Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Luôn mở rộng cửa đón người lao động

Cập nhật: 15:27 ngày 21/11/2014
(BGĐT) - Không dừng lại ở con số 11.000 lao động, Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang (gọi tắt là Công ty May Bắc Giang) đang hoàn thiện thủ tục để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho hàng nghìn người. Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Hữu Phải đã chia sẻ với phóng viên một số hoạt động của doanh nghiệp.
{keywords}

Ông Nguyễn Hữu Phải.

Số lượng công nhân gấp 22 lần

- Trong khi nhiều doanh nghiệp tạm dừng, thậm chí ngừng hoạt động, nhưng Công ty May Bắc Giang vẫn liên tục phát triển, ông có thể chia sẻ về điều này ? 

Ngày tôi tiếp nhận nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp, Công ty có gần 500 công nhân, nay tăng lên 11.000 người, cao gấp 22 lần. Đây có thể coi là sự phát triển vượt bậc. Song, chúng tôi sẽ không dừng ở đó, Công ty đang thực hiện các bước để mở rộng quy mô, xây dựng thêm cơ sở may ở địa bàn huyện Yên Dũng. Khi hoàn thiện, số lượng công nhân sẽ lên tới 12.500-13.000 người, cao nhất trong các doanh nghiệp may của tỉnh và khu vực phía Bắc. 

Những phần việc như tìm địa điểm, giải phóng mặt bằng đã cơ bản xong, chỉ còn khâu đầu tư xây dựng. Hiện nay, Công ty May Bắc Giang có ba điểm sản xuất chính ở TP Bắc Giang, Lục Nam và Lạng Giang.  

Không chỉ tăng về số lượng, thu nhập của người lao động cũng tăng cao. Từ chỗ mức lương công nhân chỉ 200 nghìn đồng/người/tháng (năm 1998), đến nay bình quân đạt 5-5,2 triệu đồng/người/tháng, trong đó nhiều công nhân thu nhập mỗi tháng 7-8 triệu đồng…, đó là mức thu nhập bình quân cao trong ngành dệt may hiện nay.  

- Công nhân tăng, lương tăng, vậy sản phẩm có tăng không thưa ông?

Trước kia, sản phẩm của Công ty May Bắc Giang chỉ tính tới con số chục, trăm nghìn, nay lên đến hàng triệu. Năm 2013, đơn vị xuất khẩu 2,5 triệu sản phẩm, được ngành dệt may trong nước đánh giá cao. Năm nay, chúng tôi phấn đấu đạt 3 triệu sản phẩm và chắc chắn sẽ đạt được. 

Điều đáng nói là, tất cả sản phẩm đều được xuất sang các nước tư bản, nhiều thị trường "khó tính" như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và Mỹ. Thống kê mới nhất, 20% sản phẩm của doanh nghiệp có mặt ở thị trường Mỹ. 

- Ông có bí quyết gì để sản phẩm của Công ty vào được những thị trường khó tính như vậy?

Đó là quá trình bền bỉ và lâu dài. Với các nước Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản là những thị trường không “dễ chơi”. Ngoài những yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, nhà quản lý rất coi trọng tính hợp pháp của sản phẩm. Nghĩa là sản phẩm không được vi phạm các quy định của pháp luật hay hiệp hội đề ra.  

{keywords}

Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Phải kiểm tra tình hình sản xuất.

Chúng tôi xác định sản phẩm phải đáp ứng được ba tiêu chí là: Mẫu mã đẹp nhất, chất lượng cao nhất, giá thành thấp nhất. Sau khi hợp tác lâu dài, chúng tôi có thêm tiêu chí thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Đây là vũ khí lợi hại của chúng tôi.  

- Công ty May Bắc Giang đã chinh phục được thị trường nước ngoài, còn trong nước thì sao, thưa ông? 

Chúng tôi đã có kế hoạch lâu dài cho việc chinh phục thị trường trong nước. Công ty đã lập một bộ phận nghiên cứu thị trường để có kế hoạch đầu tư. Không phải cứ vào được thị trường nước ngoài là dễ vào được thị trường nội địa đâu. Người Việt Nam cũng cẩn trọng trong lựa chọn sản phẩm lắm chứ. Mục tiêu Công ty đưa ra ở thị trường này là sản phẩm phải bảo đảm các yếu tố: Tốt, bền, đẹp, rẻ. Đây là thách thức nhưng chúng tôi tin là sẽ làm được.

Thương hiệu "ông Phải May"

- Để có thương hiệu là rất khó, vậy ông làm thế nào để vượt qua “cái khó” này?

