Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân

Cập nhật: 17:47 ngày 19/10/2022
(BGĐT) - Chiều ngày 19/10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, TP triển khai Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

{keywords}

Quang cảnh điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đặc biệt đến việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của mọi tầng lớp nhân dân về quyền con người để mỗi người dân biết tự bảo vệ quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác. Từ ngày 5/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân làm tiền đề cho việc xây dựng chương trình giảng dạy ở các bậc đào tạo trong cả nước.

Tiếp tục nâng cao nhận thức về quyền con người, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng: Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong lĩnh vực giáo dục quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là việc giáo dục quyền trẻ em theo nội dung Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, giáo dục quyền phụ nữ theo nội dung công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

Sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thể hiện cụ thể trong việc thành lập các cơ quan chuyên trách nhà nước nghiên cứu về quyền con người, các cơ quan chuyên trách về quyền phụ nữ, quyền trẻ em; đào tạo đội ngũ cốt cán, chỉ đạo xây dựng các chương trình hành động quốc gia về quyền phụ nữ, quyền trẻ em, giúp Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế, xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với các quy định của công ước quốc tế về quyền con người. Việt Nam đã phê chuẩn các điều ước quốc tế về nhân quyền và nhiều công ước do Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thông qua.

Tuy nhiên, việc giáo dục quyền con người chưa được thực hiện sâu rộng, thường xuyên, liên tục, nhất là tuyên truyền, giáo dục cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Một số cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức về hoạt động này. Các nguồn lực dành cho công tác giáo dục quyền con người chưa nhiều.

Kết luận tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh giáo dục quyền con người ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là cơ sở để quần chúng nhân dân có nhận thức đúng đắn về quyền con người, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước; chống lại những hoạt động lợi dụng chiêu bài "nhân quyền" của các thế lực phản động, thù địch, chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đồng chí yêu cầu để triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần thúc đẩy giáo dục quyền con người. Trong đó, ngành Giáo dục tập trung biên soạn giáo trình, sách và tài liệu giáo dục quyền con người cho từng nhóm đối tượng, bảo đảm gắn kết cả nội dung giáo dục quyền con người và nội dung giáo dục quyền công dân. Đưa chương trình giáo dục quyền con người, quyền công dân vào hệ thống giáo dục nhà nước, nhất thiết lồng ghép, tích hợp trong nội dung giảng dạy của các môn học, hoạt động giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng, giáo dục pháp luật từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông, hệ cao đẳng, đại học; đưa môn học quyền con người vào một số trường đại học có các hệ đào tạo chuyên và không chuyên ngành luật.

Đối với hệ đào tạo cán bộ, quản lý thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cần tổ chức và biên soạn lại tập bài giảng về quyền con người, giúp học viên nắm được những điểm tiến bộ, sự phù hợp của pháp luật Việt Nam về quyền con người.

Đồng chí yêu cầu xây dựng các hình thức, phương pháp giáo dục thích hợp với điều kiện, khả năng tiếp cận phù hợp của từng đối tượng để dễ dàng áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán, giáo viên chuyên trách để đưa nội dung giáo dục quyền con người vào giảng dạy chính thức trong nhà trường.

Các cấp, ngành, địa phương tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời có chính sách đầu tư nguồn lực phục vụ công tác tuyên truyền về quyền con người.

Tin, ảnh: Minh Thu

Quyền con người-khát vọng của nhân loại tiến bộ
Tuyên ngôn Quốc tế về quyền con người (UDHR) được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua năm 1948 khẳng định: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi".
Hiện thực hóa quyền con người bằng những chính sách thiết thực, việc làm nhân văn
Mỗi khi đến dịp Ngày Nhân quyền thế giới (10/12) hằng năm, các thế lực thù địch, phản động và đối tượng cơ hội chính trị lại tung ra những luận điệu cũ rích nhằm xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người.
Không thể phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam
Trong thời gian qua, trước những khó khăn về kinh tế-xã hội chưa được giải quyết và những diễn biến phức tạp trong khu vực… lợi dụng tình hình này, những kẻ cơ hội chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã xuyên tạc tình hình, hòng bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ xã hội Việt Nam…
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...