Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Hiệp Hòa >> Người tốt - Việc tốt
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ươm mầm xanh trên cánh đồng La

Cập nhật: 07:00 ngày 16/12/2017
(BGĐT) - Trong mắt nhiều người, nông dân Nguyễn Văn Nghiệp (SN 1966) ở xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) trở thành giám đốc HTX quả là điều lạ lẫm. HTX còn đầu tư cả tỷ đồng xây dựng giữa cánh đồng La khu nhà màng, nhà lưới để sản xuất rau sạch lại càng viển vông mà ở Hiệp Hòa chưa ai làm. Thế nhưng, quyết tâm theo đuổi một việc “chưa ai làm” ở quê mình, ông Nghiệp đã thành công.
{keywords}

Ông Nguyễn Văn Nghiệp cùng cán bộ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam kiểm tra quá trình sinh trưởng của dưa chuột bao tử xuất khẩu.

Vài tháng thuyết phục nông dân... vào HTX

Đang mùa đông, gió rét lồng lộng. Nhiều cánh đồng trơ gốc rạ. Vậy mà trên cánh đồng La thuộc thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng phủ kín màu xanh của dưa chuột bao tử, dưa chuột Hàn Quốc, khoai tây... Bà con vừa làm việc vừa chuyện trò rôm rả trong nhà lưới quên cả thời gian đã quá buổi trưa, cũng chẳng màng đến cái rét thấu da bên ngoài. Nhìn họ nhàn nhã làm nghề nông trong chính “ngôi nhà HTX” của mình, Giám đốc Nguyễn Văn Nghiệp mỉm cười. 

Gần 20 năm làm Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thắng, ông Nghiệp hiểu rất rõ băn khoăn của nông dân về tình trạng được mùa mất giá, sản xuất bấp bênh theo giá cả thị trường. Một nguyên nhân nữa mà theo ông là “nút thắt” của sản xuất nông nghiệp hiện nay là do bà con chưa biết cách tổ chức sản xuất hàng hóa, tự phát, mạnh ai nấy làm. Địa phương cũng chưa có ai đứng ra tổ chức, chỉ dẫn bà con cách làm sản phẩm hàng hóa, “tay không bắt giặc” thì làm sao nổi - ông Nghiệp trăn trở. 

Từng thành công với mô hình nuôi lợn hữu cơ trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, lại được “tiếp sức” từ Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đầu năm 2017, Nguyễn Văn Nghiệp mạnh dạn đứng ra thành lập HTX Ðồng Tâm 3 do ông làm giám đốc. Nông dân góp vốn bằng ruộng đất để hưởng lợi nhuận, góp ngày công lao động để được hưởng “lương” hằng tháng. HTX có trách nhiệm liên kết, bao tiêu sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật, phương châm là sản xuất theo đơn hàng, không tự phát, cho nên sản phẩm làm ra phải bảo đảm rẻ nhất và an toàn nhất, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

HTX Đồng Tâm 3 là một trong những tập thể được Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy công nhận điển hình tiên tiến học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017.

“Khi tôi có ý tưởng thành lập HTX Đồng Tâm 3 đã gặp phải sự ngăn cản. Khó nhất là bà con không tin khi nhắc đến mấy từ HTX. Những ai đã trải qua thời kỳ bao cấp thì họ càng thấm thía điều này. Vì vậy, tôi phải mất mấy tháng đến từng gia đình trong thôn vận động, thuyết phục, bà con”- ông Nghiệp nhớ lại. Khi ấy có vài hộ đưa ra ý kiến: “Chúng tôi bán đứt ruộng cho HTX, các ông trả cho chúng tôi một khoản tiền, vậy là được”. Nghe xong, ông Nghiệp cười to và ôn tồn giải thích: “Đất đai vừa là tài sản, vừa là sinh kế của nông dân. HTX có thể nhận chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất ở đồng La để tự sản xuất. Nhưng mục đích không phải như vậy, HTX muốn đứng ra tổ chức sản xuất, để làm sao cũng trên thửa ruộng ấy, ngày công ấy bà con có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Ai có đất góp theo thời hạn 20 năm sẽ được tính mỗi sào 10 triệu đồng vào vốn của HTX. 

Trong quá trình thực hiện, nếu HTX thua lỗ, mọi người sẽ được quyền rút đất. Nhưng nếu đang làm ăn có lãi mà rút lui, gây thiệt hại phải bỏ tiền bồi thường cho HTX”. Ngoài ra, mỗi lao động làm đủ 8 tiếng đồng hồ sẽ được trả từ 150-200 nghìn đồng/ngày. Nếu bà con làm 1 tiếng mỗi ngày thậm chí không làm cũng chả sao, HTX sẽ tính toán phù hợp. Nghe bùi tai, bà con gật gù đồng ý. Đến nay HTX có 52 hộ tham gia, sản xuất trên diện tích hơn 10ha. Cách làm của HTX là ai góp vốn nhiều (đất ruộng) sẽ được hưởng nhiều và ngược lại. HTX định hình 4 nhóm quyền lợi gồm: Cổ đông góp vốn; người làm công; nhóm cho Ban quản trị; nhóm chung của cả HTX.

{keywords}

Giám đốc Nguyễn Văn Nghiệp.

