Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 23 °C / 23 - 25 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Gieo chữ” ở Nghè Mản

Cập nhật: 08:34 ngày 01/02/2023
(BGĐT) - Con đường ngoằn ngoèo vượt qua nhiều ngầm sâu dẫn vào thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) bụi mù trong nắng hanh. Nằm giữa thung lũng, xa xa là cánh rừng lim, rừng dẻ cổ thụ, Trường Tiểu học và THCS Bình Sơn (Lục Nam) là nơi học tập của con em đồng bào dân tộc Cao Lan ở thôn Nghè Mản.

Bám trường, bám lớp

Cách trụ sở UBND xã chừng 10 km, thôn Nghè Mản hiện có gần 1,2 nghìn dân, nằm biệt lập với các bản làng khác bởi nhiều dãy núi như: Am Vãi, Khe Nghè bao quanh. Trước đây, do đường sá quanh co, đến trường phải băng rừng, vượt suối vất vả nên nhiều học sinh bỏ học giữa chừng. Lúc bấy giờ trên địa bàn xã Bình Sơn đã có 2 trường tiểu học và THCS nhưng UBND huyện Lục Nam quyết định đầu tư xây dựng thêm trường liên cấp Tiểu học và THCS Bình Sơn từ năm 2012 để phục vụ con em trong thôn.

Ngôi trường 2 tầng được bố trí hài hoà gần gũi với thiên nhiên, tạo niềm hứng khởi cho việc giảng dạy, học tập. Năm học này, nhà trường có 9 lớp (mỗi khối một lớp), 25 cán bộ, giáo viên và 190 học sinh. Nhiều lớp chỉ có hơn chục em, đa số thuộc hộ nghèo, cận nghèo nhưng các em vẫn vượt khó đến trường, có ý thức học tập, rèn luyện.

{keywords}

Thầy giáo Nguyễn Quang Tuấn hướng dẫn học sinh tại Trường Tiểu học và THCS Bình Sơn.

Để thuận tiện cho công việc, 10 giáo viên phải xa gia đình, ở tập thể. Thế nhưng trường chưa có nhà công vụ, giáo viên liên tục phải di chuyển chỗ ở, lúc trú nhờ nhà văn hoá bản, lúc ở tạm một vài phòng học. Phần lớn thầy cô gửi con nhỏ ở quê nhà, không ít lần phải nén lại những tâm tư vì nhớ nhà, thương con. Khó khăn là vậy nhưng đến trường là thầy cô miệt mài với bảng đen, giáo án, tận tình dạy bảo học sinh, cả tháng mới về thăm gia đình một lần bởi đường xa, về mùa khô thì đường xá bụi bặm, mùa mưa thường xuyên phải lội suối. Mỗi khi lũ về, sân trường ngập trong bùn đất. 

Xa xôi, vất vả nhưng nhiều nhà giáo vẫn tình nguyện ở lại bám trường dù đã đủ tiêu chuẩn luân chuyển về xuôi giảng dạy. Như cô giáo Dương Thị Loan, quê ở TP Bắc Giang xung phong ở lại cống hiến cho sự nghiệp giáo dục xã Bình Sơn. Bởi các con của cô giáo đều sinh sống, học tập tại TP Hà Nội, giờ về xuôi dạy học cũng xa các con mà ở đây đã thân quen. Trong số giáo viên nhà trường có đến 50% thầy, cô giáo gắn bó từ ngày đầu thành lập. Thầy giáo Nguyễn Quang Tuấn, quê ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh), giáo viên Ngữ văn nói: “Tôi có 9 năm dạy chữ cho học trò thôn Nghè Mản nhưng đã gần 30 năm gắn bó với giáo dục vùng khó khăn của tỉnh Bắc Giang nên thân thuộc với học trò vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy các em được đến trường, học tập tiến bộ, đời sống bà con bớt nhọc nhằn”.

Giáo viên dạy lớp 1 càng vất vả hơn khi mới vào học, các em chưa thông thạo tiếng phổ thông, vẫn thường xuyên giao tiếp bằng ngôn ngữ của người Cao Lan và ngại ngần tiếp xúc với người ngoài thôn. Để học trò hiểu được bài giảng, thầy cô tự học văn hoá, tiếng nói của người bản địa, chia sẻ với hoàn cảnh của từng học trò. Đặc biệt, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Tiếng Anh được đưa vào giảng dạy bắt buộc từ lớp 3 nên giáo viên càng phải nỗ lực nhiều hơn để các em dễ dàng tiếp cận, lĩnh hội kiến thức. 

