Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đại biểu nhân dân với cử tri
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiếp tục phiên chất vấn và bế mạc kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII

Cập nhật: 14:47 ngày 11/07/2019
(BGĐT) - Sáng nay (11-7), các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục chất vấn tại hội trường với lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị về những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; thông qua một số nghị quyết quan trọng và bế mạc kỳ họp.

Chỉ ra nhiều tồn tại trong thi hành án, thanh tra

Bà Phạm Thị Nhung, tổ đại biểu huyện Yên Dũng chất vấn về hạn chế trong công tác thi hành án dân sự (THADS) như: Vi phạm trình tự, thủ tục xác minh; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị; kết quả THADS đạt thấp. Bà Nguyễn Thị Bích Tần, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: Công tác THADS trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến. 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan THADS giải quyết hơn 3,8 nghìn việc với số tiền hơn 114,5 tỷ đồng; tỷ lệ THADS đạt 64,9% về việc và 20,17% về tiền. 

{keywords}

Bà Phạm Thị Nhung, tổ đại biểu huyện Yên Dũng chất vấn về công tác THADS.

Nguyên nhân khiến công tác này còn hạn chế là do việc phối hợp cung cấp thông tin xác minh điều kiện thi hành án chưa hiệu quả; vận động đối tượng chấp hành nghĩa vụ giữa các cơ quan, đơn vị và người dân thiếu thường xuyên. Nhiều việc liên quan đến đất đai phức tạp, khó thực thi do tài sản của người phải THADS cũng là tài sản chung của các thành viên trong gia đình. 

Khắc phục hạn chế trên, ngành THADS sẽ tập trung giám sát, kiểm tra, thực hiện tốt Quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan. Cùng đó quan tâm hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, huyện, TP chủ động phối hợp cung cấp thông tin để phục vụ công tác THADS. Trước ý kiến đại biểu nêu về dư luận phản ánh có hiện tượng tiêu cực khi THADS, bà Tần cho biết đến nay cơ quan chưa nhận được thông tin nào về cán bộ của ngành có hành vi tiêu cực, đề nghị đại biểu, cử tri cung cấp thông tin để cơ quan xác minh và sẽ xử lý nghiêm nếu cán bộ vi phạm.

{keywords}

Đồng chí Lại Thanh Sơn làm rõ một số vấn đề trong công tác THADS.

Làm rõ thêm về nội dung này, ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo THADS tỉnh cho biết: UBND tỉnh luôn coi trọng nhiệm vụ THA, đây là điều kiện bảo đảm tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật. UBND tỉnh cũng xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, nhất là thuộc các lĩnh vực phức tạp như kinh tế, đất đai, một số đối tượng phải THA có hoàn cảnh khó khăn hoặc chống đối quyết liệt, cản trở cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ.

Để giải quyết những tồn tại, Ban chỉ đạo sẽ giao cho các cơ quan tham gia THADS có kế hoạch cụ thể để tập trung giải quyết những việc nhạy cảm, phức tạp. Cùng đó tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, phối hợp của các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, chống đối.

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Bích Tần, Cục trưởng Cục THADS tỉnh

Trước những chất vấn của đại biểu về sự chồng chéo, lúng túng trong công tác thanh tra, ông Trương Văn Nam, Chánh Thanh tra tỉnh nghiêm túc nhận trách nhiệm của ngành. Theo ông Nam, nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa tốt; chưa nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra. Cùng đó, một số  bộ, ngành T.Ư chưa quan tâm phối hợp với địa phương khi xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ dẫn đến chồng chéo về nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, năng lực, ý thức, trách nhiệm của một số cán bộ thanh tra chưa cao.

{keywords}

Bà Dương Thị Thủy, tổ đại biểu huyện Lục Ngạn chất vấn về công tác thanh tra.

Thời gian tới, ngành sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ. Tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy định về xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong việc thực hiện kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra. Phối hợp tốt với thanh tra các bộ, ngành T.Ư trong sử dụng phần mềm quản lý, theo dõi nhằm khắc phục việc chồng chéo trong công tác.  

Giải pháp chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới; khắc phục bất cập về hạ tầng công nghệ thông tin

Trả lời câu hỏi của ông Hoàng Như Hậu, tổ đại biểu huyện Sơn Động về công tác chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, hiện nay, cơ cấu giáo viên chưa hoàn toàn hợp lý, còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số trường trên cùng địa bàn. 

