Bắc Giang: 19/03/2024 13:47:49 (GMT+7)
Trang chủ CƠ QUAN CỦA ĐẢNG BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TỈNH BẮC GIANG TIẾNG NÓI CỦA ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Ông Tô Hiến Thành - Nông dân xuất sắc 30 năm đổi mới

09:27 | 12/02/2018

(BGĐT) - Bao lần thất bại tưởng không thể “vực dậy” nhưng ông Tô Hiến Thành, thôn Danh Thượng 2, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) không nản lòng. Nhờ kiên trì vượt khó, giờ đây ông đã trở thành Giám đốc hợp tác xã (HTX) chăn nuôi lợn hữu cơ đầu tiên trong tỉnh có doanh thu hơn chục tỷ đồng mỗi năm. Ông vừa vinh dự được tôn vinh trong chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam 30 năm đổi mới" diễn ra tại Hà Nội.

Ông Tô Hiến Thành, nông dân xuất sắc, 30 năm đổi mới

Ông Tô Hiến Thành (trái) nhận giấy chứng nhận thịt lợn của HTX Trường Thành đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Mô hình lợn hữu cơ duy nhất của tỉnh

Từ trung tâm thị trấn Thắng, qua cung đường uốn lượn quanh những bãi ngô đông xanh ngắt, chúng tôi đến HTX Chăn nuôi Trường Thành - cơ sở nuôi lợn hữu cơ duy nhất trong tỉnh. Bên cỗ máy tách chất thải chăn nuôi chạy rộn ràng, một người đàn ông dáng dong dỏng vận chiếc áo sẫm màu đang hướng dẫn nhóm công nhân thao tác sử dụng. Anh cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa đi cùng hài hước: “Anh Thành- chủ nhân đấy. Lúc nào cũng tất bật, khổ quen rồi, sướng không chịu được”.

Sau màn chào hỏi, người đàn ông tuổi gần lục tuần vui vẻ đưa chúng tôi đi thăm một vòng trang trại. Ấn tượng nhất là chuồng nuôi lợn thương phẩm được trang bị hệ thống nước uống tự động cùng thiết bị sưởi ấm cho vật nuôi, không có mùi hôi như một số cơ sở khác. Ông Thành nói: “Cũng như con người, muốn có sức khỏe tốt phải sống trong môi trường sạch nên tôi chú trọng vệ sinh chuồng trại. Hằng ngày, lợn được tắm sạch sẽ, chuồng nuôi không còn chất thải”. Hiện HTX có 4 trại lợn thương phẩm, mỗi năm xuất bán khoảng 15 nghìn con lợn thịt.

Rời khu chăn nuôi, chúng tôi trò chuyện bên bàn trà. “Vậy điểm khác biệt nhất của lợn hữu cơ là gì?", tôi hỏi. "Đó là quy trình rất khắt khe, phải kiểm soát chặt chẽ giống, thức ăn, giết mổ. Đặc biệt, không sử dụng kháng sinh và chất tăng trọng trong chăm sóc. Thông thường, mỗi lứa lợn của HTX nuôi trong 7 tháng, thời gian dài gấp đôi so với phương pháp thông thường", ông Thành trả lời. Cũng chính vì lẽ đó, trong những thời điểm giá thịt lợn rẻ như cho thì thịt lợn của HTX vẫn bán bình quân 200 nghìn đồng/kg.

Ông Tô Hiến Thành, nông dân xuất sắc, 30 năm đổi mới

Một số sản phẩm của HTX Trường Thành.

“Ba chìm, bảy nổi” dựng nghiệp

Ông Tô Hiến Thành, nông dân xuất sắc, 30 năm đổi mới

Trước kia khổ lắm, tôi mang từng bịch thịt bảo quản lạnh ra Hà Nội chào hàng mà chẳng siêu thị nào tiếp. Có hôm cả chục cân thịt quá hạn phải bỏ đi. Đến nay thịt lợn hữu cơ Trường Thành đã có chỗ đứng trên thị trường.


Ông Tô Hiến Thành

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi thường xuyên bị đứt quãng bởi những cú điện thoại của khách hàng. Dứt một cuộc điện thoại, ông Thành tiếp: “Trước kia khổ lắm, tôi mang từng bịch thịt bảo quản lạnh ra Hà Nội chào hàng mà chẳng siêu thị nào tiếp. Có hôm cả chục cân thịt quá hạn phải bỏ đi. Sau bao ngày kiên trì, đi bán lẻ từng nhà, rồi gửi một số quầy bán với giá khuyến mại, đến nay thịt lợn hữu cơ Trường Thành đã có chỗ đứng trên thị trường”. Thành công này là do các thành viên HTX mạnh dạn chọn hướng đi mới. Năm 2010, trong khi người dân chỉ chú ý đến số lượng đàn vật nuôi thì ông Thành bắt tay vào chăn nuôi theo quy trình hữu cơ. Sau hơn 6 năm bám trụ, đầu năm 2017, thịt lợn của HTX được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, đây cũng là cơ sở đầu tiên và duy nhất của tỉnh hiện nay.

