Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngôi nhà thứ hai của học sinh dân tộc nội trú

Cập nhật: 13:45 ngày 20/11/2022
(BGĐT) -  Với học sinh dân tộc nội trú (DTNT), trường học là ngôi nhà thứ hai gắn bó với các em trong suốt tuổi học trò. Nơi đây, các em được thầy cô quan tâm chăm lo, dạy học để vững vàng bước vào đời.

Môi trường thân thiện

Từ 5 giờ sáng, học sinh Trường Phổ thông DTNT huyện Lục Nam đã thức dậy. Sau khi tập thể dục, vệ sinh cá nhân, dọn dẹp phòng ở khu vực ký túc xá, ăn sáng, các em lên lớp học. Buổi chiều, các lớp thay nhau vệ sinh khuôn viên trường, cùng thầy, cô trồng rau, hoa, tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. 

{keywords}

Cô và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lục Ngạn.

Thầy giáo Hoàng Đăng Viên, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, việc học văn hóa được nhà trường gắn liền với rèn kỹ năng tự lập, chấp hành kỷ luật, sắp xếp thời gian hợp lý giúp các em phát triển toàn diện. Hơn nữa khi được tham gia các hoạt động cùng thầy cô, bạn bè, học sinh sẽ vơi đi nỗi nhớ nhà.

Học tập và sinh hoạt tại trường, các em có nhiều thời gian tự học, thầy cô cũng thuận tiện trong việc kèm cặp, bảo ban. Em Nguyễn Lệ Quân, dân tộc Dao ở thôn Đồng Đỉnh, xã Bình Sơn đang học tập tại trường. Bố mẹ thường xuyên đi làm xa nhà nên Quân ở cùng ông bà ngoại. Khi vào lớp 6, Quân theo học tại Trường Phổ thông DTNT huyện, cách nhà hơn 20 km. 

Những ngày đầu xa nhà, Quân có nhiều bỡ ngỡ nhưng rồi được thầy cô yêu thương dìu dắt, em dần vượt qua khó khăn, có động lực vươn lên trong học tập. Tháng 4/2022, Nguyễn Lệ Quân đoạt giải Nhất khối THCS hội thi tin học trẻ tỉnh Bắc Giang lần thứ XXV. 

Trong môi trường nội trú, mỗi giáo viên không chỉ giảng dạy mà còn là chỗ dựa cho học sinh xa nhà. Ngoài giờ học, thầy, cô cùng các em tham gia nhiều hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, trồng rau, chăn nuôi cải thiện bữa ăn hằng ngày. Bởi vậy, không gian học tập, sinh sống, mối quan hệ giữa thầy với trò tại trường rất gần gũi, thân thiện.

Năm học này, Trường PTDT nội trú tỉnh có 12 lớp, 409 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở 5 huyện. Trong số này, nhiều em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có em nhà xa gần 120 km nên rất ít khi về thăm gia đình. 

Cô giáo Nguyễn Thị Tiến, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mỗi ngày, tôi thường xuyên có mặt tại ký túc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, từ đó kịp thời động viên, giúp học sinh cởi mở, tự tin hơn. Lo nhất là những khi học sinh bị ốm, thầy, cô cùng các bạn đôn đáo chăm sóc, thậm chí ngủ lại khu nội trú để tiện theo dõi sức khỏe. Nhiều giáo viên còn thành thạo tiếng dân tộc, từ đó dễ dàng nắm bắt, chia sẻ tâm tư, tình cảm với học trò".

Xây dựng phong trào thi đua

Toàn tỉnh có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú và 4 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS với gần 2,5 nghìn học sinh. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, mạng lưới trường học đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số. Hiện nay mỗi học sinh ở trường PTDT bán trú THCS được hỗ trợ 150 nghìn đồng/tháng chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở và 15 kg gạo/tháng. 

Các em được cấp học bổng bằng 80% mức lương cơ sở và hỗ trợ đồ dùng, dụng cụ, điện nước sinh hoạt. Cùng với giáo dục văn hóa, thể chất, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được giảng dạy tích hợp trong các môn học và hoạt động ngoại khóa.

Với các thầy, cô giáo dạy học sinh DTNT, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều em thuộc hộ nghèo, bố mẹ ly hôn, mồ côi hoặc có cha hoặc mẹ đi làm ăn xa nên việc phối hợp chăm sóc, giáo dục gặp rất nhiều trở ngại. Thêm nữa, khi mới vào trường, hầu hết các em mới 11, 12 tuổi, thiếu kỹ năng sống tự lập, tự giác trong học tập, sinh hoạt. 

Mỗi thầy cô thay cha mẹ chăm sóc, xây dựng ngôi trường là gia đình thứ hai, chăm lo, dạy bảo các em từ cách ăn nói, đi đứng, vệ sinh cá nhân, giáo dục giới tính, tạo cho học trò cảm giác an toàn, thân thiện từ đó tự tin phát huy năng lực, sở trường. 

Đơn cử như mới đây, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Dương Hưu (Sơn Động) phối hợp với Công an xã tổ chức hoạt động giáo dục ngoại khóa. Các em được hướng dẫn kỹ năng sinh tồn khi xảy ra hỏa hoạn, lũ lụt; hình thành nếp sống tự lập trong môi trường tập thể.

Nhờ các mô hình trường nội trú, bán trú, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng học sinh vùng đồng bào dân tộc nghỉ học. 

Không phụ tấm lòng của thầy cô, nhiều em chăm ngoan, đạt thành tích cao trong học tập như: Hoàng Thanh Huyền, sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Ngoại thương giành giải Nhất môn Tiếng Trung trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022 vốn là học sinh Trường Phổ thông DTNT huyện Sơn Động; em Lục Thị Cầu (SN 2002), dân tộc Cao Lan, học sinh Trường Phổ thông DTNT huyện Lục Nam năm học 2019- 2020 đỗ thủ khoa Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Duy Minh - Hải Vân

Tặng quần áo ấm cho học sinh hoàn cảnh khó khăn
(BGĐT) - Sáng 10/11, bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang cùng cán bộ Công ty may Hà Bắc đã đến thăm, tặng 983 chiếc quần áo ấm cho các cháu học sinh Trường Tiểu học Hương Sơn 2, Trường Mầm non xã Hương Sơn và Trường Mầm non của Công ty Bích Thủy ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang).
Sôi nổi ngày hội "Học sinh 3 tốt"
(BGĐT) - Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sáng 12/11, tại Trường THPT Việt Yên số 2 (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), Tỉnh đoàn tổ chức Ngày hội “Học sinh 3 tốt” gắn với Liên hoan tiếng Anh năm 2022. Đến dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành, địa phương.
Bắc Giang: Bảo đảm an toàn giao thông trong học sinh
(BGĐT) - Dù đã được tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở thậm chí xử phạt vi phạm nhưng không ít học sinh vẫn coi thường pháp luật, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường, lạng lách, không đội mũ bảo hiểm, bốc đầu… gây tai nạn cho chính bản thân và người khác. 
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc - Tổng phụ trách Đội tâm huyết với học sinh vùng cao
(BGĐT) - 13 năm giữ vai trò Tổng phụ trách (TPT) Đội, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc (SN 1987), Trường THCS An Châu (Sơn Động- Bắc Giang) luôn nhiệt huyết với công việc, dẫn dắt phong trào của trường đạt nhiều thành tích cao.
Nguyễn Lệ Quân - Cậu học trò dân tộc Dao giỏi tin học
(BGĐT) - Gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng em Nguyễn Lệ Quân, học sinh lớp 7, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã biết vượt qua, giành nhiều thành tích cao trong học tập.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...