Đúng là xây dựng được thương hiệu không dễ chút nào, vấn đề là phải làm và quyết tâm làm. Những năm làm việc ở Liên Xô (cũ) đã cho tôi nhiều kinh nghiệm quý trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như thương trường. 

{keywords}

Một góc khu sản xuất của Công ty.

Với các đối tác nước ngoài, chất lượng sản phẩm và thời hạn giao hàng là điều họ quan tâm đặc biệt. Vì thế, sản phẩm xuất đi đều phải hoàn hảo, không chấp nhận có lỗi dù là nhỏ nhất. Còn về thời hạn giao hàng, bao giờ Công ty cũng chuẩn xác đến từng giờ. Từ ngày đảm nhiệm chức vụ cao nhất của doanh nghiệp, chưa khi nào tôi bị khách hàng chê trách về điều này. Có thể từ những yếu tố đó nên nhiều người gọi tôi là "ông Phải May". 

- Chúc mừng ông vì điều đó. Đấy cũng chính là một phần của thương hiệu. 

- Cảm ơn anh và mọi người đã tín nhiệm ủng hộ tôi và doanh nghiệp.

Không thiếu lao động

- Nhiều doanh nghiệp tuyển công nhân rất khó. Công ty May Bắc Giang lại liên tục phát triển, ông lấy đâu ra công nhân?

- Chưa bao giờ tôi thiếu công nhân. Không phải vì hiện nay địa bàn Bắc Giang thừa lao động, mà chúng tôi biết cách chọn và đào tạo công nhân. 

Công ty luôn mở rộng cửa để đón người lao động. Tôi không quan trọng trình độ tay nghề của người đó thế nào, tôi quan tâm đến lòng nhiệt tình và ý chí vươn lên. Những người có sức khỏe, yêu nghề may đều được doanh nghiệp tuyển. Tất cả công nhân được chọn đều phải đào tạo lại. Tôi đưa họ đến dây chuyền, cắt cử thợ lành nghề kèm cặp. 

Với cách "cầm tay chỉ việc" như thế, chỉ vài tháng sau, những người mới đều thuần thục công việc để gắn bó với nghề. 

- Tuyển lao động đã khó, giữ được họ càng khó, bí quyết của ông là gì? 

{keywords}

Đã nhiều năm nay, trừ khi đi nước ngoài, bất kể nắng hay mưa, cứ 6 giờ hàng ngày, Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Phải đã có mặt tại nơi làm việc. Buổi trưa, ông thường ăn cơm suất như công nhân. Ông là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII - nhiệm kỳ 2014-2019". 


Ông Nguyễn Văn Tứ, Chủ tịch Công đoàn Công ty May Bắc Giang 

Với người lao động hiện nay, công việc, mức lương chỉ là yếu tố cần. Còn yếu tố đủ là: Môi trường làm việc, sự quan tâm của người quản lý; chế độ thưởng, ăn ca... Công nhân được khám chữa bệnh định kỳ; được nghỉ chế độ đúng quy định. 

Ban lãnh đạo Công ty còn phối hợp với các  đoàn thể, nhất là công đoàn tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn nghệ, thể thao cho người lao động. Mức ăn ca cũng được tăng thường xuyên, đến nay đạt 13 nghìn đồng/người/ngày.  

- Được biết công tác an sinh xã hội được doanh nghiệp duy trì thường xuyên và hiệu quả, ông có thể nêu một số kết quả nổi bật?

Hằng năm chúng tôi đều dành hàng trăm triệu đồng thăm hỏi, tặng quà người lao động trong đơn vị; những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Ví như gia đình công nhân Nguyễn Thị Thanh Thúy có hoàn cảnh khó khăn, Công ty đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ kinh phí xây nhà. Từ nhiều nguồn, gia đình chị Thúy đã xây được nhà khang trang. 

Hay công nhân Nguyễn Thị Loan bị bệnh phải điều trị dài ngày, đại diện Công ty đến động viên và ủng hộ kinh phí để gia đình cải thiện cuộc sống... Gần đây, chúng tôi xây dựng quỹ tương trợ với số tiền mỗi năm hơn 2 tỷ đồng. Tùy hoàn cảnh, doanh nghiệp hỗ trợ hoặc cho công nhân vay không lấy lãi. Nhờ thế nhiều người có điều kiện sửa chữa nhà ở, mua sắm trang thiết bị phục vụ cuộc sống... Với sự quan tâm đó, nên công nhân ngày càng gắn bó với doanh nghiệp. 

Công ty May Bắc Giang luôn đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế, quỹ với Nhà nước. Năm 2013, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tới 41 tỷ đồng, là một trong những đơn vị có mức đóng góp cao của tỉnh.

Thanh Hải

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...