Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục >> Kỳ thi THPT quốc gia - Xét tuyển ĐH và CĐ 2018
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kết thúc bài thi cuối của kỳ thi THPT quốc gia, 1 trường hợp vi phạm quy chế

(BGĐT) - Sáng 24-6, các thí sinh bước vào môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia với bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân. Thời gian làm bài 150 phút theo hình thức trắc nghiệm (mỗi môn có 40 câu hỏi). Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên không phải thi môn này.
{keywords}

Thí sinh trao đổi về bài thi sau khi kết thúc môn Tổ hợp Khoa học Xã hội tại Trường THPT Thái Thuận. Ảnh: Mai Toan.

Khoảng 6 giờ 20 phút, khu vực TP Bắc Giang có mưa lớn, song chỉ kéo dài khoảng nửa giờ nên không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của thí sinh. Thời tiết buổi sáng trong toàn tỉnh khá mát mẻ. Khu vực trung tâm các huyện, TP Bắc Giang và điểm trường có lực lượng công an cắm chốt phân luồng giao thông nên không xảy ra ách tắc. 

Tại điểm thi Trường THPT Lục Ngạn số 1, em Nguyễn Thu Trang lớp 12A9 chia sẻ: "Đề Lịch sử khá khó, em làm được 25/40 câu, phần còn lại em khoanh đáp án nhưng không chắc chắn sẽ đúng. Còn môn Địa lý do được mang Atlat vào phòng nên việc trả lời các câu liên quan đến tài nguyên hoặc vùng miền không khó. Môn Giáo dục công dân "dễ thở" hơn, kiến thức xoay quanh các quyền của công dân, gần gũi với bản thân nên em hoàn thành đúng thời gian". Thu Trang cho biết có thể đạt từ 6 đến 7 điểm mỗi môn. 

Tại điểm thi Trường THPT Yên Dũng số 2, thí sinh Chu Xuân Hiếu cho biết, em đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học Xã hội do kiến thức gần đời sống dễ vận dụng hơn. Đề Lịch sử ít câu hỏi về nhân vật hoặc sự kiện nhưng có nhiều câu hỏi khó khi đề cập về các phong trào cách mạng. Em ước tính chỉ đạt điểm 6 môn này. 

{keywords}
Sinh viên tình nguyện Học viện Cảnh sát nhân dân tặng nước lọc cho thí sinh Trường THPT Yên Dũng số 2. Ảnh: Tuyết Mai.

Còn thí sinh Nguyễn Văn Quý, thi tại Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang) cho hay em làm hết bài thi cả 3 môn, song không chắc chắn sẽ đúng tất cả vì mỗi phần thi có nhiều câu hỏi, ở nhiều bài học khác nhau, trong khi thời gian làm bài ngắn nên rất căng thẳng. 

Là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội với hình thức trắc nghiệm và có môn Giáo dục công dân vào kỳ thi THPT quốc gia nên nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên và học sinh. Cô Ngô Thị Kim Quế, dạy môn Giáo dục công dân Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang) nói: "Trước kỳ thi, chúng tôi đã hướng dẫn học sinh ôn tập rất nhiều các quy định của pháp luật gắn với đời sống. Đề thi tương tự với cấu trúc đề minh họa và thi thử. Có nhiều câu hỏi hay, tình huống đặt ra gần với đời sống như quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền bình đẳng trong lao động, quyền bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín...". Cô Quế dự tính số học sinh đạt điểm 7 hoặc điểm 8 chiếm đa số. 

Thầy giáo Nguyễn Văn Bách, Trường THPT Yên Thế cho biết: Năm đầu tiên thi môn Giáo dục công dân nên trước kỳ thi nhiều giáo viên và học sinh đều lo lắng. Tuy nhiên qua xem đề thi chính thức thì học sinh có thể yên tâm kết quả sẽ đạt tốt vì nội dung thi đều nằm trong chương trình và được ôn tập kỹ. 

Về đề môn Địa lý, cô Trần Thị Nga, Trường THPT Lục Nam cho hay, phần khó ở 15 câu cuối. Đề thi bao quát toàn bộ chương trình lớp 12. Một số câu hỏi khó về phát triển kinh tế biển, phòng, chống khô hạn trong sản xuất, cơ cấu mùa vụ nông nghiệp, tình hình xuất khẩu ở nước ta... nên để làm tốt,  ngoài sử dụng Atlat, thí sinh nào thường xuyên quan tâm tìm hiểu thông tin về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mới có thể làm tốt bài thi.  

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, sáng 24-6, môn Lịch sử vắng 28 thí sinh, Địa lý vắng 23 thí sinh, Giáo dục công dân vắng 12 em. Có 1 thí sinh vi phạm quy chế tại Trường THPT Lục Ngạn số 3. Tổng hợp các ngày thi vừa qua, tại 40 điểm thi vắng 213 lượt thí sinh.

Nhóm PV


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...