Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xóa nhà vệ sinh tạm ở trường học: Khắc phục tình trạng mỗi nơi một kiểu

Cập nhật: 19:55 ngày 02/10/2019
(BGĐT) - Xóa nhà vệ sinh (NVS) tạm, khắc phục tình trạng thiếu NVS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục hai năm học gần đây. Từ ngân sách các cấp và huy động xã hội hóa, nhiều công trình NVS trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được xây mới, cải tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng của thầy, trò các nhà trường. Tuy vậy, quá trình xây dựng, sử dụng ở một số nơi bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục. 

Còn bất cập trong thiết kế

Tổng hợp từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tháng 9-2019, toàn ngành khảo sát trong tổng số 3.798 công trình vệ sinh của giáo viên, học sinh thì có 1.216 công trình xuống cấp, thiếu diện tích so với quy định; 329 điểm trường không có NVS cho giáo viên, 68 điểm trường không có công trình cho học sinh. NVS bẩn hoặc thiếu công trình vệ sinh là nỗi ám ảnh của giáo viên, học sinh. Tình trạng này xảy ra không chỉ ở khu vực miền núi, vùng cao mà còn ở trung tâm.

{keywords}

Giáo viên Trường Mầm non Nghĩa Hồ (Lục Ngạn) hướng dẫn trẻ sử dụng công trình vệ sinh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, năm học 2018-2019, toàn tỉnh xây mới 377 công trình vệ sinh; cải tạo, sửa chữa 253 công trình, tổng kinh phí khoảng 70 tỷ đồng. Trước đó, đầu năm 2018, tại các huyện, TP, một số tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp nước ngoài cũng hỗ trợ xây dựng hàng chục NVS cho các trường, điểm trường khó khăn về cơ sở vật chất. 

Trong quá trình thực hiện, một số địa phương như Hiệp Hòa, Tân Yên đã ban hành thiết kế mẫu riêng công trình NVS; một số xã thuê đơn vị tư nhân thiết kế trên cơ sở không gian, diện tích hiện có dẫn đến tình trạng mỗi nơi một kiểu, các công trình chưa bảo đảm tiện ích, hiện đại và đồng bộ.

Kết quả kiểm tra của Sở GD&ĐT đầu năm học mới đây cho thấy, việc xây dựng và quản lý, sử dụng công trình NVS ở một số trường học đã nảy sinh bất cập. Ông Trần Duy Phương, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT cho biết, qua kiểm tra ở hơn 50 trường học có hàng chục công trình vệ sinh xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư như: THPT Yên Dũng 1, THPT Sơn Động số 1, THCS thị trấn An Châu (Sơn Động); Mầm non Tư Mại, THCS Tư Mại (Yên Dũng); Tiểu học Châu Minh (Hiệp Hòa)...

Bên cạnh đó, có công trình đang thi công hoặc đã đưa vào sử dụng nhưng bất cập trong thiết kế. Đơn cử như NVS Trường THCS Bích Sơn (Việt Yên) được đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng từ ngân sách xã xây dựng mới. Công trình khởi công từ tháng 7, đang trong quá trình hoàn thiện với tổng diện tích hai tầng là 220 m2. NVS thiết kế khu nam, nữ riêng biệt; có vách ngăn, bồn rửa tay. Tuy vậy, qua kiểm tra của Sở GD&ĐT cho thấy NVS vẫn xây máng tiểu như mô hình cũ từ nhiều năm trước. Tình trạng này cũng xảy ra với NVS ở Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang).

Tăng cường giám sát

Tình trạng mỗi nơi một kiểu trong thiết kế, xây dựng NVS ở các trường được lý giải là do địa phương phải cắt một phần kinh phí để thuê đơn vị trung gian thiết kế. Thêm nữa, ngoài nguồn hỗ trợ từ tỉnh, huyện, kinh phí xây dựng còn phụ thuộc vào nguồn đối ứng từ nhà trường và huy động xã hội hóa. Bên cạnh đó do quỹ đất, quy mô học sinh, diện tích của mỗi trường học không đồng đều. 

Thực hiện kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 551-TB/TU ngày 8-5-2019, tại văn bản số 1569/UBND-XD ngày 10-5-2019, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thiết kế mẫu NVS xây mới để áp dụng thống nhất, giảm thiểu các khâu trung gian. Sở Xây dựng, Sở GD&ĐT thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ và kiểm tra giám sát chất lượng NVS xây mới.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu đưa vào sử dụng 785 công trình NVS, tổng kinh phí 157 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh trích ngân sách 50 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương, tập trung ở các huyện Hiệp Hòa (244 công trình), Lục Ngạn (112); Lục Nam (90 công trình)…

Trước những hạn chế, bất cập trong xây dựng NVS, tháng 5-2019, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan xây dựng thiết kế mẫu. Tuy nhiên đến cuối tháng 9, cơ quan này vẫn chưa ban hành mẫu NVS cho các trường học khi xây mới. Lý giải nguyên nhân, ông Vi Thanh Quyền, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, do thời gian qua đơn vị có sự thay đổi về nhân sự. Hiện Sở đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đầu tháng 10 sẽ ban hành mẫu NVS cho các trường áp dụng.

Tìm hiểu thực tế tại một số công trình vệ sinh trong tỉnh sau khi đưa vào sử dụng, nhà trường chưa quan tâm làm tốt công tác quản lý. 10 giờ ngày 28-9, phóng viên có mặt tại Trường THCS Quế Nham (Tân Yên). Giữa giờ ra chơi, một nhóm học sinh vào NVS rồi vội vàng quay ra. Quan sát chúng tôi thấy NVS không có nước, bồn rửa tay phủ lớp bụi cho thấy lâu ngày không được sử dụng. 

Em Nguyễn Thị L cùng nhóm học sinh lớp 7 cho biết, từ lâu em không dám đi vệ sinh ở trường. Có học sinh thiếu ý thức xả rác bừa bãi. Được biết, công trình vệ sinh này do Công ty điện tử Sam Sung tài trợ, hoàn thành tháng 2-2018. Học sinh một trường THPT tại trung tâm TP Bắc Giang phản ánh NVS của trường thường xuyên bốc mùi khai nồng nặc, bị cắt nước, không có giấy vệ sinh mặc dù phụ huynh phải đóng tiền cho khoản này.

Nhiều phụ huynh, học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (TP Bắc Giang) phản ánh lớp học ở sát NSV nhưng công trình này chưa được vệ sinh thường xuyên. Về lâu dài nếu tình trạng này không khắc phục sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe các em và vệ sinh môi trường học đường.

Xóa NVS bẩn, khắc phục tình trạng thiếu NVS hoặc NVS không đạt tiêu chuẩn ở các cơ sở giáo dục là trách nhiệm của các ngành liên quan và chính quyền địa phương. Từ thực tế trên cho thấy công tác phối hợp giữa Sở GD&ĐT với Sở Xây dựng, chính quyền các địa phương thời gian qua chưa thường xuyên. 

Nhiều ý kiến đề nghị, Sở Xây dựng khẩn trương ban hành thiết kế mẫu, quá trình thực hiện cần thông tin, phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT hơn nữa. Ngành giáo dục thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục những bất cập nảy sinh trong quá trình xây dựng, quản lý và khai thác công trình. Đối với những công trình đã đưa vào sử dụng, người đứng đầu các trường học quan tâm giáo dục học sinh ý thức giữ gìn, quản lý, phát huy giá trị sử dụng, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh.

Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...