Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giáo dục niềm tin vào khát vọng hướng thiện của con người

Cập nhật: 13:58 ngày 14/02/2021
(BGĐT) - “Nếu không tin vào tính hướng thiện của con người thì giáo dục tự nhiên sẽ không còn ý nghĩa tồn tại của nó. Con người tồn tại đến ngày hôm nay là nhờ giáo dục theo nghĩa rộng nhất. Hướng thiện không phải chỉ là đạo đức mà còn là con đường để sinh tồn…”. Có phải vì lẽ sinh tồn ấy mà vấn đề giáo dục quanh năm “nóng”  trên các diễn đàn? Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương trả lời phỏng vấn Báo Bắc Giang về chủ đề này.  

Cuốn "Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản" của ông vừa đoạt giải Sách Hay 2020, xin chúc mừng ông! Hẳn ông đã hiến kế rất nhiều ý tưởng hay về giáo dục trong cuốn sách này, xin ông chia sẻ điều tâm đắc nhất?

{keywords}

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương.

Cuốn sách này ghi lại bước đầu những thu nhận của tôi về giáo dục Nhật sau 10 năm tiếp xúc (2006-2016). Từ sự so sánh giữa lý luận và thực tiễn giáo dục của hai nước tôi đã đưa ra một số gợi ý cơ bản về cải cách giáo dục như tìm kiếm và xác lập triết lý giáo dục mới làm rõ hình ảnh quốc gia và con người mơ ước; cải cách hành chính giáo dục theo hướng tôn trọng tự chủ, phân quyền, tiến hành dân chủ hóa bộ máy hành chính giáo dục và thúc đẩy các “thực tiễn giáo dục” để phát huy sự sáng tạo, chủ động của nhà trường, giáo viên; cải cách văn hóa trường học theo hướng tôn trọng cá tính và sự sáng tạo của học sinh thông qua bảo đảm và thúc đẩy hoạt động của các câu lạc bộ và văn hóa đọc trong trường học… 

Ở lĩnh vực giáo dục lịch sử, tôi gợi ra hướng tiếp cận mới coi mục tiêu của giáo dục lịch sử là tạo ra nhận thức lịch sử khoa học và phẩm chất công dân ở học sinh. Để đạt được mục tiêu này, học sinh phải được hướng dẫn học tập như một nhà sử học nhỏ tuổi ở trường để tiếp cận tư liệu, phân tích, giải mã tư liệu để giải quyết, phát hiện vấn đề, biểu đạt thông tin thu nhận được thay vì học thuộc lòng, lý giải các thông tin trong sách giáo khoa thuần túy như ta đã làm trong suốt mấy chục năm qua.

Vấn đề giáo dục của nước ta hầu như "nóng" quanh năm trên các diễn đàn, vì sao lại như vậy, thưa ông?

Giáo dục luôn nóng vì nó là lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến mọi nhà. Có nhà nào không có con em đi học? Vì thế mà người dân rất quan tâm và cảm nhận được những bất cập của nó sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống, hiện tại và tương lai của mình như thế nào.

Một lý do nữa khiến giáo dục luôn nóng là vì các vấn đề cơ bản nhất trong giáo dục chưa được giải quyết rốt ráo, cụ thể, hiệu quả cho nên tác động tiêu cực của nó ngày càng lớn, càng nặng nề trong khi đó các vấn đề mới lại phát sinh thêm khiến cho học sinh, giáo viên, phụ huynh và thậm chí là cả cán bộ quản lý giáo dục cảm thấy nặng nề, mệt mỏi.

Cuối cùng là sự phát triển của Internet, mạng xã hội, báo chí đã làm cho sự phản ảnh hiện trạng giáo dục trở nên đa chiều, cung cấp thông tin phong phú, thúc đẩy sự phản biện ở nhiều tầng lớp khác nhau từ giới chuyên môn tới những người công dân bình thường.

