Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Hiệp Hòa >> Nhịp sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Liên kết cùng khởi nghiệp

Cập nhật: 09:12 ngày 07/04/2017
(BGĐT) - Nhiều bạn trẻ ở xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã có sự liên kết chặt chẽ thông qua mô hình hợp tác xã (HTX) thanh niên để giúp nhau khởi nghiệp và bước đầu mang lại thành công.
{keywords}

Trang trại chăn nuôi lợn của anh La Văn Thành.

Anh La Văn Quỳnh (SN 1981) từ lâu được nhiều người biết đến với mô hình kinh tế cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Vốn là kỹ sư nông nghiệp, khi về quê, anh Quỳnh hăng hái tham gia hoạt động của địa phương. Anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã và mới đây là Phó Chủ tịch HĐND xã Lương Phong, trở thành một trong những cán bộ trẻ trong hàng ngũ lãnh đạo cấp xã. Bên cạnh công tác xã hội, anh tích cực làm kinh tế. 

Bắt đầu từ năm 2008, anh Quỳnh đầu tư chăn nuôi quy mô lớn. Hiện trang trại chăn nuôi khoảng 1.500 con lợn và duy trì hiệu quả cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm gia đình anh đạt doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó, từ chăn nuôi lợn đạt khoảng 1 tỷ đồng.  

{keywords}

Mô hình thành lập HTX chăn nuôi của thanh niên Lương Phong là hướng đi phù hợp, hiệu quả, được coi là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế địa phương. Hình thức này sẽ liên kết được những người có cùng mục đích, hỗ trợ nhau để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, quản lý được các yếu tố quan trọng trong chăn nuôi như: Con giống, thức ăn, thuốc thú y…” .


Ông Trần Quang Hán, Chủ tịch UBND xã Lương Phong.

Trước đây, hoàn cảnh gia đình anh La Văn Thành (SN 1978) rất khó khăn. Ngôi nhà cũ mấy chục năm đã xuống cấp nhưng không có điều kiện xây mới. Ngoài mấy sào ruộng, vợ chồng anh chỉ biết nuôi mấy con lợn “cỏ” để có thêm thu nhập chứ chưa bao giờ dám nghĩ làm ăn lớn. 

Cách đây hai năm, anh Quỳnh tới nhà anh Thành động viên, tư vấn cách chọn con giống, thức ăn, phòng ngừa dịch bệnh và đặc biệt là mở rộng hệ thống chuồng trại bảo đảm vệ sinh, tạo điều kiện cho đàn lợn phát triển. Anh Quỳnh còn hỗ trợ anh Thành về con giống và thức ăn chăn nuôi, đến khi xuất chuồng mới thu hồi vốn, không tính lãi. Hiện anh Thành nuôi hơn 200 con lợn/lứa, mỗi năm đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng. “Cuộc sống gia đình tôi đã được cải thiện rất nhiều, có điều kiện xây dựng nhà mới. Nếu không có sự giúp đỡ của anh Quỳnh thì chắc tôi không dám làm và không có được ngày hôm nay”, anh Thành tâm sự.

Từ hiệu quả của những mô hình trên, nhiều bạn trẻ trong xã đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Đồng thời nhận thấy những thuận lợi của việc liên kết trong sản xuất, 18 thanh niên cùng nhau thành lập (HTX) Chăn nuôi vận tải và du lịch Tuấn Quỳnh. HTX ra đời vào cuối tháng 10-2016, trong đó, hầu hết xã viên đều đầu tư chăn nuôi, hộ nuôi ít nhất khoảng 100 con lợn, hộ nhiều khoảng 600 con. Hội đồng quản trị HTX phân công nhiệm vụ cho từng xã viên: Người phụ trách khâu giống, người phụ trách vật tư, người kiểm soát mảng thú y, người lo vận chuyển… trở thành một vòng khép kín để bảo đảm hỗ trợ nhau kịp thời, giảm chi phí đầu vào, nâng cao lợi nhuận cho HTX và mỗi xã viên.

Theo Chủ tịch HĐQT HTX La Văn Quỳnh, việc thành lập HTX không chỉ tạo vị thế mới, bảo đảm tương trợ lẫn nhau mà còn giúp các xã viên có thêm cơ hội tiếp cận đồng vốn ngân hàng, gắn kết với các đối tác cung cấp hàng hóa, thức ăn chăn nuôi, ổn định giá đầu ra, đầu vào, kiểm soát tốt dịch bệnh. Tổng lợi nhuận của tất cả các xã viên ước đạt khoảng 6-7 tỷ đồng/năm. HTX đang có kế hoạch xây dựng cơ sở giết mổ để cung cấp cho thị trường sản phẩm thịt lợn sạch trong thời gian tới. Đây là một mô hình được Tỉnh đoàn Bắc Giang đánh giá cao về tính sáng tạo, chủ động trong khởi nghiệp của thanh niên nông thôn.

Nguyễn Trường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...