Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Hiệp Hòa >> Nhịp sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hoàng Vân – Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Hiệp Hòa

Cập nhật: 17:24 ngày 08/02/2017
(BGĐT) - Hiệp Hòa là vùng quê với nhiều di tích đã được xếp hạng như đền, chùa Y Sơn, xóm Đỏ, các lăng Dinh Hương, họ Ngọ, các đình Lỗ Hạnh, Vân Xuyên, Lỗ Hạnh, Xuân Biều… Trước Cách mạng tháng Tám, Hiệp Hòa đã được chọn là “An toàn khu II” của Trung ương Đảng và xứ ủy Bắc Kỳ. 

{keywords}
Các thế hệ tự hào về truyền thống lịch sử ở xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa).

Trong đó, nổi bật là tổng Hoàng Vân (nay là xã Hoàng Vân), cái nôi của phong trào cách mạng ở Hiệp Hòa. Nơi đây đã từng nuôi giấu, che chở nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng như đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái, Trần Quốc Hoàn, Võ Nguyên Giáp, Hà Thị Quế…về hoạt động cách mạng. Cũng chính tại nơi đây đã thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hiệp Hòa.

Xã Hoàng Vân nằm ở phía Bắc, cách trung tâm huyện Hiệp Hòa gần 10km. Nhân dân Hoàng Vân vốn có truyền thống hiếu học, đoàn kết, yêu nước, mỗi người dân nơi đây đã thật sự là tai mắt, là chỗ dựa tin cậy của các chiến sĩ cách mạng. 
Sau các Hội nghị Trung ương (tháng 3 và tháng 9 - 1937), nhiều cán bộ của Đảng được cử về các địa phương hoạt động, gây dựng cơ sở Đảng và phong trào quần chúng. Sau khi thoát khỏi nhà tù Côn Đảo, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được Đảng giao nhiệm vụ về hoạt động ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Tháng 8-1938, đồng chí Ngô Tuấn Tùng đã bí mật đưa đồng chí Hoàng Quốc Việt từ phủ Lạng Thương về Hoàng Vân để gây dựng phong trào cách mạng. Bằng kinh nghiệm hoạt động bí mật, nhạy bén và sự hiểu biết sâu sắc, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng với đồng chí Ngô Tuấn Tùng đã tuyên truyền, giác ngộ được nhiều nông dân, nhất là những thanh niên yêu nước và chỉ đạo họ bí mật vận động nhân dân tổ chức các hoạt động công khai và bán công khai để tập hợp quần chúng. 
Chỉ trong một thời gian ngắn, các tổ chức phường, hội đã phát triển khá mạnh ở Vân Xuyên, Hoàng Liên, Vạn Thạch và lan sang cả Thái Nguyên. Cũng trong thời gian này, nhiều sách báo của Đảng, của các trào lưu văn hóa, nghệ thuật có xu hướng chính trị khác nhau đã du nhập vào Hiệp Hòa. Phong trào học chữ quốc ngữ, đọc sách báo của Đảng và sách báo tiến bộ từ Hoàng Vân ngày càng phát triển rộng rãi. Truyền thống yêu nước ngày càng được khơi dậy, hun đúc trong lòng mỗi người dân. Đến cuối năm 1938, các phường, hội ngày càng phát triển mạnh, được các cán bộ của Đảng chỉ đạo chặt chẽ, đi vào hoạt động kín đáo, có chiều sâu với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt. Truyền đơn được rải thường xuyên, áp phích, khẩu hiệu xuất hiện liên tục ở nơi công cộng… Các cuộc đấu tranh trực diện chống đánh đập, cướp ruộng, tăng thuế…cũng phát triển khá mạnh khiến cho kẻ địch ăn không ngon, ngủ không yên. Chúng đã lùng sục, tìm bắt các cán bộ cách mạng nhưng phong trào ở đây vẫn phát triển mạnh.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh, ngày 16-2-1940, tại một địa điểm thuộc xã Hoàng Vân, đồng chí Lê Hoàng đã tuyên bố kết nạp ba quần chúng trung kiên là Ngô Văn Triệu, Nguyễn Văn Cường, Ngô Duy Thanh (tức Phương) vào Đảng cộng sản Đông Dương, chính thức thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Hoàng Vân, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hiệp Hòa, do đồng chí Lê Hoàng làm Bí thư. Sự ra đời của Chi bộ Đảng Hoàng Vân là một sự kiện quan trọng và là mốc son của phong trào cách mạng ở Hiệp Hòa và tỉnh Bắc Giang. 
Từ khi ra đời, Chi bộ Đảng Hoàng Vân đã lãnh đạo phong trào cách mạng với nhiều hoạt động gây tiếng vang lớn trong nhân dân. Đặc biệt là lãnh đạo các xã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Xuân Biều (Xuân Cẩm) vào ngày 12-3-1945, sau đó là các xã Mai Trung, Hoàng Vân, Hoàng Lương, Hoàng Thanh…và cuối cùng là giải phóng huyện lỵ vào ngày 1-6-1945. Hiệp Hòa là huyện được giải phóng sớm nhất trong toàn tỉnh trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Năm 1999, xã Hoàng Vân đã vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý do Nhà nước trao tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Hoàng Vân - mảnh đất anh hùng - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Hiệp Hòa trong suốt những thập kỷ qua, trải qua những biến đổi và thăng trầm cùng đất nước đã trở thành một vùng quê trù phú, giàu đẹp với những đặc sản nổi tiếng khắp vùng gần xa, xứng danh với truyền thống cách mạng vốn có.
Nguyễn Mạnh Lê

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...