Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Hiệp Hòa >> Nhịp sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kinh nghiệm dồn điền, đổi thửa ở xã Quang Minh: Bảo đảm công bằng về quyền lợi

Cập nhật: 09:26 ngày 11/05/2017
(BGĐT) - Trong khi tiến độ dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) ở một số nơi còn chậm do người dân chưa đồng thuận thì xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) lại có cách làm hay, bảo đảm công bằng về quyền lợi nên tạo được sự thống nhất cao.
{keywords}

Cánh đồng lúa chất lượng tại thôn Hương Thịnh, xã Quang Minh.

Là xã thuần nông, hơn hai năm về trước, đồng ruộng của bà con xã Quang Minh vẫn manh mún, nhỏ lẻ khó canh tác. Làm gì để thuận lợi trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân là bài toán luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền nơi đây quan tâm. Theo đó, năm 2015, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về DĐĐT. 

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, xã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) và chọn hai thôn Phú Cốc, Hương Thịnh có đồng ruộng bằng phẳng để thực hiện. Tại các thôn cũng thành lập tiểu ban DĐĐT. Thế nhưng, "vạn sự khởi đầu nan", khi triển khai phương án dồn đổi ruộng không phải hộ dân nào cũng đồng thuận vì lo ngại sẽ mất đi những ruộng "đẹp".

Xã Quang Minh và thôn Phú Cốc được UBND huyện khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động người dân dồn đổi ruộng, phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Để “hóa giải” những trăn trở trên, ngoài tuyên truyền qua loa truyền thanh của xã, các thành viên BCĐ xã, tiểu ban thôn cùng các ban, ngành đoàn thể đến từng hộ vận động, giải thích cho người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc dồn đổi ruộng. Đồng thời khuyến khích đội ngũ đảng viên gương mẫu đi đầu, vận động người thân cùng thực hiện. Ông Hoàng Văn Nhượng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xác định việc đồn đổi ruộng gắn liền với quyền lợi của các hộ, xã chỉ đạo các thôn họp chi bộ, họp thôn, phát phiếu lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, nhân dân về phương án DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng".  

Đặc biệt, việc bảo đảm công bằng về lợi ích của nông dân luôn được chú trọng. Theo đó, công tác đo đạc, rà soát diện tích đất nông nghiệp để hoàn chỉnh phương án giao ruộng cho các hộ được thực hiện công khai, có sự tham gia của người dân. Tổ chức cho người dân bốc thăm chọn ruộng qua hai vòng để mỗi hộ đều có một thửa ruộng thuận lợi canh tác ở gần bờ vùng, gần kênh mương và một thửa ở giữa đồng. 

Với cách làm đó, một số hộ ban đầu còn băn khoăn đã đồng thuận tham gia. Năm 2015 và 2016, thôn Phú Cốc và Hương Thịnh dồn đổi được gần 100 ha, khoảng nửa diện tích đất canh tác toàn xã. Mỗi hộ hiện chỉ còn từ 1-2 thửa, giảm 9-10 thửa so với trước. 

Khi dồn đổi ruộng, xã vận động mỗi hộ hiến hơn 20 m2 đất để tạo điều kiện cho các thôn chỉnh trang đồng ruộng như đắp lại bờ vùng, mở rộng lên 5-6 m, bờ thửa rộng 2 m; nạo vét, xây mới kênh mương phục vụ sản xuất. Ông Vũ Văn Trọng, thôn Hương Thịnh thông tin: “Sau khi dồn ruộng, người dân có thể thuê máy làm đất, máy gặt, giảm chi phí. Đồng thời các hộ không còn phải lấy nước qua nhiều thửa vất vả như trước. Một số giống lúa hàng hóa như: Hương thơm số 1, Bắc thơm được người dân đưa vào canh tác, năng suất đạt cao hơn giống cũ khoảng 30 kg/sào”. 

Riêng thôn Phú Cốc còn liên kết với doanh nghiệp ở tỉnh Hải Dương trồng ngô ngọt thay thế ngô thương phẩm ở vụ đông, thu lãi 1,3 triệu đồng/sào, cao gấp đôi so với ngô thương phẩm trước đây. Nhờ vậy, năm 2016, giá trị thu nhập mỗi ha đất canh tác toàn xã đạt 100 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với năm 2014 khoảng 20 triệu đồng/ha.

Thu nhập nâng lên, người dân có điều kiện đầu tư XDNTM. Xã hiện đạt 15/19 tiêu chí và dự kiến về đích NTM vào năm nay theo đúng kế hoạch.

Hải Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...