Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội / Hành động vì môi trường sạch
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyển biến lớn trong xử lý rác thải sinh hoạt

Cập nhật: 09:44 ngày 29/12/2017
(BGĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy,  Chiến dịch cao điểm 100 ngày vệ sinh môi trường đã được tổ chức trong toàn tỉnh, bước đầu giúp người dân hình thành ý thức, thói quen chung tay giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi.  
{keywords}

Thành viên  Tổ vệ sinh  môi trường thôn  Phú Giã, xã Song Mai (TP Bắc Giang) quét dọn đường làng, ngõ xóm.

Đường ngõ sạch rác

Cuối năm 2016, có dịp về xã Song Mai (TP Bắc Giang) thăm những mô hình trồng hoa giống mới, đi dọc bờ đê sông Thương, cảnh tượng trước mắt mọi người là những đống rác đủ loại nằm trên bờ cỏ, mắc vào bụi tre. Túi ni lông, vỏ chai, xác động vật… bốc mùi hôi thối. Khi vào các khu dân cư, thỉnh thoảng cũng bắt gặp những đống rác như vậy. Nay có dịp trở lại Song Mai, đi trên đê sông Thương, chúng tôi cảm nhận được không khí trong lành, thoáng đãng. Dọc bờ đê dài mấy cây số từ thôn Sứ Gốm đến Phú Giã, Trại Hà, Vĩnh An hay thôn Bùi đều không còn rác thải. Thay vào đó là những thảm cỏ chạy dài. “Có sự đổi thay ấy là do các thôn, xóm đã thành lập tổ vệ sinh môi trường. Tất cả các gia đình có rác thải không phải mang đi đâu vứt nữa mà để ngay trước cổng, tổ vệ sinh sẽ đến thu gom”, chị Nguyễn Thị Vinh, thành viên Tổ vệ sinh môi trường thôn Phú Giã vừa đẩy xe rác vừa nói với tôi. Phú Giã là một trong những thôn có số dân đông nhất xã Song Mai với gần 200 hộ. Những năm trước, khi thôn chưa thành lập Tổ vệ sinh môi trường, rác thải sinh hoạt một phần do các hộ tự đốt trong vườn nhà, một phần mang ra vứt tại những khu đất trống của thôn, trong đó có bờ đê sông Thương, gây ô nhiễm môi trường. 

Từ khi thực hiện Chiến dịch cao điểm 100 ngày vệ sinh môi trường năm 2017, UBND xã Song Mai chỉ đạo 17/17 thôn thành lập tổ vệ sinh môi trường. Các thành viên của tổ phân công thay phiên nhau đến từng ngõ xóm thu gom rác thải về khu tập kết của xã để Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang đến vận chuyển đi xử lý. Ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân Song Mai được nâng lên, trên địa bàn xã không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi, cảnh quan sạch đẹp. Xã Song Mai được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Những tháng đầu năm 2017, nhiều hộ dân thôn Non Giếng, xã Khám Lạng (Lục Nam) bức xúc cùng ký tên gửi UBND huyện Lục Nam kiến nghị giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải trên dòng kênh Yên Lại gây ra. Khi ấy, có mặt cùng lãnh đạo xã Khám Lạng và người dân thôn Non Giếng tại khu vực kênh, chúng tôi không chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ “núi rác” đủ loại tồn đọng dài hàng chục mét, lưu cữu qua nhiều ngày. Rác trôi từ các địa phương phía đầu kênh về đến thôn Non Giếng thì ứ lại do mắc phải miệng cống. Mới đây, tôi trở lại thôn Non Giếng, thấy kênh Yên Lại đã sạch rác thải. “Nhân Chiến dịch cao điểm vệ sinh môi trường, huyện cương quyết chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Lục Nam thu gom toàn bộ rác thải trên kênh; đồng thời trích kinh phí hơn 100 triệu đồng để lắp đặt lưới chắn rác ở các đầu cống, giao trách nhiệm bảo đảm vệ sinh môi trường cho từng địa phương có tuyến kênh chạy qua. Vì thế, vấn đề rác thải trên kênh Yên Lại đã được giải quyết”, anh Tống Kim Túy, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Nam phấn khởi cho biết.

