Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Hiệp Hòa >> Nhịp sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trở lại An toàn khu II

Cập nhật: 10:29 ngày 01/02/2018
(BGĐT) - Giữa tiết đông, tôi có cơ duyên trở lại Hiệp Hòa. Lần trước vào cuối năm 2012, tôi cùng mấy đồng nghiệp về thăm khi 16 xã phía Tây Bắc của huyện được Nhà nước công nhận An toàn khu II (ATK II) của T.Ư Đảng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp. Mỗi lần về thăm mảnh đất này, trong tôi lại có những dự cảm, ấn tượng riêng.
{keywords}

Một góc thị trấn Thắng - Đô thị loại III trong tương lai. Ảnh: Anh Tuấn.

Quả là danh bất hư truyền! Trên mảnh đất khoa bảng thuộc vùng Việt cổ- quê hương của 18 vị Tiến sĩ thời Nho học- còn có biết bao di tích, địa danh gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng và kháng chiến cứu nước của dân tộc. Chỉ nói riêng xã Hoàng Vân đã có ba di tích được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Đó là đình Lạc Yên, đình Vân Xuyên, nơi diễn ra các cuộc mít tinh lớn, tập trung lực lượng quần chúng đấu tranh chính trị và vũ trang với địch. Ngày 1-6-1945, tự vệ Hoàng Vân và Vân Xuyên cùng lực lượng vũ trang tỉnh tập trung ở đình Vân Xuyên tiến hành khởi nghĩa cướp chính quyền thành công ở Hiệp Hòa, trở thành huyện được giải phóng sớm nhất trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Ba ngôi nhà gỗ của các cụ Ngô Văn Đông (Lý Đông), Ngô Văn Thấu (Đồ Ba) và Nguyễn Văn Chế (Hựu) là những cơ sở cách mạng đầu tiên của ATK II Hiệp Hoà.

Cảnh cũ, người xưa

Lần ấy lên Hiệp Hòa, tôi may mắn được gặp và hỏi chuyện một nhân vật đã được ghi trong cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hiệp Hòa: “Ngày 19-11-1942, T.Ư mở lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ các tỉnh tại nhà anh Chế (tức Hựu). Đồng chí Trường Chinh- Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp giảng bài. Khoảng 4 giờ sáng 21-11, địch ập đến bất ngờ. Đồng chí Trường Chinh khéo léo thoát khỏi vòng vây. Ra đến bờ sông Cầu, đồng chí được hai bố con ông Lịnh đang đánh cá nhanh chóng ngụy trang và chở qua sông an toàn. Hôm đó, một số học viên và gia đình cơ sở bị địch bắt. Chúng tra khảo bằng roi da và máy quay điện rất dã man, nhiều người chết đi sống lại mấy lần, nhưng không ai khuất phục, khai báo...".

Cha con người đánh cá cứu đồng chí Trường Chinh năm ấy là ông Trương Văn Lịnh và cô con gái Trương Thị Vịnh, tên thường gọi hồi nhỏ là Xoay. Ông Lịnh mất đã lâu, nhưng người con gái vẫn còn. Năm đó cụ Trương Thị Vịnh 84 tuổi, sống với vợ chồng người con trai thứ sáu... Tiếp chuyện chúng tôi, cụ kể rành rọt: “Câu chuyện cứu ông cán bộ bị địch truy đuổi hôm ấy, cha con tôi sống để dạ chết mang theo, không hé với ai nửa lời. Bỗng đâu sau ngày hòa bình, có người trên tỉnh mang giấy về cho xã, nói bố con tôi là những người có công cứu ông Trường Chinh, cán bộ T.Ư. Một thời gian sau lại có người cấp trên về nói ông Trường Chinh cho đón tôi lên Hà Nội chơi. Năm ấy tôi đã ngoài ba mươi tuổi, đã có chồng con. Ông Trường Chinh gọi tôi bằng em và xưng anh. Thế là từ đó tôi cứ gọi là anh Trường Chinh. Sau ngày bố tôi mất, anh Trường Chinh có về thăm xóm Đá, trồng cây lưu niệm ngoài xã...

{keywords}

Năm 2017, toàn huyện có thêm 8 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng số vốn gần 3 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Việt Hưng.

