Thứ tư, 01/05/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Từ nhặt rác trở thành doanh nhân

Cập nhật: 14:31 ngày 09/01/2015
(BGĐT) - Trong chặng đường mưu sinh, anh Lê Xuân Tráng (SN 1975) từng đi nhặt rác kiếm sống. Giàu ý chí, nghị lực và kiên trì tự học, anh đã viết nên câu chuyện cổ tích về cuộc đời mình. Hiện anh là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên TM và Thời trang-Anh Sơn (xã Hoàng Thanh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), doanh nghiệp đang tạo việc làm cho gần 300 lao động.
{keywords}

Anh Lê Xuân Tráng kiểm tra sản phẩm may mặc.

Vượt lên hoàn cảnh

Nhìn vào cơ nghiệp anh Lê Xuân Tráng tạo dựng được hôm nay, ít người biết anh đã từng trải qua bao tháng ngày cơ cực. Tuổi ấu thơ nhọc nhằn, vất vả đã giúp anh luôn có ý chí vượt qua khó khăn. Cha mẹ anh là nông dân ở xã Hoàng Thanh, sinh được 6 người con, anh là thứ năm.

Nhà nghèo, hai chị gái đau ốm, bệnh tật thời gian dài nên gia đình phải vay tiền chạy chữa. Số nợ ngày một lớn, kinh tế khánh kiệt, đến mảnh đất và căn nhà dột nát cha mẹ anh cũng đành phải bán đi. 

Khi Tráng học lớp 6, em trai út học lớp 2 thì cả hai anh em đều phải nghỉ học. Nhớ thầy cô, bạn bè nhưng cậu học trò giỏi văn Lê Xuân Tráng đành giấu nỗi buồn vì biết mình không thể tiếp tục đến trường. Thương cha mẹ, anh sớm tự lập, từ bé đã đi chăn trâu thuê và mò cua, bắt ốc lấy tiền mua gạo. Ở tuổi đôi mươi, với chiếc xe đạp cũ, anh ngược xuôi Bắc Giang - Thái Nguyên buôn bán thực phẩm. Công việc vất vả nhưng lời lãi chẳng đáng là bao. Sau khi anh kết hôn, cả gia đình vẫn sống trong cảnh nợ nần, túng thiếu. 

Năm 1997, vợ chồng anh có con đầu lòng. Nghĩ đến tương lai của con, nhiều đêm, người cha ấy ứa nước mắt. Anh không đành lòng nhìn con lớn lên trong nghèo khó. Con vừa đầy tháng, anh quyết định vào miền Nam tìm cơ hội thoát nghèo. Vợ anh - chị Nguyễn Thị Ngọc hết lòng ủng hộ và động viên chồng, một mình chị ở quê chăm lo gia đình. 

Đến TP Hồ Chí Minh, ban đầu, anh xin rửa bát thuê tại những quán ăn, sau đó nhập vào đội quân nhặt rác. Tiết kiệm chi tiêu đến mức tối đa, mỗi tháng anh gửi về quê vài trăm nghìn đồng, phụ giúp vợ trả nợ, nuôi con. Lê Xuân Tráng chia sẻ: "Sau mấy năm nhặt rác, gặp biết bao cơ cực mà tương lai chưa có gì sáng sủa nên tôi xin vào cắt chỉ thuê cho một công ty. Thấy mấy anh công nhân học may, tôi để ý học theo".

{keywords}

    Anh Lê Xuân Tráng kiểm tra sản phẩm may mặc.

Cũng đến khi đó, Lê Xuân Tráng mới biết mình có năng khiếu với nghề may, dù chỉ học cấp tốc nhưng anh nhanh chóng thành thạo đường kim, mũi chỉ, thiết kế được nhiều mẫu mới độc đáo. Khéo tay, có duyên với nghề, chỉ sau thời gian ngắn, anh đã trở thành thợ may giỏi, dần trưởng thành trong môi trường mới. Năm 2002, anh ra Hà Nội "đầu quân" cho doanh nghiệp may có vốn đầu tư từ Mỹ. Năm 2006, anh về làm cán bộ quản lý tại một công ty may ở Bắc Giang. Khi đó, với mức lương 13 triệu đồng/tháng, Lê Xuân Tráng đã lo cho vợ con cuộc sống ổn định, gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, không bằng lòng với những gì đã có, anh tiếp tục thử sức ở những "sân chơi" lớn hơn. 

Giàu khát vọng

Năm 2008, anh sang Trung Quốc làm thuê cho một ông chủ người Nga về lĩnh vực may thời trang. Mục đích là học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển thị trường để có thể độc lập mở doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc. Chưa biết tiếng Trung, anh kiên trì tự học trên mạng Internet. Khi giao tiếp thành thạo, anh được nhiều doanh nghiệp mời làm phiên dịch và đại diện mại vụ trong những giao dịch vận chuyển hàng về Việt Nam. Có số vốn kha khá, anh mở một xưởng may thời trang tại Trung Quốc. Sau 6 năm ở nước ngoài, tháng 6 - 2013, anh trở về quê hương. 