Trên một diễn đàn mới đây ông nói "Giáo dục những điều cao siêu, quên dạy trẻ làm người bình thường", xin ông giải thích kỹ hơn về nhìn nhận này?

Nói “cao siêu” thật ra là một cách nói giảm nói tránh. Nói đúng ra là giáo dục đang lâm vào tình trạng “sáo rỗng” và “hình thức”. Tức là nó lấy khẩu hiệu, lấy hình thức biểu hiện bằng con số như bao nhiêu % học sinh giỏi, bao nhiêu % học sinh đỗ đại học, bao nhiêu giáo viên giỏi làm mục tiêu và sự tự hào cho giáo dục mà quên mất mục tiêu của giáo dục là tạo ra con người - con người công dân có khả năng sống tốt ở hiện tại và có khả năng cải tạo xã hội làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. 

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, sinh năm 1982 tại xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) từng du học 8 năm tại Nhật Bản, đã dịch và xuất bản khoảng 50 cuốn sách về giáo dục, văn hóa, trong đó có: Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản; Môn Sử không chán như em tưởng; Phẩm cách quốc gia; Phẩm cách cha mẹ; Đi tìm triết lý giáo dục… Ông cũng là nhà hoạt động trong tư cách là diễn giả về chủ đề giáo dục và khuyến đọc.

Nghĩa là học sinh biết sống như một người bình thường: Học điều mình muốn biết, nói điều mình nghĩ, làm điều mình tin là đúng và khao khát làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, muốn cống hiến cho xã hội… 

Một người bình thường như thế trước hết phải có khả năng tự lập trong chính cuộc sống của cá nhân mình từ quản trị thời gian, tự lập về sinh hoạt (ăn, mặc, sinh hoạt thường ngày), tự lập về tư duy tiến tới tự lập về tài chính thông qua nghề nghiệp học được. 

Tuy nhiên, quan sát ta sẽ thấy rất nhiều học sinh đã tốt nghiệp phổ thông mà không thể tự lập trong đời sống và không có những giá trị quan, kỹ năng sống cơ bản, bình thường nói trên. Những học sinh đó trở thành những thanh niên yếu đuối về tư duy, sống như kẻ phụ thuộc cả về tư duy lẫn đời sống thường ngày.

GS Nguyễn Lân Hiếu vừa có bài “Quy hoạch lòng tốt” đăng báo VnExpress viết: “Làm sao chúng ta dạy được con cháu mình những điều tưởng rất đơn giản nhưng sẽ là nền móng của sự thịnh vượng. Thay vì để cho tiền bạc, bằng cấp, danh xưng làm choáng ngợp, ta chỉ dành ấn tượng cho những tấm lòng tử tế, khiêm cung và rộng lượng”. Là một nhà nghiên cứu về giáo dục, theo ông phải làm sao?

Lòng tốt tồn tại dựa trên niềm tin và nỗ lực cá nhân cũng như là cơ sở của xã hội. Muốn lòng tốt tồn tại và liên tục nảy nở sinh sôi thì phải nỗ lực thúc đẩy cả hai phương diện “cá nhân con người” và nền tảng xã hội. Là một nhà nghiên cứu giáo dục tôi suy nghĩ về việc người Việt làm sao phải tạo ra một nền tảng xã hội tốt nơi có thể khuyến khích, bảo vệ cái hay, cái tốt đẹp và loại trừ cái xấu, cô lập, bao vây cái xấu. 

Tôi cũng suy nghĩ về việc làm sao để từng cá nhân con người ngay từ khi còn đi học có khả năng tự vấn bản thân để nhận thức sâu xa về phẩm giá cá nhân con người và giá trị phổ quát của xã hội văn minh. Trẻ em, thanh niên sa ngã, trụy lạc có hành vi phản xã hội là một cách để chúng phản ứng với thế giới do người lớn đã tạo ra. 

{keywords}

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương giao lưu với các em học sinh tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang).

