Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sử dụng SGK mới: Các trường điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp, không gây quá tải

Cập nhật: 07:10 ngày 09/10/2020
(BGĐT) - Ngay trong những tuần đầu tiên của năm học 2020-2021, một số phụ huynh có con học lớp 1 lo lắng chương trình giáo dục mới nặng quá sức với con em mình.

Chị Trần T. X ở TP Bắc Giang chia sẻ dù chuẩn bị tinh thần nhưng những tuần đầu tiên con học lớp 1 khiến chị lo lắng. Thực hiện đúng tinh thần của ngành giáo dục, chị không cho con đi học thêm trước đó nên cháu chưa nhớ hết mặt chữ. Tối nào hai mẹ con cũng như đánh vật với các bài tập Toán và Tiếng Việt, vừa xong các phép tính, luyện viết lại quay sang đánh vần, có câu con đọc xong mà không hiểu nghĩa.

Trên diễn đàn mạng xã hội, một số cha mẹ cũng phản ánh trẻ học lớp 1 là thời điểm hào hứng nhất với việc đến trường, tiếp thu cái mới song qua mấy tuần năm học, họ cảm thấy áp lực. Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 cũ trước đây, bài học có nhiều câu thơ, bài văn vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc giúp trẻ yêu gia đình, quê hương, đất nước thì sách Tiếng Việt mới lại có những câu trúc trắc. Chẳng hạn bài 11 trong bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" có câu "kì đà bò ở kẽ đá".

Những ngày đầu năm học, học sinh lớp 1 chưa quen với bài vở, nếp sinh hoạt mới, chưa chú ý, tập trung. Lo học sinh không đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, một số giáo viên hiện nay giao thêm bài tập về nhà cho học sinh ôn luyện.

Trong khi đó, chị Nguyễn Vân Anh, phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) lại không sốt sắng khi thấy con đọc chậm, đọc chưa đúng, thậm chí vẫn có chữ viết sai nét. Chị cho rằng việc học là cả quá trình, phải dần dần từng bước, nếu thầy cô và cha mẹ thúc giục, ép buộc quá, nhiều cháu sẽ nản, sợ học, sợ đến trường.

{keywords}

Giờ học Tiếng Việt của học sinh lớp 1 A2, Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Bắc Giang).

Tại nhiều trường tiểu học như: Lê Lợi, Dĩnh Kế (TP Bắc Giang), Ngọc Sơn (Hiệp Hòa), Thị trấn Đồi Ngô số 1 (Lục Nam)… các thầy cô trong ban giám hiệu đều trực tiếp đứng lớp 1. Cô Phạm Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Sơn (Hiệp Hòa) cho biết: "Khi trực tiếp giảng dạy và dự giờ tại một số lớp, chúng tôi hướng dẫn giáo viên dạy các em nắm kiến thức cơ bản nhất, cách thức truyền đạt đơn giản, dễ hiểu. Đặc biệt là yêu cầu từng bài học mức độ vừa phải, phù hợp với năng lực nhận biết của học sinh lớp 1 ở nông thôn". Cũng theo cô Hoàn, vừa qua, dư luận phản ánh kiến thức trong SGK nặng xuất phát từ nguyên nhân giáo viên yêu cầu cao hoặc kỳ vọng của cha mẹ quá lớn, gây áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Tổng hợp từ Sở GD&ĐT, có 44/46 đầu SGK lớp 1 được các trường lựa chọn sử dụng trong năm học này. Đó là các bộ: "Cánh Diều" có 37,65% trường tiểu học trong tỉnh sử dụng; bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống" 26,2%; "Cùng học để phát triển năng lực" 18,9%. Còn lại là các bộ: "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục"; "Chân trời sáng tạo". Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, giáo viên đánh giá học sinh căn cứ theo Chương trình; SGK được xác định là tài liệu và giáo viên không hoàn toàn phụ thuộc vào đó để giảng dạy. Dù chọn sử dụng một bộ sách song thầy cô có thể nghiên cứu, tổng hợp kiến thức từ các bộ sách khác nhau để thiết kế bài học phù hợp nhất với học sinh.

