Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thắc mắc về tiền trường, phụ huynh có thể gọi đến đường dây nóng của Sở GD&ĐT và Thanh tra Sở

Cập nhật: 17:26 ngày 13/09/2019
(BGĐT) - Năm học mới bắt đầu cũng là lúc các trường học thông báo các khoản thu để cha mẹ học sinh đóng góp. Vẫn biết cho con đi học là phải lo tiền trường nhưng thực tế triển khai còn nhiều vấn đề khiến phụ huynh băn khoăn, nhất là những khoản thỏa thuận, tự nguyện.  


Không "tự nguyện" cũng đành nhất trí

Ngay sau khai giảng năm học mới, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức họp phụ huynh học sinh. Một nội dung quan trọng của buổi họp là việc giáo viên chủ nhiệm thông báo các khoản tiền đóng góp trong năm. Sau buổi họp phụ huynh, trên các tài khoản facebook, nhiều người than vãn về chuyện tiền trường đầu năm học. 

Ở một số trường tiểu học trên địa bàn TP Bắc Giang như: Trần Phú, Ngô Sĩ Liên, Dĩnh Kế, nhiều phụ huynh phàn nàn về khoản thu kỹ năng sống, trải nghiệm và học tiếng Anh trong nhà trường với giáo viên nước ngoài. Họ cho rằng thật khó để đánh giá hiệu quả của hoạt động này. Chưa kể nếu không đăng ký cho con học tiếng Anh với "thầy ngoại" thì con sẽ ở đâu, làm gì khi đến tiết học đó.  

Về khoản thu thỏa thuận "học kỹ năng sống", một phụ huynh ở phường Trần Phú (TP Bắc Giang) cho rằng, đồng ý đây là hoạt động cần thiết nhưng nhà trường nên liên kết với các trung tâm uy tín để giảng dạy thì sẽ hợp lý hơn. Mới đây xảy ra vụ cô giáo mầm non ở Hà Nam không may làm bỏng 3 trẻ trong giờ kỹ năng sống phòng cháy chữa cháy càng khiến nhiều phụ huynh lo lắng. 

{keywords}

 Học sinh tham gia Ngày hội học sinh tiểu học TP Bắc Giang.

Anh T, phụ huynh có con học tại một trường tiểu học trên địa bàn huyện Lục Ngạn nói: “Lớp dự kiến lắp 2 máy điều hòa, phụ huynh mỗi học sinh đóng hơn 400 nghìn đồng nhưng điều tôi băn khoăn hơn cả là 5 năm học, liệu cháu có học mãi tại lớp này hay không, nếu ngồi phòng học khác thì việc di chuyển máy móc sẽ rất bất tiện”. Nhiều phụ huynh ở TP Bắc Giang cho biết họ cũng không đồng tình với việc huy động kinh phí lắp máy điều hòa ở phòng học. 

Khảo sát cho thấy, cùng một khoản thu tại các trường trong tỉnh có sự chênh lệch khá lớn. Ví như khoản đóng tiền đồ dùng bán trú có nơi thu 130 nghìn đồng/học sinh nhưng có trường lại dự kiến thu 300 nghìn đồng/học sinh; tiền thuê người nấu ăn bán trú ở TP dao động từ 30 đến 40 nghìn đồng/tháng/học sinh nhưng có trường ở huyện lại thu 70 nghìn đồng/tháng/học sinh. 

Ngoài ra căn cứ để tính mức phí đóng góp cho việc mua sắm đồ dùng vật liệu tiêu hao ở bậc mầm non, tiểu học (gồm xà phòng rửa tay, dầu rửa bát, găng tay...) cũng khiến cha mẹ học sinh băn khoăn. Bởi thực tế sử dụng của các trường ra sao thì phụ huynh không nắm được. Thậm chí có trường học trên địa bàn TP Bắc Giang dù chưa được phê duyệt danh mục các khoản thu đầu năm học song đã tự ý triển khai thay mới đồ dùng phục vụ ăn bán trú.

"Các bậc phụ huynh cũng nên nghiên cứu các quy định, kịp thời phản ánh hoặc có ý kiến đề nghị bổ sung, chỉnh sửa kịp thời. Trong trường hợp phát hiện những khoản thu sai quy định, phụ huynh có thể liên hệ đến đường dây nóng của Sở GD&ĐT: 02043.823.711 hoặc số điện thoại cố định của phòng Thanh tra : 02043.853.193 hoặc số di động của ông Trần Văn Tuấn - Phó Chánh Thanh tra sở: 0987.930.090 để xem xét giải quyết, xử lý theo quy định". Ông Trần Văn Tuấn thông tin.

