Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thương binh Vũ Tú Hồ và quyết tâm thư tòng quân đánh giặc

Cập nhật: 07:00 ngày 04/06/2017
(BGĐT) - Nửa thế kỷ trôi qua song dư âm về tấm gương thanh niên Vũ Tú Hồ ở thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) viết quyết tâm thư lên đường nhập ngũ vẫn nguyên vẹn trong ký ức của chúng tôi, lớp thanh niên cùng trang lứa với anh.
{keywords}

Anh Vũ Tú Hồ.

Anh Vũ Tú Hồ sinh tháng 10-1947, là con trai thứ nhưng là trưởng nam trong một gia đình nghèo ở phố Tân Tiến, thị trấn Bố Hạ.  Cha mất sớm, anh được mẹ nuôi ăn học và tốt nghiệp cấp 3 vào năm 1966. Anh là một trong ba học sinh của thị trấn Bố Hạ có bằng cấp 3 thời điểm đó. Ấp ủ bao hoài bão, ước mơ, anh trúng tuyển vào hai trường đại học là Kinh tế Quốc dân và khoa Trung Văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong thời gian chờ nhập học, anh tham gia công tác đoàn ở địa phương và được nhiều người yêu mến, tín nhiệm. 

Ngày 2-6-1966, trong một trận oanh tạc của máy bay Mỹ, thị trấn Bố Hạ tan hoang vì bom đạn. Đất đá chắn ngang đường tỉnh 292 gây ách tắc giao thông, nhiều ngôi nhà, căn hầm bị sập, không khí rất tang thương… Sau những giờ căng thẳng cứu người bị thương, san lấp hố bom bảo đảm giao thông, anh Vũ Tú Hồ đã viết trong nhật ký câu thơ: “Căm thù quân giặc Mỹ/ Tàn phá đất quê hương/ Gieo đau thương tang tóc/ Thù muôn đời không quên”. Không ngần ngại, anh quyết định không đi học đại học mà ở lại địa phương công tác, xây dựng phong trào “Toàn dân đánh Mỹ”.

Với tinh thần tiến bộ lại có trình độ văn hóa nên Vũ Tú Hồ sớm được cử đi học lớp cảm tình Đảng, làm bí thư chi đoàn, là trung đội trưởng trung đội dân quân trực chiến, tham gia dạy bổ túc văn hóa ban đêm… Nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành xuất sắc. Qua thời gian thử thách, ngày 1-4-1967 anh được kết nạp vào Đảng.

Trong cuốn nhật ký cách đây nửa thế kỷ tuy đã bị mối mọt làm hư hỏng một phần nhưng vẫn còn đó nét chữ anh viết: …“Là một đảng viên, mình càng thấy rõ Đảng là người mẹ hiền vĩ đại. Con nguyện mang hết tâm hồn và sức lực ra phấn đấu hy sinh cho Đảng, cho dân”.

Cuối năm 1967, một lần nữa giặc Mỹ bắn phá quê hương và rải thảm bom bi khắp vùng, từ Hương Vỹ, Đông Sơn, Đồng Kỳ đến Bố Hạ làm nhiều người chết và bị thương. Giữa những tháng ngày cam go, anh trích máu viết quyết tâm thư xin nhập ngũ. Là “hạt giống đỏ” của địa phương nên chi bộ nhiều lần cân nhắc và cuối cùng cũng chấp nhận quyết tâm thư của anh. Tháng 12-1967, anh tạm biệt quê hương, mẹ già và mối tình thơ mộng đầu đời để lên đường nhập ngũ. Noi theo anh, những năm đánh Mỹ, thanh niên thị trấn Bố Hạ nô nức viết đơn tình nguyện nhập ngũ, nhiều người đã lập chiến công như: Phan Khánh Đức, Trần Huy Thông, Vũ Sỹ Hồng… góp phần vào khúc khải hoàn ca giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

{keywords}

Anh Vũ Tú Hồ cùng đồng đội tại Kông Pông Chàm (Campuchia) ngày 3-10-1972 (ngồi hàng đầu, ngoài cùng bên phải). Ảnh tư liệu.

Vào bộ đội, dẫu trên thao trường hay chiến trường ác liệt, anh luôn dành thời gian ghi nhật ký đều đặn. Những trang nhật ký chứa đựng bao điều tâm đắc, ghi lại chân thực những sự kiện mà anh đã trải qua. Về tình yêu, anh viết: “Anh ở chiến trường xa xôi ngàn dặm/ Bừng chí trai mà vẫn đượm tình thương/ Dù xa cách không cắt chia tình cảm/ Sống chết kề bên vẫn trọn thủy chung”. Về rèn luyện tư tưởng đạo đức của người đảng viên, anh ghi lại: “Với Đảng tuyệt đối trung thành/ Sự nghiệp cách mạng vì dân quên mình/ Dẫu cho có phải hy sinh/ Tư thế chiến thắng đạp trên đầu thù”. Cuốn nhật ký còn ghi rõ thời gian anh ở chiến trường B3 thuộc Bình Long, Phước Long, Bù Đốp, Bình Phước hay trên chiến trường K (Campuchia). Những lần tập kích, chống càn anh đều ghi lại tỉ mỉ. Chỉ tính từ ngày 12-10-1970 đến 29-11-1971 anh đã tham gia 19 trận chiến đấu. Có những trang nhật ký nghẹn ngào ghi tên đồng đội hy sinh và anh cũng bị thương trong những trận chiến đó. Là bí thư chi bộ, anh thường giữ vị trí tiểu đội trưởng, trung đội trưởng hoặc tổ trưởng tổ tam tam, thể hiện tinh thần xung kích dũng cảm, kiên cường. Trong chiến đấu, Vũ Tú Hồ đã được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ giải phóng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang và nhiều bằng, giấy khen khác. 

Sau khi bị thương, anh được chuyển về Quân y Viện ở Phước Long để điều trị, vết thương bình phục anh lại tiếp tục trở về đơn vị tham gia chiến đấu. Năm 1974, thương binh Vũ Tú Hồ xuất ngũ, chuyển ngành về công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thế. Mặc dù là thương binh 2/4 với nhiều vết thương, thậm chí còn bốn mảnh kim khí găm trong cơ thể nhưng với tinh thần, ý chí vươn lên, anh vẫn hăng say công tác, vừa học tiếp chương trình đại học. Sau khi lấy bằng kỹ sư nông nghiệp (khoa địa chính) năm 1978, anh chính thức được đề bạt là Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và đảm nhiệm trọng trách này cho tới năm 2002 thì nghỉ hưu.

70 năm tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, cựu chiến binh Vũ Tú Hồ luôn lạc quan và tự hào về một thời tuổi trẻ đã cống hiến cho quê hương, đất nước.

Trần Thị Mây Lai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...