Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cả làng học ông Cự trồng rừng

Cập nhật: 10:11 ngày 21/09/2014
(BGĐT) - Những năm 80-90 của thế kỉ trước, trong khi người dân thôn Sản II, xã Hữu Sản, huyện Sơn Động (Bắc Giang) thi nhau chặt phá cây rừng làm nương rẫy, thì ông Trịnh Ngọc Cự lại hăm hở cùng vợ con vác cuốc lên đồi trồng thông, keo. Đến nay, gia đình ông đã có 50 ha rừng trồng, mỗi năm thu bạc tỷ. Nhiều gia đình trong thôn làm theo ông đều thoát nghèo, có của ăn, của để…   
{keywords}
Ông Trịnh Ngọc Cự thăm rừng keo.

Những năm gian khó

Ngày trước, nhiều người gặp tôi, cười bảo: Ông dở người rồi; bây giờ lại nói: Bố già khôn qúa - Già làng Cự cười khà, mở đầu câu chuyện dí dỏm khiến chúng tôi tò mò.

- Người ta nói “ông dở người” là sao?

 Các anh không tưởng tượng ra cảnh làng Sản II những năm 80-90 của thế kỷ trước đâu. Cả thôn có mấy chục nóc nhà tranh vách đất. Nhà nào khá hơn thì có khung gỗ, lợp ngói âm dương, nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số hộ đói nghèo chiếm hơn 90%.

Nguyên nhân là do địa hình đồi núi cao, ruộng ít, canh tác lạc hậu, lại trông vào nước trời, mưa nhiều thì có thóc ăn, nắng hạn coi như mất trắng, bà con chỉ có cách lên đồi núi chặt phá rừng làm nương rẫy, trồng ngô, khoai, sắn…mong có nồi cháo sống qua ngày. Dần dần, rừng xanh trở thành núi trọc, hễ mưa là nước ầm ầm từ trên núi trút xuống kéo theo đất đá vùi lấp nhiều ruộng, làm cho việc canh tác đã vất vả lại càng khó khăn hơn. 

Trước cảnh đói nghèo, làng xóm xác sơ khiến nhiều cán bộ huyện lên tăng cường cũng ngán ngẩm than: Cứ đà này xã Hữu Sản sẽ trở thành số một về xếp hạng nghèo, đói của huyện. Cán bộ xã thì nản lòng, lúng túng chẳng biết làm thế nào cho dân khá lên được.  

Rót rượu mời mọi người, ông Cự chậm rãi kể tiếp: Lúc đó tôi nghĩ: Tại sao mình ở đất rừng mà lại không biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của rừng? Phải trồng cây phủ xanh đất trống, đồi núi trọc mới tránh được nạn lũ quét, giữ đất mầu và có điều kiện phát triển kinh tế từ rừng. Nghĩ là làm, tôi tìm cây giống rồi vác cuốc lên đồi. Thấy tôi cặm cụi cuốc hố, mồ hôi nhễ nhại, nhiều người cười bảo: Ông này dở người rồi. Có kẻ xấu còn cố tình chặt cây trồng hoặc thả trâu cho xéo gãy. 

Năm 1989, Lâm trường Sơn Động vận động người dân liên kết trồng cây, số kẻ xấu lại tung tin: Đừng nghe, họ lừa dân đấy. Tôi thấy đây là cơ hội tốt nên nhận cây giống, phân bón rồi vận động vợ con và một số người thân trồng keo để cùng nhau trông non bảo vệ. Năm 2001, khi địa phương tiến hành giao đất, giao rừng, tôi nhận thêm đất trồng thông. 

Mô hình “ lấy ngắn nuôi dài”, núi cao trồng cây lâm sản, đất thấp trồng đậu, ngô, sắn đã giúp gia đình vượt qua khó khăn về lương thực. Ngày ngày cần mẫn trên đồi trồng cây, chẳng bao lâu, cả 50 ha đất trống của gia đình được phủ kín một màu xanh của cây keo, thông. Sau 6 năm, lô keo trồng ban đầu đã được khai thác đem lại nguồn thu đáng kể.

Cuộc sống hôm nay

 Trong ngôi nhà xây khang trang, chúng tôi có thể quan sát cả một khu rừng keo xanh tốt. Theo tay ông Cự chỉ, hàng chục ha keo của gia đình phía trước đã khai thác hai năm nay. Ông bảo, đây là lớp cây keo do quả già, hạt rơi xuống và tự mọc. Loại keo này đỡ được rất nhiều công sức trồng, cây lớn nhanh, gỗ tốt nên rất dễ bán. 

Trồng keo gối nhau nên năm nào gia đình ông cũng có thu nhập từ rừng. Hơn 30 ha cây keo mỗi năm khai thác cho thu nhập từ 500 triệu đến 600 triệu đồng. Riêng gần 20 ha cây thông cho khai thác nhựa từ 3 năm nay. Hiện nhựa thông dễ bán, giá gấp đôi cao su; đều đặn tuần nào gia đình cũng thu về 8 triệu đồng.

Ông cho biết thêm: Từ nguồn lợi của rừng, gia đình 4 người con của ông đều có kinh tế khá giả, xây nhà tầng, sắm đồ dùng, vật dụng đắt tiền…Thấy được ích lợi của việc trồng rừng, các gia đình trong thôn học tập làm theo, trong đó một số gia đình không chỉ thoát nghèo mà đã có của ăn, của để, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, chăm lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn. 

Đến nay, hộ nào ở thôn Sản II cũng có từ vài héc-ta đến vài chục héc ta rừng. Những đồi núi trọc xưa kia, nay đã xanh thẫm một màu của thông, keo; thấp thoáng trong màu xanh ấy là những căn nhà xây kiên cố khang trang.  

Theo chân ông Cự tới thăm một sô gia đình trong thôn, ai cũng vui vẻ nói: Đúng là không có “ông dở người” này vận động, khuyên bảo chúng tôi trồng rừng, thì làm gì có được cuộc sống no đủ như hôm nay.

Hoàng Dĩnh


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...