Thực tế có nhiều trường khi phổ biến các khoản thu đầu năm học mới, giáo viên chủ nhiệm không phát giấy cho phụ huynh mà chỉ đọc để họ nghe và tự ghi chép dẫn đến khó nắm bắt cụ thể từng khoản đóng góp. Việc xin ý kiến phụ huynh đối với các khoản thu cũng được tiến hành thống nhất trong toàn tỉnh theo mẫu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) bằng cột ghi: Số thứ tự, họ tên học sinh; họ tên phụ huynh học sinh; ghi rõ ý kiến (đồng ý, không đồng ý và ý kiến khác); phụ huynh ký và ghi rõ họ tên. Nhiều cha mẹ học sinh phản ánh với loại phiếu "xin ý kiến" như vậy thì dù không muốn vẫn đành “tặc lưỡi” đánh vào ô đồng ý bởi sợ các con bị thầy cô “chú ý”. 

Thu đủ chi, phù hợp điều kiện thực tế

Trước khi các cơ sở giáo dục triển khai các khoản thu, Sở GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn thu, sử dụng các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh việc chú ý giãn thời gian, thời điểm thu học phí và các khoản phục vụ học sinh để giúp các gia đình bớt khó khăn khi phải tập trung đóng nhiều khoản tiền cho con vào một thời điểm. 

{keywords}

Bữa phụ của trẻ tại Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang).

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT cho biết: Theo hướng dẫn, các khoản thu thỏa thuận, tự nguyện thì trình tự lập, thẩm định và phê duyệt phải bảo đảm theo các bước gồm: Lập dự toán thu, chi; lấy ý kiến của phụ huynh học sinh (100% ý kiến nhất trí); lập tờ trình phê duyệt gửi đến cấp có thẩm quyền (Sở GD&ĐT duyệt khoản thu đối với các trường: THPT, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; Phòng GD&ĐT duyệt của các trường mầm non, tiểu học và THCS). Các đơn vị tổ chức thẩm định, phê duyệt chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị của các cơ sở giáo dục, hoàn thành trước ngày 10-10. Sau khi được cấp có thẩm quyền duyệt, các trường mới được triển khai thu. Như vậy những trường nào mới lấy ý kiến phụ huynh mà chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt mà đã triển khai thu là sai quy trình. 

Việc phụ huynh tham gia đóng góp các khoản thu đầu năm học cho nhà trường để phục vụ hoạt động GD&ĐT là cần thiết. Tuy nhiên, phải tuân thủ quy định và phù hợp điều kiện kinh tế của người dân trên địa bàn. 

Thực tế, khi phóng viên tìm hiểu về các khoản thu đầu năm học, đa phần phụ huynh đều ngần ngại cung cấp thông tin, không muốn nêu tên vì sợ ảnh hưởng tới con em dù còn nhiều điều ấm ức. 

Điều đáng nói ở đây là, những băn khoăn của phụ huynh đều đến từ các khoản thu tự nguyện, thỏa thuận. Thêm nữa, dù không nhiều nhưng thực tế đang tồn tại những bất cập trong hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. 

Ở một số trường, ban đại diện cha mẹ học sinh có cách thức vận động phụ huynh đóng góp một số khoản tự nguyện chưa thực sự khéo léo, phù hợp. Thậm chí, các thành viên có "máu mặt" đề xuất khoản đóng góp ở mức cao mà không quan tâm đến điều kiện sống của số đông các gia đình trong lớp. 

Để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động thu, sử dụng các khoản thu từ người học, thời gian tới Sở GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trong toàn tỉnh. 

Cùng đó, UBND các huyện, TP chỉ đạo cơ quan chức năng, UBND xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Thời điểm này Sở đang tập huấn về công tác thu chi, quản lý tài chính trong nhà trường cho một số đơn vị. 

Chống lạm thu từ các khoản tự nguyện
(BGĐT) - Năm học mới 2019-2020 sắp bắt đầu. Làm gì để giảm bớt tiến tới ngăn ngừa các khoản lạm thu đầu năm học là điều khiến dư luận và các bậc phụ huynh quan tâm.
Xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu trong năm học mới
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm học 2019-2020.
Trường Tiểu học Sơn Đồng bị “tố” lạm thu: Được mời lên trả lại tiền, phụ huynh từ chối nhận
Phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, ngày 7-9, họ nhận được đề nghị nhận lại một số khoản tiền đầu năm đã đóng, sau khi tố nhà trường lạm thu.

Nhóm PV

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...