Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bà Trần Thị Hồng, thôn Liễu Nham, xã Tân Liễu (Yên Dũng): “Các con đã cho tôi động lực”

Cập nhật: 09:38 ngày 19/10/2014
(BGĐT) -  Giờ thì thôn Liễu Nham, xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) không còn hộ đói nữa rồi. Những ngôi nhà 2, 3 tầng, biệt thự kiểu cách mọc lên xoá dần dấu tích của một thời nghèo khó. Gia đình bà Trần Thị Hồng cũng vậy, của ăn của để cũng đã hiện hữu trong ngôi nhà cao tầng. Thế nhưng để xoá đi ký ức của những ngày tháng cơ cực nuôi 6 người con ăn học, mà có tới 5 người tốt nghiệp đại học thì bà không thể.
{keywords}

Bà Trần Thị Hồng  và mẹ chồng.

Cua ốc nuôi con đến trường

Theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã, tôi tìm đến gia đình bà Hồng. Ngôi nhà ở giữa làng, sát chân núi Nham Biền, phải leo qua một con dốc cao mới vào được đến sân. Hẹn trước qua điện thoại, bà ra tận cổng đón tôi. Cảm nhận đầu tiên về bà đó là một phụ nữ giản dị, xởi lởi, đậm chất quê mùa. Mới gặp, tôi cũng chưa thể hình dung được làm thế nào mà người phụ nữ gày gò này lại có đủ sức nuôi 6 người con ăn học đàng hoàng?

18 tuổi, bà Hồng (SN 1956) về làm dâu làng Liễu Nham- vùng quê chiêm trũng gần như quanh năm nước ngập trắng đồng. Người nông dân nếu chỉ trông vào hạt thóc, củ khoai, dù có hay lam hay làm đến mấy cũng khó mà có cuộc sống khấm khá được, huống chi nơi này ruộng đồng vừa xấu, vừa sâu. Gia đình bà Hồng cũng không ngoại lệ. “Ở làng này, có lẽ gia đình tôi khó khăn hơn cả vì đông con, mà toàn là gái”- bà Hồng kể. 

6 đứa con nếu để chúng nghỉ học, đi làm thuê làm mướn chắc vợ chồng tôi cũng không đến nỗi vất vả. Nhưng tôi luôn nghĩ, có chữ, có nghề nghiệp mới mong thoát khỏi đói nghèo, mới mở mày mở mặt được. Bởi thế dù có khó khăn đến mấy, vợ chồng tôi cũng cố gắng làm lụng, chắt chiu để nuôi các con ăn học, miễn sao chúng học được”. Để có tiền, bà không nề hà bất cứ việc gì. Ai thuê gì bà cũng làm. Nơi nào kiếm được tiền là bà đến. 

Hiểu được khát vọng đến trường của các con, hàng ngày, ngoài chăm sóc một mẫu ruộng, vợ chồng bà lại ra khu vực Bến Đám làm thuê. Chồng thồ than, vợ gánh gạch, gánh cát… hết mùa này qua tháng khác. Đến khi không gánh được nữa, bà quay sang thu nhặt phế liệu, đi chợ sắt vụn tận Lạng Sơn. 4 năm ở tỉnh biên giới này, bà chịu khó gom góp, nhặt nhạnh, chắt chiu từng đồng bạc lẻ gửi về quê cùng chồng nuôi con. Bao năm gánh vác, làm lụng vất vả, sức khoẻ bà giảm sút nhiều. Căn bệnh thần kinh toạ, thoái hoá đốt sống cổ, viêm hai khớp đầu gối…hành hạ suốt thời gian dài, việc đi lại cũng khó khăn hơn. 

Năm 2000, bà đành trở về làng, ngày ngày mò cua bắt ốc. Nắng mưa giá rét bà cũng không quản ngâm mình trong dòng nước bạc, miễn là sáng mai đi chợ bán có khoản tiền cho con ăn học là mừng. Có lần, người hàng xóm hỏi: “Hồng ơi, tao thấy lúa nhà mày đỏ đuôi rồi đấy, gặt về mà ăn thôi, sao cứ phải ngày nào cũng mò cua bắt ốc thế ?”. Bà ngậm ngùi: “Chị ơi, em mò cua bắt ốc đâu phải chỉ lấy gạo ăn, em phải nuôi con đi học”. “Ối giời, nhà mày cứ vẽ vời, con gái học làm gì nhiều, lấy chồng là hết”. Nhưng bà không nghĩ thế. Đời bà không được học hành đến nơi đến chốn nên mới khổ, chứ đời con, bà nhất định không để chúng thất học. 

“Được cái, đứa con nào cũng ham học và học rất giỏi. Đó là động lực lớn nhất giúp tôi kiên trì vượt qua khó khăn”. Đông con, khó cái ăn, thiếu cả cái mặc, nên mỗi đứa con cũng chỉ có một bộ quần áo để đến trường. Cả ngày vất vả là thế, nhưng tối về, khi các con ngồi học bài, bà lại tranh thủ giặt quần áo, phơi gió. Ngày khô ráo còn đỡ, chứ gặp phải hôm mưa hay trời nồm, quần áo không kịp khô, bà thức dậy thật sớm, lục tục sửa soạn cơm cháo, nấu cám nhân tiện hong luôn trên bếp, để đến sáng bảo đảm đứa nào cũng có quần áo sạch sẽ đi học. 

