyên truyền nêu gương điển hình

{keywords}

Hoạt động trải nghiệm "Môi trường xanh" của Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang).

Đạo đức suy thoái, lối sống lệch chuẩn trong giới trẻ đang là vấn đề toàn xã hội quan tâm, lo ngại. Với các trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng và nhà trường đã áp dụng nhiều hình thức xử lý. Đơn cử như Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Lục Nam) đã hạ hạnh kiểm thi đua xuống loại yếu sau khi phát hiện clip nữ sinh lớp 12 điều khiển xe máy bằng chân tốc độ cao phát tán trên mạng xã hội đầu năm học 2018-2019; Trường THPT Giáp Hải (TP Bắc Giang) đình chỉ một năm học đối với một học sinh vi phạm đạo đức, có hành vi lôi kéo người lạ vào trường gây mất an ninh trật tự. 

Tuy vậy, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 17-4, nhiều ý kiến cho rằng hình phạt không phải là giải pháp tối ưu mà cần quan tâm biện pháp phòng ngừa là chủ yếu. Thời gian qua một số cơ sở đoàn đã phối hợp với nhà trường tổ chức câu lạc bộ tổ, đội, nhóm tập hợp đông đảo học sinh tham gia rèn kỹ năng sống, thiện nguyện, phát triển năng khiếu văn nghệ, thể thao... 

{keywords}

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Yên và Trường Tiểu học Liên Chung tặng Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện cho em Lương Thi Như Ngọc, học sinh lớp 5C nhặt được của rơi trả lại người đánh mất.

Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đơn vị yêu cầu các trường đẩy mạnh công tác giáo viên chủ nhiệm. Thầy cô cần hiểu rõ, nắm bắt hoàn cảnh của từng học sinh, nhất là học sinh “cá biệt” để có biện pháp giáo dục, định hướng phù hợp. Xây dựng quy tắc ứng xử trong nhà trường trong đó chỉ rõ những việc được phép và không được làm để các em thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền những bài học ý nghĩa về văn hóa ứng xử, sử dụng trang phục, văn hóa giao thông, tình cảm bạn bè, tình thầy - trò... trong các giờ sinh hoạt ngoại khóa nhằm giáo dục nhân cách, định hướng hành động cho giới trẻ. Để xây dựng môi trường văn hóa cho giới trẻ, không ai khác mỗi người lớn trong gia đình, nhà trường và xã hội phải thực sự là tấm gương sáng, mẫu mực trong lời nói, hành động ứng xử. 

Chị Đào Thị Hường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn nói: "Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đoàn, đội phát động phong trào thanh niên làm theo lời Bác, tuổi trẻ sống đẹp, vun đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho bạn trẻ. Đặc biệt, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi quý và kết thúc học kỳ, tổng kết năm học, tổ chức đoàn, đội cần kịp thời phát hiện, tuyên truyền, khen thưởng gương điển hình tiên tiến người tốt, việc tốt. Từ những việc làm nhỏ, thiết thực ý nghĩa sẽ tác động đến tình cảm, suy nghĩ, lòng tự trọng của bạn trẻ, ngăn chặn những hành vi trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống". 

Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...