Khi thực hiện những dự án đầu tư, nhiều doanh nhân có xu hướng chọn địa điểm tại các khu, cụm công nghiệp, nơi có hạ tầng đồng bộ. Ban đầu, anh Tráng cũng dự định như vậy. Thế nhưng khi về quê, thấy nhiều thanh niên không có việc làm, lông bông, lêu lổng rồi mắc vào những thói hư, tật xấu, anh rất băn khoăn. Nhiều phụ nữ ở lứa tuổi 35-40 đi xin việc nhưng không có doanh nghiệp nào nhận đành chịu cảnh thất nghiệp.

Sau khi khảo sát tình hình lao động, vợ chồng anh quyết định thành lập Công ty TNHH một thành viên TM và Thời trang - Anh Sơn; mở xưởng may ngay tại xã Hoàng Thanh. Trước khi tuyển dụng, Công ty mở nhiều lớp dạy nghề may miễn phí cho người lao động trong xã và địa bàn lân cận. 

{keywords}
{keywords}
Năm 2015, Công ty mở thêm dây chuyền may khẩu trang, tiếp tục tuyển dụng  lao động. Trên cơ sở cân đối nguồn lực tài chính, tôi dự kiến xây dựng nhà trẻ dành cho con em công nhân, giúp họ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp".
Anh Lê Xuân Tráng

Giai đoạn đầu hoạt động, doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn vì chưa tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Không nản lòng, doanh nhân Lê Xuân Tráng đã dành nhiều thời gian tìm kiếm đối tác. Kinh nghiệm, vốn ngoại ngữ học được trong những năm tháng bươn trải ở Trung Quốc đã giúp anh thành công. Những đơn hàng gửi đến ngày một nhiều, công nhân có việc làm đều đặn và thu nhập tăng dần. 

Anh Tráng kể: “Có những đợt sát ngày giao hàng mà sản phẩm vẫn chưa đóng gói xong, chúng tôi huy động công nhân làm tăng ca, dù vất vả nhưng cả Ban giám đốc và công nhân đều thấy vui”. Khi sản phẩm may mặc của doanh nghiệp vào được thị trường Mỹ và Mexico, anh quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Từ 730 m2 nhà xưởng, hai dây chuyền sản xuất, 28 công nhân lúc mới hoạt động thì nay tăng lên 5 dây chuyền, gần 300 công nhân với diện tích nhà xưởng 2.700m2, tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng. 

Cảm thông với người nghèo

Đã từng sống trong nghèo khó nên anh Tráng luôn cảm thông, quan tâm giúp đỡ những hoàn cảnh, số phận không may mắn. Ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, vợ chồng anh đã sẵn sàng tiếp nhận lao động khuyết tật. Chị Giáp Thị Huế ở xã Việt Ngọc (Tân Yên) bị di chứng bại liệt, teo một chân từ nhỏ. Chồng chị cụt một tay, chưa có việc làm, con còn nhỏ. Chị Huế tâm sự: “Mong muốn có một công việc phù hợp với sức khỏe, tôi đã vài lần đi xin việc nhưng nhiều chủ doanh nghiệp từ chối. Khi đến Công ty TNHH một thành viên TM và Thời trang-Anh Sơn, tôi đã được anh Tráng nhận vào làm việc với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Từ khi tôi đi làm, cuộc sống của gia đình đỡ chật vật”. Anh Tráng bày tỏ: “Những người khuyết tật như chị Huế luôn mặc cảm về bản thân. Tôi mong muốn giúp họ tự tin vào khả năng của mình, hòa nhập với cộng đồng”. 

Hiện nay, tại Công ty có 10 lao động khuyết tật, anh bố trí họ làm việc ở những vị trí phù hợp. Mọi thù lao, chế độ đều được hưởng theo quy định. Vợ chồng anh coi công nhân như người thân, thường xuyên tìm hiểu, chia sẻ tâm tư, tình cảm. Với những thanh niên trẻ, anh chị tận tình chỉ bảo không chỉ trong công việc mà còn trong lối sống, suy nghĩ. Một số công nhân không may gặp hoạn nạn, ngoài chế độ chung của Công ty, vợ chồng anh còn trích một phần lương để giúp họ vượt qua khó khăn, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. 

Không chỉ quan tâm đến người lao động trong doanh nghiệp, vào dịp lễ, Tết, anh chị đều gửi quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những người già cô đơn trên địa bàn xã Hoàng Thanh. Anh vận động công nhân ủng hộ quần áo và tổ chức đi làm từ thiện tại Hà Nội. 

Ông Đặng Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thanh cho biết: "Anh Lê Xuân Tráng là doanh nhân năng động, dám nghĩ, dám làm, tích cực tham gia các phong trào của địa phương, quan tâm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, chấp hành đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước. Mới đây, gia đình anh được Ủy ban MTTQ tỉnh biểu dương là một trong những "Gương sáng thoát nghèo".

Mai Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...