Quả ngọt

Ở vùng nông thôn nghèo như xã Tân Liễu, vào những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình nào có con học đến cấp III, nhất là thi đỗ đại học thì đó là phúc lớn. Thấu hiểu được tấm lòng cha mẹ, năm 1996, con gái thứ hai Vũ Thị Chuyên (SN 1977) thi đỗ Trường cao đẳng Hải quan TP Hồ Chí Minh (nay là Trường Hải quan Việt Nam). Bước khởi đầu khi con đi học xa nhà làm bà bao đêm nghĩ ngợi. Khó khăn đấy nhưng bà tự nhủ phải cố gắng, hy vọng Chuyên sẽ là tấm gương, là đầu kéo cho các em noi theo. 

Quả thật những năm tiếp theo, lần lượt từng đứa vào đại học, rồi có công ăn việc làm, “cóc cõng được nhái’ bà cũng nhẹ gánh hơn. Bà nhớ nhất trường hợp của con gái thứ ba Vũ Thị Liên (SN 1981). Liên học Trường Năng khiếu Yên Dũng, thành tích luôn nổi trội. Một buổi sáng, gia đình nhận được phiếu báo đỗ Đại học Quốc gia, buổi chiều nhận được phiếu báo đỗ Đại học Ngoại ngữ, khoa tiếng Pháp. Đang lo lắng không biết xoay sở thế nào để có tiền sắm sửa cho con nhập học thì bà nhận được thông báo có nguồn tài trợ từ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam (thông qua Uỷ ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh) cho Liên. Mừng rơi nước mắt, vậy là lần đầu tiên trong đời, hai mẹ con được lên tỉnh sắm sửa đồ dùng, hành trang cho Liên nhập Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Giờ đây, bà Hồng có thể tự hào về những người con của mình, tất cả đều đã khôn lớn, trưởng thành, trong đó 5 người con tốt nghiệp đại học, cao học. Con thứ hai Vũ Thị Chuyên tốt nghiệp Trường Hải quan TP Hồ Chí Minh, hiện công tác tại Hải quan TP Hải Phòng. Tiếp đến là Vũ Thị Liên- thạc sĩ, công tác tại Học viện Kỹ thuật Quân sự; Vũ Thị Phượng (SN 1983) làm việc tại Học viện Hậu cần; Vũ Kiều Oanh (SN 1985), dược sĩ cao cấp Viện Y học cổ truyền Trung ương Quân đội; người con út Vũ Huyền Nga (SN 1990) vừa tốt nghiệp Đại học Lao động- Xã hội Hà Nội chuẩn bị đi làm. 4 con là đảng viên, 2 con đã học cảm tình Đảng. 

Duy chỉ có con cả Vũ Thị Giang (SN 1975) là thiệt thòi nhất. Đang học lớp 11, thấy cha mẹ quá vất vả, Giang nhất quyết đòi nghỉ để cùng bố mẹ lo cho các em. Giang nói với bà: “Mẹ cứ cho con nghỉ, sau này các em học được, có việc làm ổn định sẽ không quên công lao của gia đình, của con đâu mẹ ạ”. Giờ đây, chị cả Vũ Thị Giang cũng là cán bộ phụ nữ thôn Liễu Nham.

Dâu hiền - Vợ đảm

Nhắc đến người bạn đời hơn 40 năm đồng hành cùng chèo lái con thuyền gia đình đi đúng hướng, chồng bà- ông Vũ Văn Đàm tự hào: “Nếu không có bà khéo léo đảm đang, chắc gia đình khó có được như ngày hôm nay”. Năm 2011, vợ chồng ông bà đón bố mẹ chồng về ở cùng, khi ấy bố chồng 100 tuổi (cụ mất năm 2013, thọ 102 tuổi). 

 “Lòng mẹ bao la như biển cả”, nhưng ở bà, tình yêu các con còn lớn hơn biển cả. Sinh 6 người con, lại toàn phận gái, là người vợ, người mẹ, bà thấu hiểu hơn ai hết nỗi buồn này, nhất là vùng nông thôn vẫn nặng quan niệm “trọng nam, khinh nữ”. Chính vì vậy lúc nào bà cũng nghĩ phải chịu hy sinh, chấp nhận thiệt thòi để chăm lo cho các con, vun vén cho gia đình trong ấm, ngoài êm. 

Giờ đây, bà chăm sóc mẹ chồng (94 tuổi), ngày 3 lần  cơm bưng nước rót, một điều u, hai điều con. Bà Hồng cho biết: “Chưa bao giờ tôi gọi mẹ chồng là bà hay cụ, bởi trong suy nghĩ của tôi, cụ là của chắt, bà là của cháu, còn con phải là cha mẹ, thầy u”. Con người sao tránh khỏi quy luật “Sinh, lão, bệnh, tử”, bà đã tự học mát-xa, xoa bóp, các bài thuốc dân gian người già dễ mắc để có thể ứng phó kịp thời với những bất trắc xảy ra khi trái gió, trở trời. Ngoài ra, bà Hồng còn là Thường vụ Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi xã Tân Liễu, tích cực tham gia các hoạt động phong trào, nhiều năm đạt danh hiệu “Tuổi cao – gương sáng xuất sắc” do Hội Người cao tuổi tỉnh Bắc Giang công nhận.

Mặc dù đã có của ăn, của để, con cái thành đạt giúp bố mẹ nhưng bà Hồng vẫn làm một mẫu ruộng, chăm sóc lợn gà, trồng rau. Bà làm trước hết là để có thực phẩm sạch dùng sinh hoạt hàng ngày, sau là gửi cho con cháu mỗi khi chúng về thăm nhà, đây cũng là cách để bà răn dạy các con yêu quý lao động, hiểu được giá trị của đồng tiền, từ đó sống sao cho xứng đáng với kỳ vọng của gia đình.

Phong Thu


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...