Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thương binh Lê Văn Tâm: Gian nan không sờn lòng

Cập nhật: 08:55 ngày 16/05/2017
(BGĐT) - Trở về hậu phương khi đôi chân không còn lành lặn, thương tật 91%, với nghị lực phi thường, cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Tâm (SN 1938), ở khu 3, thị trấn An Châu, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã vượt lên gian khó, chiến thắng đói nghèo, cùng vợ nuôi dạy 5 người con ăn học, trưởng thành. 
{keywords}

Giáo viên, học sinh ở địa phương đến thăm và nghe thương binh Lê Văn Tâm kể chuyện lịch sử.

Người lính quả cảm

Ngày 19-5-1965, ông Lê Văn Tâm gác công việc trong ngành thương nghiệp huyện Sơn Động, tạm biệt cha mẹ, người vợ trẻ và con thơ chưa đầy một tuổi để hòa cùng đoàn quân tham gia chiến đấu. “Đó là lần thứ ba tôi viết đơn xin nhập ngũ mới được chính quyền chấp nhận. Hai lần trước vì thiếu cân (chỉ có 42 kg) nên không đạt chỉ tiêu. Khoác trên mình tấm áo chiến sĩ mà lòng phấn chấn xúc động, tôi cùng đồng đội hô vang khẩu hiệu "Quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc" - ông Tâm kể. Ngay trong thời gian đầu huấn luyện, anh lính trẻ Lê Văn Tâm cùng đơn vị ghi thành tích vẻ vang khi bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống phi công tại cánh đồng xã Đan Hội (Lục Nam). 

Từ những câu chuyện, kỷ niệm chiến trường sống động, ông truyền đi thông điệp về lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, quyết chiến, quyết thắng chống lại kẻ thù, bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc.

Năm 1966, khi đang ở Trung đoàn 365, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, ông được đơn vị cử đi học khóa đào tạo bắn pháo cao xạ 4 nòng, pháo cao xạ 75 mm rồi trở về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sân bay Kép. Cuối năm 1968, ông được cấp trên điều động sang đất nước bạn Lào, rồi quay về Quảng Trị tham gia mở đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhờ gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu, ông Tâm vinh dự được nhận Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Đáng nhớ nhất là cuối năm 1971, giữa chiến trường khốc liệt, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ phá bom cay của địch lấy thuốc nổ để phục vụ nghiên cứu. Giữa sự sống và cái chết, không một chút đắn đo, ông xung phong chọn việc gian nguy và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đơn vị tuyên dương. Ngày 12-12-1971, khi đơn vị đang làm nhiệm vụ thì địch phát hiện, bắn phá dữ dội khiến cả trung đoàn hy sinh gần hết, ông Tâm trúng bom và bị thương nặng, được đưa về tuyến sau.  

Vượt lên gian khó

Sau nhiều lần điều trị vết thương, ông Tâm không đành lòng an dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành (Bắc Ninh) trong khi cha mẹ già yếu, vợ trẻ, con thơ, bởi vậy, ông trở về quê năm 1973. Dù cơ thể không lành lặn, nhiều mảnh đạn sót lại ở đầu, đầu gối, cánh tay khiến những vết thương "cứ trở gió lại đau nhức nhối" nhưng ông Tâm không nề hà, làm mọi công việc để trang trải cuộc sống. Ngay những việc nặng nhọc chỉ phù hợp với người bình thường như đào ao thả cá, chăn nuôi lợn ông cũng sẵn sàng. Mỗi phiên chợ, ông  bán hàng tạp hóa, cuối năm bán gạo nếp, đỗ xanh, lá dong, gói bánh chưng... Với niềm tin và lòng quyết tâm, ông cần mẫn làm lụng để nuôi các con học hành. 

Đúng như nguyện vọng của cha, các con của ông đều trưởng thành. Hai con trai là anh Lê Văn Chung, anh Lê Văn Chính noi gương cha có thời gian dài tham gia quân ngũ (anh Chính đã mất); chị Lê Thị Chiên hiện nay công tác tại Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; anh Lê Văn Chiến, chị Lê Thị Cơ công tác trong ngành giáo dục. Chị Lê Thị Cơ, con gái út của ông hiện là giáo viên Trường THCS An Lập nhớ lại: "Thời trước, phong trào học tập không sôi nổi như bây giờ nhưng bố luôn động viên chúng tôi cố gắng. Hình ảnh người cha gắn liền với đôi nạng gỗ, chiếc xe lăn đưa con đến trường mỗi ngày thôi thúc tôi và các anh chị chăm chỉ học tập". 

Những năm trước, vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (19-5), Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), thể theo nguyện vọng của giáo viên, học sinh, thương binh Lê Văn Tâm thường đến nhiều trường nói chuyện lịch sử. Từ những câu chuyện, kỷ niệm chiến trường sống động, ông truyền đi thông điệp về lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, quyết chiến, quyết thắng chống lại kẻ thù, bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc. Qua mỗi buổi nói chuyện lịch sử, ông thấy vui vì đã góp phần vun đắp lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ. 

Hai năm gần đây, sức khỏe suy giảm nhiều, tuy không thể đến các trường kể chuyện như trước nhưng ông Tâm luôn dõi theo phong trào khuyến học ở địa phương. Nghe tin ở đâu có học sinh nghèo, mồ côi, bị khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn nhưng ham học, ông tìm đến tận nơi tặng sách vở, đồ dùng. Từ phụ cấp hằng tháng, CCB Lê Văn Tâm dành lại một phần để ủng hộ quỹ khuyến học các cấp.

Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...