Ngày 1-9-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 139-NQ/TU về tăng cường bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống khi UBND tỉnh ban hành và chỉ đạo triển khai Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 26-5-2017 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Chiến dịch cao điểm 100 ngày vệ sinh môi trường (từ ngày 1-6 đến 30-8). Theo đó, các địa phương huy động hàng vạn lượt người thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Kết thúc Chiến dịch, toàn tỉnh giải tỏa hơn 300 điểm tồn lưu, thu gom, xử lý hơn 20 nghìn m3 rác phát sinh; nạo vét, khơi thông khoảng 68 nghìn km cống rãnh...                   

Những con đường hoa

Chuẩn bị bước sang năm mới, ông Nguyễn Đức Thắng, Tổ trưởng tổ dân phố Cung Nhượng 2, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) cùng một số chị em của tổ dân phố cùng vun xới, cắt tỉa cho “vườn hoa” nằm dọc đường Trần Đăng Tuyển. “Vườn hoa” này được hình thành trong Chiến dịch cao điểm vệ sinh môi trường năm 2017 do Chi hội Phụ nữ tổ dân phố tạo nên và được gắn biển “Đường hoa phụ nữ”. Trước kia, nơi này là khu đất trống, cỏ dại mọc nhiều, rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng được người dân mang đến đổ thành đống, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Vậy mà, qua bàn tay chăm chút của chị em, giờ đây trên khu đất ấy là những khóm hoa chiều tím, dừa cạn và mười giờ đang bắt đầu nảy nụ, trổ hoa. 

{keywords}

Đường hoa xã Đại Thành (Hiệp Hòa). Ảnh: Phương Nhung

Về thôn Non Dài, xã Quang Tiến (Tân Yên), ai cũng ngỡ ngàng khi tận mắt được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa chiều tím - một loài cây phát triển nhanh, dễ trồng và tạo khóm, cao khoảng 50-60cm. Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Văn Minh cho biết, con đường hoa dài hơn 300 m này được hội viên Chi hội Phụ nữ trồng trong dịp thôn kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới và đón nhận Giải thưởng môi trường tỉnh năm 2017. Hằng tuần, chị em cắt cử nhau vệ sinh môi trường, lấy nước tưới cây, giúp cho đường hoa luôn xanh tươi, tạo ra bức tranh làng quê yên bình, trù phú.

Khác với những năm trước, điểm nhấn thông qua Chiến dịch cao điểm vệ sinh môi trường năm 2017 là tạo ra những con đường hoa, vườn hoa ở nhiều thôn, xóm, tổ dân phố. Đi đầu trong phong trào này là tổ chức hội phụ nữ các cấp. “Toàn tỉnh đã có hơn 200 con đường hoa, với tổng chiều dài hàng nghìn mét do chị em phụ nữ trồng, chăm sóc. Đây cũng là những đoạn đường chị em nhận tự quản về vệ sinh môi trường. Phong trào này phát triển rộng khắp bắt đầu từ quý II năm 2017”, chị Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chia sẻ.  

Năm mới đã về, mùa xuân mới đang đến gần - Năm của ước vọng và niềm tin vào sự đổi thay, đi lên của đất nước. Mặc dù, đâu đó trên vài con đường, ngõ hẻm vẫn còn tồn lưu rác thải, có địa phương vẫn khó bố trí bãi xử lý rác tập trung nhưng những chuyển biến bước đầu trong nhận thức, thói quen của nhân dân về vệ sinh môi trường là tiền đề quan trọng để mỗi địa phương tiếp tục duy trì và phát triển kinh tế bền vững, xây dựng xã hội văn minh.

Đỗ Thành Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...