Trò chuyện với chúng tôi, trên gương mặt ông chủ trang trại vẫn không giấu nổi nét ưu tư khi nhớ lại những ngày tháng lập nghiệp đã qua. Chẳng là, yêu thích công việc nhà nông và muốn gần người thân, năm 2000, đang công tác tại Sở Nông nghiệp và PTNT Hòa Bình, ông xin nghỉ việc về quê làm trang trại. Hồ hởi trồng hơn 3 ha dứa Cayen, khi sản phẩm được thu hoạch cũng là lúc doanh nghiệp thông tin không thu mua nữa. Nhìn những quả dứa chín vàng ươm chất cao như núi mà lòng đắng ngắt. “Cực chẳng đã”, ông thuê máy phay phá bỏ toàn bộ diện tích dứa, bán căn nhà hai tầng và vay thêm người thân để trả nợ.

“Thua keo này, bày keo khác”, thanh hao hoa vàng là cây trồng tiếp theo thế chỗ đất dứa. Sản phẩm cũng không có đầu ra, tất cả lại làm phân xanh. Nhắc đến đây, “lão nông” nhìn xa xăm, chia sẻ: “Lúc đó tôi buồn lắm và tự hỏi sao ông trời dành lắm thử thách với mình vậy. Chán nản, tôi vào Đồng Nai làm thuê cho một trang trại nuôi lợn”. Sau ba tháng xa nhà, năm 2002, ông trở về quê lập nghiệp. Khi đó, tài sản trống rỗng nên để có vốn làm lại từ đầu, ông vận động người thân thế chấp “sổ đỏ” đầu tư nuôi lợn nái. Từ vài con, quy mô đàn lợn dần lên hàng nghìn con. Kiên trì cùng bản lĩnh vượt khó, đến nay ông đã thành công. HTX do ông đứng đầu có doanh thu đạt hơn 15 tỷ đồng/năm.

Giữ vững chất lượng

Một số thành tích nổi bật của ông Tô Hiến Thành:

• Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 2012-2016.

• Thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Cựu chiến binh “Sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2010 - 2015.

• Bằng khen của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam năm 2017.

Mỗi ngày HTX Trường Thành cung cấp hơn một tấn thịt lợn hữu cơ cho thị trường. Trong đó, 14 trường học tại huyện có bếp ăn bán trú cho học sinh, HTX chỉ bán bằng giá thành. HTX còn chế biến thịt với đủ các loại giò, chả, nem, thịt sấy khô, xúc xích, được người tiêu dùng ưa chuộng. Giới thiệu cho khách về sản phẩm đóng gói trong môi trường hút chân không, ông Thành bật mí về dự định kinh doanh trong thời gian tới. Trước nhu cầu thực tế, HTX tiếp tục mở rộng quy mô nhưng đi từng bước chắc chắn, thận trọng.

Theo ông Thành, làm nghề này phải có tâm, nếu chỉ chạy theo lợi nhuận mà trà trộn sản phẩm kém chất lượng vào sẽ không giữ được chữ tín với khách hàng. Xuất phát từ điều này, HTX đang khảo sát và lựa chọn những người chủ thực sự tâm huyết. Dự kiến tập huấn, hướng dẫn 10 trại lợn vệ tinh để liên kết, cung cấp sản phẩm; tiếp tục mở rộng kênh tiêu thụ. Ngoài thị trường Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Nội, HTX đặt một điểm bán hàng tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 (TP Hồ Chí Minh). Mới đây, ông Thành cũng đàm phán, chuẩn bị ký đơn hàng mới với một doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm cao cấp tại Trung Quốc, Nhật Bản.

Chia tay khách bằng cái bắt tay thật chặt, ấm áp, ông Thành trăn trở nói: “Qua thực tế khởi nghiệp của bản thân, tôi thấy việc vay vốn rất khó khăn. Mong rằng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cần có cơ chế, chính sách linh hoạt hơn, tiếp sức cho người dân phát triển kinh tế”.

Trịnh Lan

Ông Tô Hiến Thành, nông dân xuất sắc, 30 năm đổi mới
 
Bình luận mới vừa được thêm vào. Click để xem
Mới nhấtHay nhấtXếp theo:
 
 
 
 
 
     
 

TIN MỚI NHẤT CÙNG CHUYÊN MỤC

 
Địa danh Hiệp Hòa
  • Thị trấn: Thắng
  • Xã: Bắc Lý • Châu Minh • Đại Thành • Danh Thắng • Đoan Bái • Đông Lỗ • Đồng Tân • Hòa Sơn • Hoàng An • Hoàng Lương • Hoàng Thanh • Hoàng Vân • Hợp Thịnh • Hùng Sơn • Hương Lâm • Lương Phong • Mai Đình • Mai Trung • Ngọc Sơn • Quang Minh • Thái Sơn • Thanh Vân • Thường Thắng • Xuân Cẩm
Thông tin liên hệ Tòa soạn

Chuyên trang có sự phối hợp cùng UBND huyện Hiệp Hòa


© Bản quyền thuộc Báo Bắc Giang. Địa chỉ: Số 49 Nguyễn Văn Cừ - TP Bắc Giang - Tỉnh Bắc Giang.
@ Tổng Biên tập: Trịnh Văn Ánh - Tòa soạn ĐT:84.0204.3856624
Email: toasoanbbg@gmail.com
Giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử số 605/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 29/12/2022.
® Đề nghị ghi rõ nguồn "Báo Bắc Giang điện tử"khi phát hành lại thông tin từ website này.

Mạng xã hội