Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Sóng to, thuyền mảnh” vẫn vững tay chèo

Cập nhật: 07:00 ngày 21/01/2018
(BGĐT) - Xuân này, ông bước sang tuổi 74 và nhận Huy hiệu 55 tuổi Đảng. Nửa cuộc đời công tác gắn bó với sự nghiệp hợp tác xã (HTX), trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm có lúc tưởng chừng không thể vượt qua song bằng tâm huyết, trách nhiệm của người đảng viên, ông đã cùng tập thể tháo gỡ khó khăn, đưa kinh tế hợp tác, hợp tác xã của tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước.
{keywords}

Ông Phạm Trọng Lịch với người dân thôn Cầu Bằng.

Nghỉ hưu, ông luôn đề cao ý thức công dân, là người bạn tốt của mọi người, mọi nhà. Đó là ông Phạm Trọng Lịch, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang.

20 năm gắn nghiệp HTX

Kể từ ngày nghỉ hưu cách đây 15 năm, ông Lịch đã rời nơi thành thị, về sống ở quê nơi mình sinh ra - thôn Cầu Bằng, xã Hương Sơn (Lạng Giang). Nhà riêng của gia đình ông, góc nào cũng thấy hình ảnh, hiện vật liên quan đến HTX. Những bức ảnh chụp với một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, những lần đi cơ sở, trò chuyện với xã viên được ông phóng to treo tường hoặc để trang trọng trong mỗi phòng. Rồi nhiều bức phù điêu, tượng, tranh sơn mài bằng khảm trai, dệt thảm, mành trúc, đồ dùng trang trí… đều là những sản phẩm mang đậm dấu ấn một thời của những HTX tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh được ông nâng niu, giữ gìn.

Rồi ông kể một cách say sưa về thời gian 20 năm gắn bó với phong trào HTX của tỉnh. Hành trình về các HTX ở Hà Bắc, Bắc Giang thì dài lắm nhưng ông chỉ tóm tắt thế này: Năm 1983, đang làm Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang, ông được tổ chức phân công làm Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Liên hiệp xã Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Bắc. Thời cuộc xoay vần, bước ngoặt lịch sử khi năm 1986 bắt đầu xóa bỏ cơ chế quan liêu - bao cấp; năm 1988, Nghị quyết của Bộ Chính trị giải thể Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp các cấp, cơ quan ông sáp nhập thành một phòng của Sở Công nghiệp. Từ mọi thứ đang được bao cấp, giờ đây hết chỗ bấu víu, cán bộ công nhân viên người nghỉ hưu, người chuyển công tác. Hàng trăm HTX lao đao, hàng nghìn xã viên ngơ ngác. Trong hoàn cảnh “sóng to, thuyền mảnh” như vậy, ông Lịch đã từng nghĩ đến chuyện nghỉ hưu non. Nhưng chính trong lúc này bản lĩnh của người lãnh đạo hơn 40 năm tuổi đời, 25 tuổi Đảng đã thôi thúc ông hành động. Ông trực tiếp đi gặp các đồng chí lãnh đạo tỉnh đề xuất nguyện vọng mà đến bây giờ nghĩ lại ông vẫn tự hào. Đó là chỉ sau 3 tháng kể từ khi có quyết định “xóa sổ” đơn vị, co lại thành một phòng của Sở Công nghiệp, thì đến tháng 10-1989, Tỉnh ủy có ngay Nghị quyết tách ra thành lập Hiệp hội Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Bắc. Đây là Hiệp hội Tiểu thủ công nghiệp đầu tiên trong cả nước, chiếm tới 75% giá trị công nghiệp, 85% xuất khẩu của địa phương lúc bấy giờ. Mô hình này năm 1990 được Trung ương đánh giá là mô hình đổi mới nhất cả nước.

Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, ít lâu sau, Liên Xô và khối Đông Âu tan rã đồng nghĩa với việc thị trường các nước này thu hẹp dần và mất hẳn. Sản phẩm truyền thống của các HTX như hàng sơn mài, dệt may, áo ki-mô-nô sản xuất ra chất đầy trong kho. Xã viên không có thu nhập lại kêu ca, ngao ngán. Trước thực trạng đó, ông Lịch lại “cầm quân” đi nhiều nơi, sang cả châu Âu tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, ông đã ký được hợp đồng xuất khẩu hàng hóa trị giá 1 triệu USD sang Ba Lan, lại còn đưa được 50 lao động đi nước ngoài theo đường xuất khẩu. Sau này, nhiều con em Bắc Giang tiếp tục liên kết làm ăn, gửi tiền về xây dựng quê hương. Sản phẩm làm ra có chỗ bán, nhiều HTX có sức hồi sinh trở lại.

