Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Hiệp Hòa >> Nhịp sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cuộc sống mới ở ATK Hiệp Hòa

Cập nhật: 16:36 ngày 18/08/2017
(BGĐT) - 16 xã an toàn khu (ATK) huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng năm xưa. Nơi đây từng che chở, nuôi giấu nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước thời kỳ hoạt động bí mật. Hôm nay, vùng quê này đã và đang từng ngày thay da đổi thịt, đời sống người dân khấm khá hơn.
{keywords}

Tuyến đường nối đường 296 với đường 295 qua các xã Mai Trung, Xuân Cẩm, Hương Lâm, Bắc Lý được mở rộng từ nguồn vốn chương trình 135, ATK.

Diện mạo mới

Đến xã Xuân Cẩm những ngày đầu tháng Tám, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay, trù phú của vùng đất này. Đây là một trong 16 xã ATK từng ghi nhiều chiến công. Tại đình làng Xuân Biều, ngày 12-3-1945 diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trong tỉnh, đồng thời cũng là nơi mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám trong toàn quốc. 

Cụ Ngô Đình Kế (SN 1922), thôn Xuân Biều, người trực tiếp tham gia kháng chiến năm xưa kể: "Trước kia, đời sống người dân rất khó khăn, đất ruộng ven đê, quanh năm ngập úng, khó canh tác, cái đói đeo bám từng nhà. Sống đến ngày hôm nay, tôi thấy tự hào khi được chứng kiến sự đổi thay của quê hương. Cuộc sống ấm no, nhiều nhà tầng xây dựng kiểu cách, đường làng ngõ xóm phong quang sạch đẹp...".

Vốn hiếu học, khi cuộc sống đủ đầy, người dân nơi đây lại càng chăm chỉ đèn sách nên tính riêng thôn Xuân Biều có 12 giáo sư, tiến sĩ. Người dân thực hiện tốt hương ước của làng, nhiều năm liền được công nhận làng văn hóa cấp huyện. Để có ngày hôm nay, bao thế hệ người dân nơi đây một lòng theo Đảng, sẵn sàng hy sinh giành độc lập dân tộc, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng quê hương.

Phát huy truyền thống cách mạng, người dân địa phương không ngừng vượt khó vươn lên làm giàu. Theo ông Ngô Khắc Tình, Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm, từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ nay người dân nơi đây có những cánh đồng mẫu lớn, mô hình chăn nuôi hiện đại cho năng suất, thu nhập cao. Xã có hơn 600 hộ sản xuất, kinh doanh mộc, giải quyết việc làm cho gần 3 nghìn lao động với thu nhập bình quân hơn 20 triệu đồng/người/ tháng. Tiêu biểu như gia đình ông La Văn Lịch, thôn Vân Xuyên. Xưởng mộc của gia đình ông tạo việc làm cho 5 lao động, chuyên sản xuất đồ gia dụng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu mang lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Nhờ kinh tế khá, người dân đóng góp tiền của, công sức xây dựng công trình phúc lợi, đưa Xuân Cẩm về đích nông thôn mới sớm của huyện.

Không chỉ Xuân Cẩm, các xã ATK của huyện Hiệp Hòa cũng có sự thay đổi trong phát triển KT-XH. Điển hình như xã Mai Trung có diện tích lớn nhất huyện, thu nhập chính của người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp nên xã tập trung cao cho ngành kinh tế này. Mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, xã đã xây dựng 2 cánh đồng mẫu lớn, chuyên canh 2 vụ lúa, 1 vụ rau màu; áp dụng cơ giới hóa, giảm sức lao động cho năng suất cao. Những lúc nông nhàn, nhiều người dân trong xã còn tranh thủ sang Bắc Ninh làm thuê. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, đạt 22 triệu đồng/năm.

{keywords}

Đền Soi, làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân - nơi Trung ương Đảng tổ chức các lớp huấn luyện quân sự thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ảnh: Đỗ Quyên.

Đầu tư phát triển toàn diện

Hiện toàn huyện xây dựng được 27 cánh đồng mẫu lớn (23 cánh đồng lúa, 4 cánh đồng rau màu), trong đó 11 cánh đồng có liên kết sản xuất, mang lại thu nhập cao. Hiệp Hòa phấn đấu đến năm 2020 có 2/3 số xã với 90% số thôn đạt tiêu chí nông thôn mới.

Ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ khi 16 xã của huyện được công nhận là ATK, địa phương có thêm điều kiện, nguồn kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. 5 năm qua, từ nguồn vốn chương trình ATK và 135, huyện được thụ hưởng hơn 75 tỷ đồng. Số tiền này được đầu tư xây dựng các công trình điện, đường, trường, thủy lợi, nhà văn hóa, trạm y tế và các mô hình kinh tế tư nhân, tập thể. Người dân các xã đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Hàng nghìn hộ hiến đất làm công trình phúc lợi. Hầu hết các tuyến giao thông đều được cứng hóa, đường làng ngõ xóm phong quang. Cuộc sống của người dân các xã ATK có sự cải thiện, thu nhập bình quân đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm; huyện đạt bình quân 14 tiêu chí nông thôn mới/xã.

Nhờ nguồn vốn chương trình 135 và ATK, nhiều công trình hạ tầng của xã Hoàng Lương được đầu tư xây dựng. Hiện nay các thôn đều có nhà văn hóa khang trang, thuận lợi cho hội họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Bà Nguyễn Thị Lương, thôn Linh Giang phấn khởi: “Từ khi có nhà văn hóa mới, người dân trong thôn thành lập đội bóng chuyền hơi, góp tiền mua lưới, bóng chơi hằng ngày. Không chỉ rèn luyện sức khỏe, sân chơi thể thao tại nhà văn hóa còn góp phần làm cho tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt”.

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, các điểm di tích ATK cũng được giữ gìn, tôn tạo nhằm tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và thu hút khách du lịch về vùng đất này. 14 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia được tu bổ, khôi phục lại hiện trạng như: Di tích lăng Bầu đá, Nhà lưu niệm Bác Hồ (Xuân Cẩm), đình Đông Trước (Mai Đình), đình Hạc Lâm (Hương Lâm), đình Vân Xuyên, đền Soi làng Vân Xuyên (Hoàng Vân), đình Xuân Biều (Xuân Cẩm)... Công trình góp phần làm đẹp cảnh quan, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ vùng ATK.

Thời gian tới, huyện Hiệp Hòa chủ trương lồng ghép các nguồn vốn tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục tại các xã ATK, trong đó chú trọng phát triển các loại hình du lịch văn hoá, sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống vùng quê cách mạng.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...