(BGĐT) - Xây dựng trường học đạt chuẩn là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục của nhà trường và địa phương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Tuy nhiên, một số nơi trong tỉnh Bắc Giang còn gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ này.
Gặp khó về nguồn lực đầu tư
Đến hết năm 2022, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia mức độ 1 toàn tỉnh đạt 94,5% (đạt 99,5% theo kế hoạch); mức độ 2 là 20,6%. Còn 41 trường chưa được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó bậc mầm non 14 trường, tiểu học 2 trường, THCS 12 trường, THPT 13 trường (2 công lập, 11 trường tư thục). Trong đó, huyện Lục Nam chưa hoàn thành kế hoạch xây dựng trường chuẩn mức độ 1.
Năm 2022, UBND huyện Lục Nam bố trí 2,5 tỷ đồng hỗ trợ các trường xây dựng chuẩn quốc gia. Mức hỗ trợ cụ thể là: 300 triệu đồng/trường đối với trường đạt chuẩn lần đầu và nâng chuẩn; hỗ trợ 200 triệu đồng/trường công nhận đạt chuẩn giai đoạn tiếp theo. Chủ trương là vậy song tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia của huyện chưa đạt mục tiêu, chủ yếu là không đáp ứng tiêu chuẩn “cứng” về cơ sở vật chất. Những năm trước nguồn kinh phí chi cho công tác đầu tư phụ thuộc lớn vào nguồn thu sử dụng đất.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, tình hình KT-XH của địa phương chịu tác động lớn của dịch Covid-19, số thu từ tiền sử dụng đất chỉ đạt 36,2% kế hoạch. Do vậy, huyện phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công từ tiền sử dụng đất ngân sách huyện năm 2022, trong đó có các hạng mục hỗ trợ kinh phí xây dựng trường chuẩn quốc gia. Theo đó, một số trường trong kế hoạch đạt chuẩn quốc gia năm 2022 như: Mầm non Khám Lạng, Mầm non Cương Sơn; Tiểu học Lan Mẫu phải lùi sang năm 2023.
 |
Công trình Trường Mầm non xã Yên Sơn (Lục Nam) đang được thi công. |
Trường Mầm non Bắc Lũng có hơn 500 học sinh, học tại 4 điểm trường. Điểm chính ở thôn Quỳnh Độ chỉ rộng hơn 600 m2, mọi sinh hoạt của học sinh diễn ra tại không gian chật chội, trong khi theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, tiêu chuẩn diện tích trường mầm non phải bảo đảm từ 8 nghìn m2 trở lên; lớp học, phòng ngủ, khu vệ sinh riêng biệt.
Ông Lê Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã cho biết: “UBND xã nhiều lần kiến nghị với huyện bố trí quỹ đất để xây trường mầm non ở vị trí mới đáp ứng diện tích theo quy định song vẫn chưa có kết quả”. Trường Mầm non Bắc Lũng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2018, theo kế hoạch cuối năm 2023 sẽ phải hoàn thiện các tiêu chí để công nhận lại. Với khó khăn như trên, mục tiêu này không hoàn thành, kế hoạch dồn điểm lẻ về điểm chính cũng không thực hiện được.
Ưu tiên nguồn lực cho cơ sở vật chất
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, công tác xây dựng và nâng mức chuẩn quốc gia tại các cơ sở giáo dục gặp khó hiện nay chủ yếu ở tiêu chí về cơ sở vật chất. Bởi nhiều năm qua, kinh phí chi cho công tác này được tỉnh phân cấp cho các huyện, xã đầu tư đối với hệ thống công lập và do chủ doanh nghiệp đầu tư đối với tư nhân. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 trong 3 năm vừa qua khiến nhiều địa phương không bố trí được vốn, cấp xã không có kinh phí đối ứng. Ngoài khó khăn về nguồn lực đầu tư, một số xã, thị trấn chưa chủ động xây dựng quy hoạch hệ thống trường học trên địa bàn bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục trước mắt cũng như lâu dài.
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 97,3% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, tương đương 728 trường (tăng 18 trường) và 26,9% số trường đạt chuẩn mức độ 2, tương đương 203 trường (tăng 48 trường). Tại nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền đưa việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ phát triển KT- XH trọng tâm của năm.
Bà Đỗ Thị Hương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên cho hay, là huyện trọng điểm công nghiệp, dân số cơ học tăng nên huyện xây dựng lộ trình kế hoạch dài hơi theo giai đoạn. Dù tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia hiện cao so với mặt bằng chung toàn tỉnh song mới đây, Phòng GD&ĐT tiếp tục tham mưu UBND huyện ban hành Đề án hiện đại cơ sở vật chất giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030, trong đó toàn huyện bố trí quỹ đất hơn 155 nghìn m2 để mở rộng các trường; xây mới và sửa chữa 1.248 phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng, bể bơi... với tổng kinh phí hơn 1,4 nghìn tỷ đồng.
Dù còn nhiều khó khăn song năm nay, huyện Lục Nam dự kiến dành 4,9 tỷ đồng (tăng gần gấp 2 lần so với năm 2022) hỗ trợ các trường mua sắm cơ sở vật chất để bảo đảm tiêu chí đạt chuẩn quốc gia lần đầu và nâng mức chuẩn cho một số trường. Nhờ nguồn lực đối ứng của các xã, thời điểm này, nhiều công trình đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Riêng Trường Mầm non xã Bắc Lũng, mới đây, UBND huyện đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã bàn hướng giải quyết tháo gỡ.
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 97,3% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, tương đương 728 trường (tăng 18 trường) và 26,9% số trường đạt chuẩn mức độ 2, tương đương 203 trường (tăng 48 trường). |
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Các địa phương, trường học cần rà soát, vướng khâu nào tập trung tháo gỡ khâu đó. Luật Giáo dục, các thông tư hướng dẫn công nhận trường chuẩn quốc gia có nhiều điểm mới, tiêu chí để đạt chuẩn sau này cao hơn so với quy định cũ. Vì vậy Sở chỉ đạo các nhà trường bám sát văn bản chỉ đạo, thông tư hướng dẫn để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương khẩn trương bố trí mặt bằng, nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình. UBND các huyện, UBND cấp xã cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch; yêu cầu các xã cam kết hoàn thành theo đúng kế hoạch, không để nợ tiêu chí trong xây trường chuẩn quốc gia. Các trường mầm non, tiểu học phát huy vai trò sáng tạo, chủ động của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong việc nghiên cứu, thiết kế đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động dạy và học, bảo đảm tiết kiệm, phát huy giá trị sử dụng. Đối với 11 trường THPT tư thục chưa đủ điều kiện, lãnh đạo Sở GD&ĐT đề nghị chủ đầu tư quan tâm dành kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, nâng hiệu quả hoạt động dạy và học, từng bước thu hẹp khoảng cách về chất lượng với các trường công lập.
Bài, ảnh: Mỹ Bình - Hải Vân
Rộng mở cơ hội cho học sinh sau tốt nghiệp THCS(BGĐT) - Những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập luôn “nóng” bởi tính cạnh tranh cao, chỉ tiêu tuyển có hạn. Tuy nhiên, vào trường THPT công lập không phải là cánh cửa duy nhất khi ngày càng nhiều cơ hội học tập mở ra phù hợp với năng lực, sở thích của học sinh sau khi học hết trung học cơ sở (THCS) và điều kiện kinh tế mỗi gia đình.
Bắc Giang, gỡ vướng, xây dựng, trường học, đạt chuẩn quốc gia, địa phương, ngành giáo dục