(BGĐT) - Kẻ Cấu (Kẻ Cáu), theo tên cổ “kẻ” là người, cấu là địa danh. Xưa, Kẻ Cấu gồm các tên cổ là: Kẻ Vẹ, Kẻ Lẻ, Kẻ Hược, Kẻ Hiên. Sau này được gọi là người xóm Hiên, Chùa, Trại, Hàng (Hược), Cả. Xóm Cả lớn nhất nên Kẻ Cấu được lấy làm tên làng. Kẻ Cấu bây giờ là làng Hương Câu, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).
Tục xưa kể rằng, vào đầu thiên niên kỷ thứ II thuộc triều đại nhà Lý, quân Tống xâm lược nước ta. Lý Thường Kiệt đem quân đến bờ Nam sông Như Nguyệt (sông Cầu) lập phòng tuyến chặn bước tiến của giặc. Bấy giờ ở hương Vẫn Mẫu, quận Vũ Ninh, xứ Kinh Bắc có chàng trai tên là Đương Giang, học giỏi, đỗ cao, tài ba thao lược, được vua Lý giao chỉ huy sứ đại tướng quân làm tiên phong dẫn đội quân tinh nhuệ vượt sông Như Nguyệt sang bờ Bắc, đóng quân tại trang Kẻ Cấu, nơi đây thuận lợi cho việc quân cơ.
Với lòng yêu nước nồng nàn, người dân Kẻ Cấu đã tuyển trọn được 320 trai đinh của làng xin đầu quân cùng tướng Đương Giang chống giặc. Khi quân giặc tiến sát bờ sông, từ phía bờ Nam, Lý Thường Kiệt đọc bài thơ thần “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư...” và cử quân đánh sang phía Bắc, quân Đương Giang từ trang Kẻ Cấu đánh xuống, quân Tống chết như ngả rạ. Đất nước yên bình, tướng Đương Giang được triều đình phong là thành hoàng làng Hương Câu - 320 trai đinh cũng được tôn thờ tại đình làng.
Hằng năm, vào dịp tháng Giêng, lệ làng được tổ chức từ ngày mồng 4 đến hết mồng 7. Lễ tế thành hoàng bao giờ cũng kèm theo 320 chiếc bánh giầy thờ 320 nghĩa sĩ của làng cùng Đương Gia đánh giặc. Bánh thờ do 4 giáp của làng thi giã, mỗi giáp 80 chiếc, mỗi chiếc làm từ một đấu gạo nếp cái hoa vàng. Các giáp giã xong được rước ra đình, Hội đồng tộc biểu đại diện cho làng chấm thi. Những chiếc bánh được chọn làm bánh thờ xếp vào mâm giàng - mâm gỗ to bằng chiếc nia, sao cho xếp đủ 80 chiếc. Những chiếc bánh bị loại ra thuộc giáp nào thì giáp ấy bị phạt.
Sau lễ tế thành hoàng tại sân đình, làng mở hội với nhiều trò chơi như: Vật cầu, kéo chứ, vật dân tộc, kéo co, kéo lửa nấu cơm, thi giã bánh giầy, làng xóm tưng bừng náo nhiệt. Đô vật các nơi nô nức về dự giải.
Ngô Văn Trụ