Công nghệ cao tạo nguồn thu lớn

Bước vào “nghiệp trồng rau”, ngay sau khi thành lập tháng 1-2017, HTX Đồng Tâm 3 bắt tay vào vụ sản xuất đầu tiên. Nhận được khuyến cáo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ phòng nông nghiệp huyện, cùng với sự hỗ trợ một phần kinh phí của tỉnh và huyện, trên diện tích hơn 7,5 ha, HTX phối hợp với Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C trồng dưa chuột xuất khẩu. Do tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, thu hoạch, có chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật nên dưa được mùa, sản lượng đạt khoảng 500 tấn, chất lượng quả tốt nên được doanh nghiệp đánh giá cao, liên tiếp đặt đơn hàng. Thu hoạch đến đâu, doanh nghiệp thu mua, thanh toán đến đó nên xã viên rất phấn khởi. 

Góp một sào ruộng vào HTX, vụ đầu chị Nguyễn Thị Tâm được HTX chia 300.000 đồng lợi nhuận từ đất. Ngoài ra chị còn được nhận gần 20 triệu đồng tiền công sau mấy tháng chăm sóc, thu hoạch dưa. Chị vui vẻ: Trước kia, trên chân ruộng này, gia đình chỉ cấy lúa, có vụ bỏ hoang. Cùng lắm thu được 2 tạ thóc, tính ra được hơn triệu bạc cả vốn và công. Trở thành xã viên HTX thấy có nhiều quyền lợi nên vụ này gia đình tôi góp tiếp một sào nữa.

Mạnh dạn hơn là HTX đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng xây dựng 2.500 m2 nhà màng để trồng 5 nghìn cây dưa lưới. Công nghệ nhà màng trong sản xuất nông nghiệp đã được áp dụng ở nhiều nơi trên cả nước nhưng ở huyện Hiệp Hòa đây là mô hình đầu tiên, kinh phí đầu tư tương đối lớn không phải ai cũng có thể mạnh dạn đầu tư. Vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng khung sắt, che chắn kín, có đóng mở cố định hai bên, để khi có gió to lùa vào cửa này sẽ ra ở cửa kia, vừa tránh hiện tượng tốc mái vừa giúp điều hòa không khí bên trong. Tuy chi phí để xây dựng tốn kém nhưng thu lại vốn cũng rất nhanh. 

“Chúng tôi chủ động về điều kiện canh tác chứ không lệ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, khí hậu như trước đây”- ông Nghiệp cho biết. Đáng chú ý, nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tự động theo công nghệ Israel. Phân bón được hòa sẵn trong nước, do đó cây hấp thụ chất dinh dưỡng và nước, không lãng phí mà vẫn đủ nuôi sống cây. Sau 70-75 ngày trồng, dưa cho thu hoạch, trọng lượng trung bình mỗi quả từ 1,7-1,8 kg; sản lượng đạt 6,5 tấn. Dưa được giá, bình quân bán tại vườn từ 35-40 nghìn đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm làm ra được ký kết bao tiêu với các công ty, người dân không phải lo lắng bị ép giá. Theo tính toán, với năng suất, giá bán như hiện nay, sau 2-3 năm, HTX có thể thu hồi vốn và mở rộng thêm nhà màng, nhà lưới.

{keywords}

Khu nhà lưới trồng dưa bao tử xuất khẩu của HTX Đồng Tâm 3.

Tiếp tục mở rộng quy mô

“Giữa sự lẫn lộn rau sạch, rau bẩn như hiện nay thì việc bao tiêu sản phẩm quả là khó khăn. Ông có lo lắng về vấn đề này không?” - Khi tôi đưa ra câu hỏi, ông Nghiệp cho biết sản phẩm HTX làm ra không bán nhỏ lẻ, không tiêu thụ vài cân ở chợ mà toàn bộ được doanh nghiệp ký kết bao tiêu với giá ổn định, “Chúng tôi sản xuất theo đơn đặt hàng nên vấn đề tiêu thụ không đáng lo. Khi tận mắt chứng kiến quy trình chăm sóc, thu hoạch bảo đảm sạch của HTX, doanh nghiệp liên tiếp đặt đơn hàng. Vụ xuân 2018, chúng tôi dự kiến tăng diện tích dưa chuột xuất khẩu lên 20 ha. Mục tiêu lâu dài là sản xuất trên phạm vi toàn xã Thường Thắng với diện tích khoảng 400ha”.

Nhờ mạnh dạn đầu tư, được sự đồng thuận của bà con, HTX Đồng Tâm 3 ra đời bước đầu đã có lợi nhuận, xã viên có thu nhập. Để mở rộng quy mô HTX, thu hút được nhiều bà con tham gia liên kết sản xuất hàng hóa, Giám đốc Nguyễn Văn Nghiệp mong muốn tỉnh, huyện tiếp tục tạo điều kiện, có cơ chế chính sách hỗ trợ để HTX có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất. Tin rằng trong tương lai không xa, với sự tính toán cẩn trọng cùng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phù hợp của Nhà nước và đặc biệt là sự tin tưởng, đồng hành của bà con nông dân, HTX Đồng Tâm 3 sẽ ngày càng phát triển. 

Nông dân có điều kiện thuận lợi làm giàu trên chính đồng ruộng quê hương mình. “Qua mấy vụ sản xuất, mạnh dạn làm và rút kinh nghiệm, tôi nghĩ mình giúp nông dân thực sự bằng cái tâm. Khi có thêm nhiều hộ hăng hái đăng ký tham gia vào HTX thì đó đã là một thành công rồi”- ông Nghiệp chia sẻ thêm.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...