Sau khi Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo, sáng 7/10, Sở GD&ĐT ban hành công văn 1173/SGDĐT- GDTH yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, TP chỉ đạo các trường tiểu học rà soát, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy chương trình lớp 1 bảo đảm hợp lý, không gây quá tải, giúp các em hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp; không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.

Qua trao đổi với đại diện một số trường tiểu học được biết, so với sách Tiếng Việt lớp 1 cũ, mức độ kiến thức mà học sinh cần đáp ứng năm nay không thay đổi song số tiết tăng lên nhằm nâng cao năng lực Tiếng Việt cho các em. Cụ thể là tăng từ 350 lên 420 tiết; mỗi tuần các em học 12 tiết (8 tiết học vần, 2 tiết tập viết, 1 tiết kể chuyện và 1 tiết ôn tập).  

Năm học này, toàn tỉnh có hơn 38 nghìn học sinh học lớp 1; các em được học 2 buổi/ngày. Ngay sau khai giảng, Sở GD&ĐT tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học tại một số trường. Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đánh giá, tại các nơi đoàn đến kiểm tra, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở; bước đầu  áp dụng được các phương pháp dạy theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; nền nếp dạy học từng bước ổn định.

{keywords}

Một bài học trong sách Tiếng Việt 1 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống).

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng nhận định trong năm đầu thực hiện đổi mới SGK và chương trình giáo dục sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Sở tiếp tục lắng nghe ý kiến từ giáo viên, phụ huynh và các cơ quan truyền thông để sớm khắc phục hạn chế, đồng thời phát huy, kế thừa những mặt tích cực của các phương pháp giảng trước đây. 

Yêu cầu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường tiểu học phải trực tiếp dạy lớp 1 để kịp thời nắm bắt, điều chỉnh, khắc phục những vướng mắc phát sinh. Thầy cô cần tiếp tục phát huy quyền chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; linh hoạt sử dụng các thiết bị, đồ dùng, tư liệu điện tử hỗ trợ học sinh tiếp thu kiến thức. Tăng cường trao đổi thông tin với phụ huynh để tạo sự đồng thuận trong các hoạt động giáo dục.

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018: Đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đổi mới
(BGĐT) - Từ năm học 2020-2021, cùng với cả nước, tỉnh Bắc Giang sẽ triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Các địa phương đang khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học.
Bồi dưỡng cho tổ trưởng chuyên môn về chương trình giáo dục phổ thông mới
Để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức bồi dưỡng trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông mới cho hơn 4.500 tổ trưởng chuyên môn các trường tiểu học tại 63 tỉnh, thành phố từ ngày 22/4 đến hết 30/5. 
Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị thẩm định sách giáo khoa lớp 2 chương trình giáo dục phổ thông mới
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Theo đó, năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hai lần thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lần một dự kiến từ tháng 6 đến tháng 9, lần hai từ tháng 9 đến hết tháng 12.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thêm 7 sách giáo khoa lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ký Quyết định số 512/QĐ-BGDĐT phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, 7 sách giáo khoa được phê duyệt lần này, nâng tổng số sách giáo khoa lớp 1 được phê duyệt trong Chương trình giáo dục phổ thông mới lên 45 cuốn của 9 môn học và hoạt động giáo dục.
Chọn sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Tôn trọng quyền tự quyết của các nhà trường
(BGĐT) - Thời điểm này, những bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã được chuyển đến tay giáo viên các trường tiểu học trong tỉnh Bắc Giang. 
Công bố danh mục sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1, chương trình giáo dục phổ thông mới
Ngày 20-1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số 180/QĐ-BGDĐT phê duyệt Danh mục sách giáo khoa môn tiếng Anh lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hải Vân
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...