Vững bước đi lên

Tròn 5 năm mới trở lại Hiệp Hòa, ấn tượng về một miền quê văn hiến và anh hùng lại ùa về, xen trộn với những cảm xúc mới mẻ về một vùng đất đang chuyển mình mạnh mẽ. Hiệp Hòa nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây của tỉnh, ba bề tiếp giáp với ba trung tâm công nghiệp lớn là Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội và là cửa ngõ giao lưu kinh tế- văn hóa của tỉnh Bắc Giang với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Nhắc lại điều đó để nhớ rằng “tạo hóa” đã ban tặng cho Hiệp Hòa một vị thế hết sức đắc địa để phát triển. Tuy nhiên tôi vẫn không khỏi xuýt xoa trước những thay đổi nhanh chóng của Hiệp Hòa. Đến nay, toàn huyện có 7 cụm công nghiệp được thành lập, xây dựng và đi vào hoạt động với tổng diện tích mặt bằng hơn 320 ha, hai phần ba số diện tích ấy đã được “lấp đầy”. Chỉ riêng năm 2017, đã có thêm 8 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng số vốn gần 3 nghìn tỷ đồng, nâng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất và kinh doanh trên toàn huyện lên 385, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Tròn 5 năm mới trở lại Hiệp Hòa, ấn tượng về một miền quê văn hiến và anh hùng lại ùa về, xen trộn với những cảm xúc mới mẻ về một vùng đất đang chuyển mình mạnh mẽ. Thì ra, “tạo hóa” đã ban tặng cho Hiệp Hòa một vị thế hết sức đắc địa để phát triển.

Thời sự nhất là câu chuyện huyện đang phấn đấu xây dựng và phát triển huyện nhà thành Đô thị loại III theo định hướng trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.  Cũng cần nói thêm, trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở hạ tầng và các khu chức năng đô thị đã được huyện quan tâm đầu tư, làm cơ sở để thị trấn Thắng và vùng phụ cận đã được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Theo Đề án Quy hoạch chung Đô thị Hiệp Hòa, khu vực sẽ phát triển thành nội thị của Đô thị Hiệp Hòa bao gồm thị trấn Thắng và 12 xã phụ cận với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 12 nghìn ha, chiếm gần 60% diện tích tự nhiên toàn huyện...

Tôi chưa có dịp tham quan các điển hình về tốc độ phát triển ở nhiều địa phương, nhưng ấn tượng nhất của tôi ở Hiệp Hòa là trong khi phấn đấu để “lên hạng” về đô thị, huyện hết sức coi trọng khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa, coi đó như là “bản sắc” của nông thôn hiện đại. Nhờ thế, mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp- xây dựng và giảm dần tỷ trọng các ngành nông- lâm-thủy sản nhưng Hiệp Hòa lại là một “điểm sáng” về các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Và một trong những mô hình tiên tiến ấy là ông Tô Hiến Thành, Giám đốc HTX chăn nuôi Trường Thành, người vừa được tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới”.

Thật tiếc là lần này lên Hiệp Hòa tôi không gặp được ông chủ của HTX ấy vì một hợp đồng làm ăn lớn đã kéo ông vào TP Hồ Chí Minh từ hai hôm trước. Nhìn vẻ mặt tiếc rẻ của tôi, Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Thịnh động viên: Hiệp Hòa còn mấy mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang phát triển rất khá. Chẳng hạn HTX Hoàng Lương chuyên canh rau cần, xuất khẩu sang tận Hàn Quốc để làm món Kim chi nổi tiếng. Bưởi Diễn của HTX Lương Phong chinh phục thị trường Hà Nội. Gạo nếp cái hoa vàng của HTX Thái Sơn đã được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận bảo hộ độc quyền... Đến nay, huyện có 10 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Vậy là, trong lúc theo đuổi mục tiêu “Đô thị loại III”, sản xuất nông nghiệp vẫn được xác định là ngành kinh tế quan trọng đối với Hiệp Hòa. Chủ tịch Phạm Văn Thịnh diễn giải: Với vị trí nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ sáu chục cây số, Hiệp Hòa có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp sạch và nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Trên nền sản xuất ấy, huyện có thể kết hợp phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái cung cấp cho thị trường Hà Nội và vùng phụ cận. Về lĩnh vực này, có thể kể thêm 687 di tích lịch sử- văn hóa đã được tỉnh và T.Ư xếp hạng; ngoài ra còn có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể với hơn 80 lễ hội cũng là một tiềm năng du lịch rất phong phú và hấp dẫn...

Thực tình, khi đăng ký làm việc với Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Thịnh, tôi đã sắp sẵn mấy câu hỏi về công cuộc cải cách hành chính ở huyện nhà, nhưng rồi câu chuyện “nông nghiệp sinh thái” trên đường đô thị hóa của Hiệp Hòa đã khiến tôi quên mất...

Ghi chép của Mai Nam Thắng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...