Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường học

Cập nhật: 14:46 ngày 12/08/2022
(BGĐT) - Chuẩn bị các điều kiện phục vụ năm học mới, thời điểm này, các địa phương đang khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học.

Thêm nhiều phòng học mới

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3, các nhà trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình đòi hỏi tăng cường ứng dụng công nghệ, khai thác học liệu điện tử, bảo đảm tính liên thông giữa các môn học, lớp học, cấp học. Để triển khai hiệu quả, tỉnh ưu tiên nguồn lực mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp đón năm học mới.

{keywords}

Trường Tiểu học thị trấn Tây Yên Tử đưa vào sử dụng tòa nhà chức năng mới.

Tại Trường THCS Quang Thịnh (Lạng Giang), thầy giáo Đỗ Minh Đạt, Hiệu trưởng cho biết: Từ năm học tới, nhà trường chuyển ra vị trí mới. Vừa qua, UBND xã Quang Thịnh đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng hệ thống 24 phòng học, phòng chức năng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Đây là động lực để mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhiều xã vùng khó khăn của huyện Sơn Động cũng được hưởng lợi từ các nguồn vốn dành cho việc củng cố cơ sở vật chất trường học. Giai đoạn 2022-2023, toàn huyện sẽ xây mới 37 phòng học. Đến nay, 100% phòng học bậc THCS đã kiên cố, tất cả các bậc học không còn phòng học tạm. Toàn huyện phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành kiên cố trường, lớp ở các bậc học. 

Trường Tiểu học thị trấn Tây Yên Tử là một trong những ngôi trường đầu tiên vùng khó khăn đạt chuẩn mức độ 2. Trên nền cơ sở vật chất sẵn có, nhà trường xây dựng thêm tòa nhà 2 tầng gồm 8 phòng chức năng, mua sắm bàn ghế, đồ dùng theo danh mục thiết bị chương trình giáo dục phổ thông mới tạo điều kiện cho học sinh học tập.

Nhiều trường còn chú trọng hoàn thiện các công trình nhà đa năng, bể bơi, sân bóng, ký túc xá, nhà ăn, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện.

Cùng với sự đầu tư của UBND tỉnh, các huyện, TP cũng ưu tiên bố trí ngân sách, huy động xã hội hóa phục vụ xây dựng trường lớp. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ địa bàn có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đến nay, huyện Việt Yên đang dẫn đầu tỉnh về tỷ lệ kiên cố trường, lớp học (98%). 

Dự báo được sự gia tăng dân số cơ học do phát triển công nghiệp, huyện đã xây dựng quy hoạch mở rộng quy mô trường lớp học. Trong hai năm 2021-2022, toàn huyện xây dựng mới 302 phòng học với đầy đủ trang, thiết bị, trị giá hơn 300 tỷ đồng. 

Cô giáo Đinh Thị Soạn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tăng Tiến cho biết: Năm học này, Tin học, Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc trong chương trình lớp 3, thay vì tự chọn như hiện nay. 

Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, tháng 8/2022, nhà trường đã trang bị thêm một phòng tin học với 20 chiếc máy tính kết nối mạng trị giá 270 triệu đồng. Ngoài ra, trường bổ sung trang thiết bị cho 17 phòng học phục vụ giảng dạy chương trình lớp 1, lớp 2 và lớp 3

Phục vụ yêu cầu đổi mới giáo dục

Bắc Giang là một trong những địa phương có tỷ lệ kiên cố hóa và trường chuẩn quốc gia dẫn đầu khu vực trung du, miền núi phía Bắc và toàn quốc. Tuy nhiên vẫn còn một số trường thiếu diện tích, không thể mở rộng phải chuyển đến địa điểm mới nhưng chưa huy động được nguồn lực đầu tư xây dựng như: Trường Tiểu học Trần Phú (TP Bắc Giang); Trường THCS Tân An (Yên Dũng)... 

Nhiều trường có phòng học kiên cố, sạch đẹp nhưng diện tích phòng không đủ theo quy chuẩn, khiến học sinh ngồi chật chội như: Trường THCS Xuân Phú (Yên Dũng); THCS Thái Đào (Lạng Giang). Một số trường bàn ghế xuống cấp, chưa phù hợp với tầm vóc của học sinh từng cấp như: Trường THPT Nhã Nam, THPT Tân Yên số 1. Bởi vậy, việc đánh giá công nhận lại chuẩn quốc gia mức độ 1 và xây dựng chuẩn mức độ 2 gặp nhiều khó khăn.

Năm học mới, ngành giáo dục tỉnh đưa vào sử dụng 151 phòng học, phòng chức năng với tổng mức đầu tư hơn 105,3 tỷ đồng.

Những năm học gần đây, số lượng học sinh toàn tỉnh liên tục tăng cục bộ ở những địa bàn phát triển dân số cơ học, gần các khu, cụm công nghiệp, trong khu đô thị mới, trung bình năm sau cao hơn năm trước từ 11-13 nghìn học sinh. Tình trạng gia tăng học sinh, thậm chí quá tải ở một số nơi khiến ngành giáo dục đứng trước khó khăn về cơ sở vật chất.

UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch số 155/KH-UBND về bảo đảm cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025; dự kiến bố trí hơn 3 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 496,1 tỷ đồng mua sắm thiết bị, đồ dùng giảng dạy. 

Riêng năm học tới, ngành giáo dục tỉnh đưa vào sử dụng 151 phòng học, phòng chức năng với tổng mức đầu tư hơn 105,3 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 8/2022, Trường THPT Lục Nam sẽ khởi công xây dựng 2 tòa nhà gồm 10 phòng học và 12 phòng chức năng với tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sở tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, thực hiện nghiêm quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với những cơ sở giáo dục đã được phê duyệt kế hoạch đầu tư, Sở đề nghị UBND các huyện, TP đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để nâng cấp, mở rộng trường lớp. 

Sở yêu cầu các trường học thường xuyên rà soát, phân loại cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo 3 nhóm: Sử dụng được; hư hỏng nhưng vẫn có thể sửa chữa; hư hỏng không thể cải tạo. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch mua sắm, xây mới, nâng cấp phù hợp, sắp xếp, quản lý và đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bài, ảnh: Minh Thu

TP Bắc Giang: Các trường học khuyến khích giáo viên, học sinh đọc sách
(BGĐT) - Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 9 (21/4), từ ngày 23/3 đến ngày 21/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Bắc Giang triển khai chương trình khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia đọc sách.
Lạng Giang: Đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường học
(BGĐT) - Giai đoạn 2022-2025, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) dự kiến đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và trường trọng điểm chất lượng cao.
Yên Thế: Huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học
(BGĐT) - Nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học, bằng nguồn ngân sách cấp trên và kinh phí sự nghiệp giáo dục của địa phương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường, lớp học, góp phần nâng chất lượng giáo dục toàn diện.
Bắc Giang: Hơn 105 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất một số trường học
(BGĐT) - Theo kế hoạch, tới đây, một số trường THPT, Dân tộc nội trú (DTNT) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sẽ được đầu tư cơ sở vật chất nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, bảo đảm theo tiêu chí trường học đạt chuẩn Quốc gia...
Trường học an toàn
(BGĐT) - Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có quyết định phê duyệt Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 trong trường học, phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh việc hướng dẫn các em nguyên tắc cơ bản trong PCD cũng như đối với những thành viên liên quan ở thời điểm trước khi học sinh đến trường, trong thời gian học tập và sau khi rời trường thì Sổ tay nêu rõ quy trình xử lý 4 bước khi có trường hợp mắc Covid-19. 



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...