Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Hiệp Hòa >> Nhịp sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích An toàn khu II huyện Hiệp Hòa”

Cập nhật: 18:23 ngày 31/08/2017
(BGĐT) - Ngày 31 - 8, tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích An toàn khu II (ATK II) huyện Hiệp Hòa”. 

{keywords}

Quang cảnh hội thảo.

Dự hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đình Thành; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; Thiếu tướng, Tiến sĩ Vũ Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; đông đảo nhà khoa học, quản lý, nghiên cứu trong và ngoài tỉnh; lãnh đạo huyện Hiệp Hòa, đại diện các gia đình, dòng họ có công với cách mạng. 

Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện những giá trị tiêu biểu của hệ thống di tích ATK II, kết quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích thời gian qua, đồng thời đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Đây còn là cơ sở chuẩn bị cho việc xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với các di tích ATK II trong thời gian tới. 

Theo báo cáo đề dẫn, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hoạt động bí mật của Đảng ta liên tục bị thực dân Pháp khủng bố, gây tổn thất lớn. Thực tế đó đặt ra vấn đề cấp bách là phải nhanh chóng phát triển lực lượng cách mạng vững mạnh, bảo vệ lực lượng an toàn. Từ đầu năm 1943 T.Ư Đảng đã xây dựng ATK II trên địa bàn các xã giáp ranh 3 huyện: Hiệp Hòa (Bắc Giang), Phổ Yên, Phú Bình (Thái Nguyên). Trong đó, huyện Hiệp Hòa có vai trò trọng yếu bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não, cán bộ chủ chốt của Đảng, góp phần cùng nhân dân cả nước đứng lên tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. 

Tại đây còn nhiều di tích gắn với thời kỳ cách mạng tiền khởi nghĩa. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 16 xã của huyện Hiệp Hòa là ATK II của T.Ư Đảng thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ đó đến nay, có 21 di tích thuộc 16 xã được tu bổ, tôn tạo với số tiền hơn 8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. 

Hơn 50 tham luận tại hội thảo đã tập trung đánh giá, làm sáng tỏ thêm vị trí chiến lược quan trọng của vùng ATK II Hiệp Hòa đối với phát triển KT-XH và an ninh, quốc phòng. Phân tích ý nghĩa, giá trị nổi bật của hệ thống di tích liên quan, qua đây gợi mở, đề xuất một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ di tích. 

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, ngành văn hóa Bắc Giang cần quan tâm xây dựng phim tài liệu ngắn, in tài liệu, tờ gấp nhằm quảng bá rộng rãi di sản, đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ, cắm mốc chỉ giới, biển chỉ dẫn, sa bàn và kết nối liên hoàn, tổng thể với các di tích trong và ngoài tỉnh nhằm phát triển mô hình du lịch “về nguồn” gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hình thức du lịch trên sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu được kết nối với Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và xây dựng nông thôn mới. Một số ý kiến cũng kiến nghị ngành văn hóa tỉnh và huyện Hiệp Hòa tiếp tục sưu tầm tư liệu, hiện vật bổ sung và nâng cấp Nhà trưng bày truyền thống ATK II nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu nghiên cứu, tham quan, học tập của nhân dân. Kiện toàn bộ máy quản lý di tích, quan tâm quy hoạch tổng thể và các dự án tu bổ, tôn tạo di tích ATK II trên cơ sở tuân thủ các quy định của Luật Di sản Văn hóa và gắn với các nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương; kết hợp công nghệ nghe nhìn hiện đại để thu hút giới trẻ tìm hiểu, trải nghiệm. 

                                                                     Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...