Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cùng nhân dân bám đất, giữ rừng

Cập nhật: 15:50 ngày 22/08/2014
(BGĐT) - Hơn 20 năm làm Trưởng thôn và cán bộ đoàn thể ở cơ sở, ông Đàm Văn Nhợi (SN 1951- ảnh), dân tộc Nùng, thôn Đồng Thuỷ, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã vận động nhân dân  nhận đất trồng rừng, đưa xã trở thành điểm sáng trong phát triển nông - lâm nghiệp. 
{keywords}

Vực dậy xóm nghèo

Một lần về thăm họ hàng, cụ thân sinh ông Nhợi nhận thấy đất đai ở Đồng Thuỷ màu mỡ nên đã chuyển cả gia đình từ huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) về đây sinh cơ lập nghiệp. Tuổi thơ của ông gắn với những cánh rừng bạt ngàn bên dãy Bảo Đài. Ông ví mình như cây lim, cây sến, sẵn sàng chấp nhận điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, tự nhiên để vươn cao. 

Ông Nhợi thuộc thế hệ những người đi đầu trong phát triển kinh tế ở Đồng Thuỷ, kinh qua biết bao gian khó. Trước khi được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, ông từng là công an viên, cán bộ phụ trách tài chính của HTX Hương Sơn. Hơn 20 năm làm cán bộ thôn bản, ông đã dẫn dắt, tuyên truyền để  bà con các dân tộc hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng đời sống no ấm. 

Thôn Đồng Thuỷ nhiều đồi núi, điều kiện tự nhiên khó khăn nhất xã Hương Sơn. Lúa, hoa màu thường mất mùa bởi thiếu nước. Nhắc lại chuyện xưa, ông nhớ tới những đóng góp của ông Nguyễn Văn Dư nguyên Chủ nhiệm HTX Hương Sơn, người gần ba mươi năm trước đã cho xây hai đập nước phục vụ tưới tiêu ở Đồng Thuỷ. 

Ngày ấy, chưa có đường, lên rừng, leo núi phải bạt cây mở đường. HTX tổ chức vận chuyển vật liệu xây đập bằng cả sức người và sức kéo của trâu bò. Bà con không ai quản ngại đều nỗ lực góp công góp sức. Khi đập nước hoàn thành, nhân dân canh tác thuận lợi hơn, cấy được hai vụ lúa mỗi năm. 

Là Trưởng thôn từ năm 1990, ông trăn trở khi thấy đời sống đồng bào nơi đây vẫn còn nhiều vất vả, nhọc nhằn. Năm 1996, Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng, nhìn những vạt đồi đầy sỏi, toàn cây tạp, muốn có nguồn thu phải phát quang trồng lại, nhiều người e ngại. 

Trưởng thôn Đàm Văn Nhợi đã kiên trì giải thích về chính sách của Nhà nước là giúp dân vốn, giống cây trồng, dân bỏ công sức chăm sóc, sau này được hưởng lợi. Gia đình ông tiên phong nhận 2ha. Những năm sau, nhiều dự án trồng rừng được triển khai tại Hương Sơn, tin theo ông, bà con đã mạnh dạn nhận đất, trồng keo, bạch đàn, tạo nên phong trào trồng cây gây rừng rộng khắp. Nguồn lợi của rừng đã thấy rõ khi gần đây, nhiều gia đình như ông Thìn, ông Kèn  có nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ gỗ keo...

Phát triển kinh tế, giữ gìn văn hoá

Rừng lên xanh phủ kín những vạt đồi trơ trọi ngày nào, ông Nhợi tiếp tục tìm hướng luân canh tăng vụ trên đồng ruộng. Từ năm 2009, ông đứng ra làm đầu mối liên kết với một số doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu dưa bao tử, vận động thu hút nhiều hộ tham gia. 

Không chỉ tiếp thu kiến thức của cán bộ chuyên môn, ông còn cất công đi nhiều xã, đến tận chân ruộng học nông dân cách chăm sóc cây trồng rồi truyền đạt cho bà con Đồng Thuỷ. Vụ dưa bao tử đầu tiên thành công, thôn nhận trồng tiếp 20 ha khoai tây cho Công ty TNHH Thương mại Tân Nông. Năm 2013, thôn thu hoạch 300 tấn khoai, doanh thu hàng tỷ đồng. Vụ đông năm nay, Công ty tiếp tục liên kết trồng khoai tây tại Đồng Thuỷ. 

Được biết thôn có 324 hộ, gần 1.500 khẩu, 98% dân số là đồng bào dân tộc Nùng. Những năm gần đây, số hộ nghèo giảm mạnh, hiện còn hơn 12%. Đồng Thủy không những trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của xã mà còn là địa chỉ được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc tìm đến. 

Cho dù cuộc sống đang có sự giao thoa nhưng đồng bào dân tộc Nùng ở Đồng Thuỷ vẫn giữ gìn bản sắc văn hoá tốt đẹp, thể hiện trong các nghi lễ truyền thống như: Lễ đóng cửa chùa (ngày 23 tháng Chạp), mở cửa chùa (ngày 26 tháng Giêng), nâng quai cho thầy Then, tục thờ thổ địa, thần rừng... Trong mùa lễ hội, bà con mặc áo chàm, áo thêu, làm bánh vắt vai, bánh bỏng ngô... để luôn nhớ về truyền thống của dân tộc mình. 

Sau 23 năm là Trưởng thôn, năm 2013, ông Đàm Văn Nhợi đảm nhận làm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đồng Thuỷ. Ở cương vị mới, ông kề vai sát cánh với những cán bộ trẻ tổ chức dồn diền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu; tiếp tục là người giữ vững tinh thần cho nông dân bám ruộng đồng, phát triển kinh tế rừng, cùng củng cố, xây dựng khối đoàn kết. Nhiều năm qua, ông được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.  


Thu Hà 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...