Người lớn nếu muốn trẻ em sống lương thiện, tử tế thì người lớn phải can đảm sống thật với con người của mình - sống như một người bình thường. Người lớn thường nghĩ mình đóng kịch tài nhưng trẻ em là thiên tài nhìn ra bản chất. Trẻ em có thể không nghe lời người lớn nhưng không phút giây nào chúng không quan sát và nhận xét trong nội tâm về người lớn. 

Khi lời nói và việc làm của người lớn trái ngược nhau sẽ làm cho trẻ em tổn thương và phản kháng tiêu cực. Những người làm giáo dục mất đi sức mạnh vốn có của giáo dục, mất đi quyền uy thiêng liêng của nghề vì có không ít người không có đủ can đảm để sống như một người bình thường. Khi người thầy không can đảm sống như một người bình thường, sức mạnh giáo dục từ người thầy sẽ tự nhiên biến mất.

Ông từng nói: "Chúng ta phải tin vào tính hướng thiện của con người nói chung để từ đó cùng nhau nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển nó để cùng mưu cầu hạnh phúc", vậy niềm tin vào khát vọng hướng thiện cần được giáo dục bằng cách nào, thưa ông?

Nếu không tin vào tính hướng thiện của con người thì giáo dục tự nhiên sẽ không còn ý nghĩa tồn tại của nó. Con người tồn tại đến ngày hôm nay là nhờ giáo dục theo nghĩa rộng nhất. Hướng thiện không phải chỉ là đạo đức mà còn là con đường để sinh tồn. Số phận của từng cá nhân đều gắn bó mật thiết với sự lành mạnh của cộng đồng bất chấp địa vị của cá nhân đó thế nào. 

Chúng ta cần phải giáo dục bằng nhiều phương pháp khác nhau để từng cá nhân từ người lớn tới trẻ em hiểu rằng cách thức duy nhất và hiệu quả nhất để mưu cầu hạnh phúc bền vững, đích thực cho mình là phải làm cho mưu cầu đó không mâu thuẫn với mưu cầu hạnh phúc chung cho cả cộng đồng dân tộc. Mình giàu lên phải đồng thời làm cho người khác sống trong điều kiện tốt hơn. 

Mình thăng tiến phải đồng thời làm cho người khác có thêm nhiều cơ hội. Sẽ là ngõ cụt nếu như cá nhân được lợi trong khi người khác hay cộng đồng phải gánh chịu hậu quả. Nếu thông minh chút ít người ta sẽ nhận ra rằng hậu quả đó rồi cuối cùng sẽ tìm đến bản thân mình vì xã hội là một chỉnh thể phức tạp và luôn tuần hoàn như một quy luật tất yếu. 

Ở góc độ là người nghiên cứu về giáo dục tôi nghĩ cả gia đình, trường học và xã hội (thông qua các thiết chế khác nhau như truyền thông, giáo dục xã hội, văn hóa) đều phải hướng đến để mọi người hiểu một chân lý đơn giản đó.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Đức (thực hiện)

Hành động khiến cả thế giới ngưỡng mộ giáo dục Nhật Bản
Đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh những chiếc ô tô dừng lại nhường đường cho một nhóm học sinh sang đường. Nhưng điều đáng ngưỡng mộ hơn là sau khi các em đã sang được phía bên kia, tất cả đều quay lại cúi đầu cảm ơn những người lái xe đã nhường đường cho mình.
Giải quyết những “nút thắt” nhằm đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục
Tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 27/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trình bày tham luận “Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025".
Chuyển đổi số trong giáo dục: Thêm cơ hội học tập cho mọi người
(BGĐT) - Chuyển đổi số trong giáo dục là sự thay đổi phương pháp theo hướng ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, dạy và học, tạo môi trường mở và cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, học tập suốt đời cho mọi công dân. 
Bàn cách gỡ khó cho cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học
Ngày 27/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo giáo dục Việt Nam 2020 với chủ đề: “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn”.
Kiên quyết giải thể cơ sở giáo dục nghề yếu kém
Sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...