Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội / Hành động vì môi trường sạch
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Túi nilon với vấn đề gây ô nhiễm môi trường

Cập nhật: 20:18 ngày 15/08/2017
Hiện nay hiếm thấy người nội trợ nào đem theo làn, túi vào chợ, mà thay vào đó là những túi nilon với đủ kích cỡ (được cấp miễn phí ) đựng hàng đem về. Tiện lợi thật, nhưng ít ai quan tâm, những túi nilon là “thủ phạm” nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường.
{keywords}
Ảnh minh họa Internet.

Có thể thấy rõ điều này khi kiểm tra các bãi rác, hố chôn rác, xe rác. Túi nilon với đủ các kích cỡ, màu sắc nằm xen lẫn trong các loại rác thải, phế thải khác. Nhiều hố chôn rác, các loại phế thải khác đã phân huỷ hết từ lâu, nhưng túi nilon thì vẫn trơ ra không hề suy giảm. 

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết: Để phân huỷ được túi nilon hoặc các phế thải làm từ nhựa cần tới hàng trăm năm. Thông thường các loại chất thải, phế thải của các hộ gia đình đều được đựng trong các túi nilon và khi đem chôn lấp thì không chỉ có túi phân huỷ chậm mà nó còn ngăn cản sự phân huỷ của các chất đựng bên trong đó. 

Túi nilon thải ra còn gây tắc nghẽn cống rãnh, làm ứ đọng nước thải, phát sinh ruồi muỗi dịch bệnh, phá hỏng mỹ quan, hệ sinh thái đô thị và vùng quê. Túi nilon nằm lẫn trong đất ruộng, vườn gây cản trở cho cây trồng trong việc hút nước, chất dinh dưỡng từ đất, cũng như việc sẽ cản trở hệ vi sinh vật đất hoạt động, dễ rửa trôi đất, gây bạc màu. 

Nếu đem đốt túi nilon và đồ làm từ nhựa sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và làm hại tầng khí quyển. Các nhà khoa học cũng cho biết trong một số loại túi nilon có chứa lưu huỳnh (S), dầu hoả, khi bị đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axít Sunphurích và sau đó dễ gây ra mưa axít. Tệ hơn, khi túi nilon làm bằng nhựa PVC, có chứa Clo, khi cháy tạo ra chất điôxin vô cùng độc hại, gây ung thư đối với con người.

Túi nilon rất khó tái sử dụng và người dân thường dùng một lần là vứt đi nên lượng thải ra môi trường là không hề nhỏ.

Với khối lượng túi nilon được sử dụng và thải bỏ hàng ngày lớn như vậy… nhưng việc quản lý chúng trong nhiều năm qua và cho đến nay vẫn đang là vấn đề còn chưa tìm được lời giải hợp lý. Đã có những đề xuất: Cấm sử dụng, áp dụng công cụ kinh tế (thuế, phí..), giáo dục nâng cao nhận thức… nhưng xem ra những giải pháp đó lại không có hiệu quả mà nguyên nhân chính là do sự tiện lợi cao, giá cả rẻ của túi nilon. 

Theo ý kiến của nhiều cán bộ đầu ngành, có thể sử dụng giải pháp cấm sử dụng túi nilon, nhưng cần phải có chế tài cụ thể, chế độ thưởng phạt nghiêm minh, bộ máy giám sát thực thi và vật dụng thay thế (túi nilon thân thiện với môi trường). Một vấn đề nữa là thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp, nên mọi hành vi: Từ sản xuất đến, phân phối, tiêu dùng đều hướng đến mục tiêu hàng hoá giá rẻ và Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối túi nilon thân thiện với môi trường, để người tiêu dùng và nhân dân được tiếp cận với loại túi đó.

PV (tổng hợp)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...