Ông Lịch còn kể nhiều về những thăng trầm của HTX trong thời kinh tế thị trường mà ở đó nốt trầm nhiều hơn nốt thăng. Có một nốt thăng mà đến giờ ông vẫn tự hào. Đó là trong khi cả nước chỉ có 8 mô hình HTX kiểu mới thì tỉnh Bắc Giang đã chiếm 5, đó là các HTX: Cơ khí Lạng Giang; vệ sinh môi trường thị trấn Thắng (Hiệp Hòa); tiêu thụ sản phẩm làng nghề mây tre đan Tăng Tiến và rượu Vân Hương mỹ tửu; dịch vụ chăn nuôi thú y Lục Nam và HTX tiêu thụ điện năng Bố Hạ. Những kết quả đó đã đưa phong trào HTX ở Bắc Giang trở thành điểm sáng của cả nước, được Liên minh HTX Việt Nam tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu toàn quốc 5 năm liền (1994-1999); trong 5 năm, cơ quan hai lần vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Hai (năm 1997) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2001). Thành tích của Liên minh HTX tỉnh có đóng góp lớn của ông. Ông được tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Huân chương Lao động hạng Nhì, chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2002 và nhiều huy chương, thành tích khác.

Gần gũi quần chúng, lo việc tập thể

{keywords}

Ông Phạm Trọng Lịch.

Lần cuối cùng phát biểu trước tập thể Liên minh HTX tỉnh với tư cách Chủ tịch, ông Phạm Trọng Lịch nói: “Nghỉ hưu tôi sẽ trở về quê hương sinh sống; sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên, nghĩa vụ công dân, là bạn tốt của mọi người, mọi nhà”. Nhiều người tưởng ông nói vui, hóa ra ông về thật, bắt đầu từ năm 2003 ngay sau khi có quyết định nghỉ hưu. Nơi đó có người vợ  Phạm Thị Thư tảo tần suốt bao năm chăm sóc 6 người con (4 gái, 2 trai) giờ đây đã thành thạc sĩ, kỹ sư, cán bộ ở trong nước và nước ngoài để ông yên tâm làm việc “trên tỉnh”.

Về Hương Sơn, hỏi về ông Lịch ai cũng biết. Bà Phạm Thị Thiệp, Bí thư chi bộ và ông Phạm Văn Cửu, Trưởng thôn Cầu Bằng đưa chúng tôi đi một vòng quanh thôn, vừa đi vừa giới thiệu. “Cổng làng xây dựng từ năm 2005, kinh phí 107 triệu đồng ở thời điểm đó là do bác Lịch vận động ủng hộ xây dựng. Tuyến đường trục chính dài 400 mét này một phần do tỉnh, huyện ủng hộ, cũng do bác Lịch “nói với người ta” giúp thêm, người dân trong thôn góp toàn bộ ngày công và chỉ phải bỏ ra ít tiền thôi. Rồi những tuyến đường nhánh, nhà văn hóa thôn, ngôi chùa cho người cao tuổi có thêm chỗ sinh hoạt, đường vào khu nghĩa trang nhân dân... đều do bác Lịch đứng ra, lấy uy tín cá nhân để vận động ủng hộ xây dựng. Gia đình bác cũng đóng góp, ủng hộ nhiều thứ cho thôn”.

Trò chuyện với một số người dân, họ bảo ông Lịch luôn gần gũi với bà con láng giềng, hòa đồng, sống gương mẫu. Ông cảm hóa người lầm lỗi bằng cách riêng của mình. Cả thôn có 5 người bị đi tù vì trộm cắp, ông mời đến nhà ăn cơm uống rượu. Trong khi những người hàng xóm khác hì hụi làm bếp, sắp mâm ở dưới nhà bếp thì 5 người đi tù được ông ưu tiên ngồi mát uống trà, hút thuốc lào rồi tỉ tê trò chuyện, nói việc nhân nghĩa ở đời, trộm cắp, ma túy, tệ nạn xã hội phải tránh xa. Từ năm 2005 trở lại đây, thôn không còn tình trạng trộm cắp, không có ma túy; người trong thôn cũng không gây án ở nơi khác. Trong làng, ngoài xã nếu ai khó khăn cần vốn làm ăn, ông sẵn sàng giúp đỡ không lấy lãi; ai làm nhà, mua sắm vật dụng nếu cần ông đều nhiệt tình giúp đỡ.

“Khi đương chức, chưa chắc mình đã đóng góp được gì cho quê hương. Nhưng khi về hưu, có thời gian, phải làm điều gì đó cho quê mình trong khả năng có thể”. Và ông đã làm, làm đúng việc, nói đúng chỗ, giữ vững phẩm chất của người đảng viên cộng sản, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân.

Thu Phong


 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...