Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỳ thi đánh giá năng lực: Thêm cơ hội cho học sinh cuối cấp THPT

Cập nhật: 10:21 ngày 14/12/2022
(BGĐT) - Gần đây, nhiều trường đại học tổ chức xét tuyển bằng các kỳ thi riêng; giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp, buộc học sinh lớp 12 phải thay đổi phương án ôn tập để vào được ngôi trường mình mong ước. 

Chuyển hướng ôn luyện

Hiện nay, nhiều trường đại học thực hiện tự chủ phương thức tuyển sinh đã lựa chọn kỳ thi đánh giá năng lực là một trong những hình thức xét tuyển, nhất là các trường tốp trên. Kỳ thi này được một số đại học như: Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Bách khoa Hà Nội tổ chức. Những năm trước, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội chủ yếu phục vụ nhu cầu xét tuyển của các trường thành viên thì năm 2022, cả nước có 65 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi này. 20 trường sử dụng bài kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa. Đây là cơ hội vào đại học song cũng làm gia tăng áp lực cùng lúc học sinh vừa ôn thi tốt nghiệp vừa ôn luyện kiến thức đáp ứng kỳ thi.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, thầy và trò các trường THPT đang nỗ lực từng ngày vừa giảng dạy theo chương trình, vừa học và ôn luyện các dạng đề khác nhau. Năm học này, Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) có gần 600 học sinh lớp 12. Là ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt, trong những kỳ tuyển sinh đại học gần đây, số học sinh tham gia thi đánh giá năng lực tăng do những trường đại học mà các em hướng tới đều ở tốp đầu. Năm 2022, toàn trường có 30% các em lớp 12 đăng ký thi đánh giá năng lực. 

Theo Ban giám hiệu, nhà trường thay đổi phương pháp giảng dạy, nhất là cho học sinh lớp 12. Qua đó không chỉ bảo đảm yêu cầu tốt nghiệp mà còn trang bị kiến thức, kỹ năng để các em có thể đáp ứng các kỳ thi riêng. Trường thường xuyên cập nhật thông tin về đề án tuyển sinh của các trường để kịp thời điều chỉnh cách thức giảng dạy và ôn tập. Vừa bám sát chương trình, các tổ bộ môn vừa mở rộng liên hệ thực tế theo cấu trúc đề thi đánh giá năng lực do các trường đại học tổ chức trong những năm qua để học sinh làm quen.

{keywords}

Học sinh Trường THPT Ngô Sĩ Liên tự ôn tập để dự thi đánh giá năng lực. 

Đặt mục tiêu nguyện vọng 1 vào Đại học Bách khoa Hà Nội, em Nguyễn Vũ Trường Sơn, lớp 12A8, Trường THPT Yên Thế cho biết: "Năm nay, nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng, cuộc đua vào đại học khó hơn. Em quyết định sẽ đăng ký thêm phương thức xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực để tăng cơ hội đỗ. Em tập trung cao ôn luyện mở rộng kiến thức, đặc biệt là kiến thức tích hợp liên môn, câu hỏi ứng dụng thực tế. Mới đây, em đăng ký thi thử trực tuyến do Đại học Bách khoa tổ chức để có định hướng ôn tập đúng, có thêm kinh nghiệm, phương pháp làm bài”.

Nắm chắc kiến thức cơ bản

Chuẩn bị cho học sinh thi học kỳ I, nhiều trường đã thay đổi cách ra đề đối với khối 12, nhất là ở các môn thuộc khối xét tuyển đại học. Giáo viên giao bài tập theo hướng mở giống với cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ kết quả bài làm, thầy, cô giáo tiếp tục bồi dưỡng kiến thức, tạo nền tảng vững chắc, phát huy năng lực cho từng em. Thầy giáo Dương Mạnh Trí, Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Hòa nói: “Qua mấy đợt thi, tôi nhận thấy kỳ thi không nhằm kiểm tra kiến thức mà đánh giá khả năng vận dụng kiến thức. Bởi vậy, các em phải nắm vững toàn bộ nội dung cơ bản của các môn và biết suy luận chứ không chỉ làm theo các bài tập mẫu hay các dạng đề như cách ôn thi truyền thống. Để làm bài tốt, học trò cần cố gắng và có năng lực thực sự”.

Riêng với môn ngoại ngữ, các trường không chỉ chú trọng về từ vựng, ngữ pháp để học sinh có thể đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn chú trọng 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để các em có thể dự thi lấy chứng chỉ quốc tế, thêm cơ hội xét tuyển. Hằng năm, trong khuôn khổ ngày hội hướng nghiệp, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đã mời đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa chia sẻ với giáo viên, học sinh về những điểm mới trong tuyển sinh đại học và kỳ thi đánh giá năng lực của trường.

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 20% học sinh tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực. Các em đạt kết quả cao phần lớn không luyện thi mà có cách học tập khoa học, toàn diện, không học lệch, học tủ.

Đến nay, các trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đều không phát hành sách hay bất cứ tài liệu liên quan đến kỳ thi và đều tổ chức thi thử trực tuyến. Trong khi đó, tại các nhà sách và mạng xã hội nở rộ quảng cáo tài liệu và chương trình ôn tập. Kỳ thi còn khá mới mẻ nên các em có thể đăng ký thi thử để rút kinh nghiệm, cải thiện điểm số. Tuy nhiên, để cùng lúc vừa học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa tham gia đánh giá năng lực của nhiều trường đại học cũng gia tăng áp lực thi cử với thí sinh.

Năm học trước, toàn tỉnh có 20% học sinh tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực trong tổng số 20,6 nghìn thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Theo thông tin từ Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT), các em đạt kết quả cao phần lớn không luyện thi mà có cách học tập khoa học, toàn diện, không học lệch, học tủ. Chia sẻ kinh nghiệm, sinh viên Đỗ Đức Tú, từng là học sinh chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Bắc Giang là thủ khoa cả 3 khối trong kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022, hiện đang học Khoa Khoa học máy tính IT1, Đại học Bách khoa Hà Nội nói: “Để bài thi đạt điểm cao, tôi không có kinh nghiệm gì ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản, hiểu sâu kỹ để vận dụng vào thực tiễn”.

Nhiều giáo viên và học sinh cũng mong muốn Bộ GD&ĐT hướng dẫn, định hướng chung cho các trường đại học khi thiết kế nội dung đề thi đánh giá năng lực phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông và kiến thức của ngành tuyển sinh giúp học sinh thuận lợi trong quá trình ôn tập. Các trường tổ chức kỳ thi riêng sớm đưa ra hướng dẫn cụ thể để thí sinh, giáo viên và phụ huynh nắm rõ. Kỳ thi đánh giá năng lực chỉ để cho một vài trường đại học uy tín tổ chức không nên có xu hướng mở rộng ở nhiều trường.

Bài, ảnh: Minh Thu

Triển khai chuỗi hoạt động rèn luyện cho học sinh THPT trên cả nước
Ngày 25/10, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Gặp mặt báo chí và triển khai chương trình "Tuổi trẻ Việt Nam - Rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai" dành cho học sinh các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên cả nước với chủ đề "Lead with lof" - "Để yêu thương dẫn dắt tương lai". Ca sĩ Đức Phúc là đại sứ của chương trình.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2023 đến 2025 được tổ chức như thế nào?
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2022 và hoàn thiện để công bố và từng bước chuẩn bị triển khai phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra nghiêm túc, an toàn
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra nghiêm túc, an toàn, công bằng, phù hợp lộ trình đổi mới giáo dục đào tạo.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...