Cô giáo Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Học sinh ở đây tiếp thu kiến thức chậm hơn nên Ban Giám hiệu luôn chỉ đạo giáo viên tích cực vận động học trò đi học đều, thường xuyên phụ đạo, bổ sung kiến thức cho từng em để nâng cao chất lượng dạy và học. Nhà trường có 5 giáo viên giỏi các cấp. Bằng sự quan tâm, gần gũi, tận tình dạy bảo của thầy cô mà các em trở nên thân thiện, mến thầy, cô giáo và yêu trường, yêu lớp hơn”.

Vì tương lai con em

Hiện nay, thôn Nghè Mản còn 17,45% hộ nghèo. Ban Giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Bình Sơn thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân hảo tâm vận động hỗ trợ mua sách vở, đồ dùng học tập, xe đạp, tặng học bổng cho từ 30-50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đáp lại sự nhiệt huyết của thầy cô, những năm học gần đây, nhà trường có từ 3-5% học sinh giỏi. Nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi văn hoá, thể thao như: Trương Văn Phát, lớp 8A đoạt giải Ba môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện; Tống Thị Hiền, lớp 9A đoạt giải Nhất môn Điền kinh bậc THCS cấp tỉnh; em Nịnh Thị Nga và Trương Thị Trúc, lớp 9A đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi mỹ thuật cấp huyện. 

Đáp lại sự nhiệt huyết của thầy cô, những năm học gần đây, nhà trường có từ 3-5% học sinh giỏi. Nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi văn hoá, thể thao.

Để khuyến khích học trò phát triển thể lực, dù ở vùng hẻo lánh nhưng nhà trường đã trang bị bể bơi nên có 70% học sinh thành thạo bộ môn này. Năm học vừa qua sau khi tốt nghiệp THCS, có 40% em thi đỗ vào trường THPT, còn lại vừa theo học văn hoá, vừa học nghề hệ 9+. Ông Đàm Văn Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: “Toàn xã tập trung cao đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Các phòng học đều được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học hiện đại phục vụ giảng dạy tốt nhất. Sau 11 năm thành lập, đến nay con em thôn Nghè Mản đến trường đúng độ tuổi, không còn bỏ học giữa chừng, nhiều em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, có việc làm và cuộc sống tốt, tiếp tục xây dựng quê hương. Năm học 2019 - 2020, em Lục Thị Cầu (SN 2002), ở bản Nghè Mản đỗ thủ khoa Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội)”.

Theo đánh giá của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Nam, Trường Tiểu học và THCS Bình Sơn là một trong những cơ sở giáo dục khó khăn nhất ở khu vực 4 xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 là: Bình Sơn, Lục Sơn, Trường Sơn, Vô Tranh nhưng luôn đạt chất lượng giáo dục cao nhất trong 4 xã. Các thầy, cô giáo không chỉ được học trò yêu mến mà còn được dân bản tin tưởng. Cô giáo Lưu Thị Nghị cho biết: “Phụ huynh coi chúng tôi như con em của bản, thường xuyên giúp đỡ thầy cô nhanh chóng thích nghi với cuộc sống miền sơn cước. Đơn giản từ việc sẻ chia với thầy cô từng mớ rau, con cá khi thời tiết xấu, chợ xa, lương thực cạn”.

Để học sinh được đến trường đã có biết bao thế hệ cán bộ, giáo viên tạm gác hạnh phúc riêng để “gieo chữ” nơi vùng đất khó. Nếu không có lòng yêu thương học trò, sự tận tâm với nghề thì có lẽ chẳng thầy, cô giáo nào đủ nhiệt thành để bám trụ.

Bài, ảnh: Minh Thu

Lục Nam: Huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí, sớm về đích huyện nông thôn mới
(BGĐT) - Quyết tâm về đích nông thôn mới (NTM) vào năm 2023, trước hai năm so với kế hoạch, huyện Lục Nam (Bắc Giang) và các xã, thị trấn trong huyện đang huy động nhiều nguồn lực thực hiện các tiêu chí. Với sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, mục tiêu này đang dần được hiện thực hóa.
Lục Nam: Xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới
(BGĐT) - Xác định rõ ý nghĩa, vai trò của xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cấp ủy, chính quyền huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm bảo đảm điều kiện vật chất, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
HĐND huyện Lục Nam thông qua 11 nghị quyết về phát triển KT-XH năm 2023
(BGĐT)- Trong 2 ngày 22 và 23/12, HĐND huyện Lục Nam (Bắc Giang) khoá XX, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 6. Dự có đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang; đại biểu HĐND tỉnh khu vực Lục Nam. Các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Dung, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện và Nguyễn Văn Thông, Phó Chủ tịch HĐND huyện chủ tọa kỳ họp.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...