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, từ năm 2020-2021, ngành giáo dục tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, TP rà soát, sắp xếp, bố trí giáo viên hiện phù hợp, tuyển mới 510 giáo viên tiểu học, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các đơn vị trên cùng một địa bàn. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đảm nhiệm dạy các môn học mới theo chương trình. Cùng đó tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh, phối hợp với các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học.

{keywords}

Ông Thân Văn Tuấn, tổ đại biểu huyện Lạng Giang chất vấn về vấn đề dạy thêm, học thêm.

Tiếp tục nội dung chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Thân Văn Tuấn, tổ đại biểu huyện Lạng Giang nêu: Việc dạy thêm, học thêm được bàn nhiều ở các kỳ họp trước nhưng hiện nay vẫn khó quản lý, đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết giải pháp trong thời gian tới. Ông Nam thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù ngành đã có nhiều giải pháp song việc tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường không đúng quy định vẫn diễn ra. Ông Nam nhận trách nhiệm về vấn đề này và cho biết đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh nắm bắt được các quy định về dạy thêm - học thêm. 

Tăng cường phối hợp với UBND các huyện, TP chỉ đạo các phòng GD&ĐT thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chỉ đạo các nhà trường ký cam kết với phòng GD&ĐT, giáo viên ký cam kết với nhà trường không vi phạm quy định về dạy thêm - học thêm. Kết hợp với quần chúng nhân dân, các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc phát hiện, phản ánh kịp thời với cấp có thẩm quyền về các tổ chức, cá nhân dạy thêm trái quy định để kịp thời xử lý theo quy định.

{keywords}

Ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời chất vấn.

Cùng đó, đơn vị sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc cho phù hợp với thực tế; tiếp tục duy trì đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân về GD&ĐT (0204.3.823711 và 0204.3.823571). Riêng năm học 2018 -2019, ngành đã kiểm tra, thanh tra 80 cuộc, xử lý 6 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền gần 50 triệu đồng  

Chất vấn ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Hà Văn Bé, tổ đại biểu huyện Yên Dũng nêu: Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ TT-TT (Việt Nam ICT Index) của tỉnh năm 2018 xếp thứ 25, giảm 6 bậc so với năm 2016. ông Chiêu cho biết hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển hiện nay, nhất là hệ thống đường truyền, trang thiết bị phục vụ tích hợp, lưu trữ dữ liệu chung của tỉnh. 

{keywords}

Ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở TT&TT trả lời chất vấn.

Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh năng lực xử lý thấp và chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước còn hạn chế, chưa đầu tư, xây dựng được hệ thống nền tảng tích hợp dữ liệu của tỉnh; chưa xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; phần mềm một cửa điện tử cấp tỉnh do nhiều nhà cung cấp, chưa liên thông được với cấp huyện, cấp xã. Cơ sở dữ liệu chung của tỉnh chưa đầy đủ, đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước còn hạn chế, chưa đồng đều và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao...

Trước những tồn tại và khó khăn nêu trên, Giám đốc Sở TT&TT  cho biết, Sở đã tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 433-NQ/TU  ngày 4-5-2019 về phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 và Kế hoạch của UBND tỉnh để thực hiện, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp  chính đó là: Phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT; triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng các hệ thống phần mềm đồng bộ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT . 

Cần phải ưu tiên nguồn lực và quyết tâm thực hiện đầu tư, nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh theo hướng trở thành hệ thống hạ tầng CNTT cốt lõi, đủ mạnh để quản lý tập trung các hệ thống CNTT dùng chung của toàn tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu triển khai Chính quyền điện tử. Đồng thời, xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang; xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và chuẩn hóa, thống nhất sử dụng một hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông 3 cấp. 

Về giải pháp để ngăn chặn những tác động xấu của mạng xã hội trên địa bàn tỉnh ông Trần Minh Chiêu cho biết, trong thời gian qua, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý Internet và thông tin trên mạng. Phối hợp với Công an tỉnh phát hiện, xác minh, xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. 

Chỉ đạo các cơ quan báo chí làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT xây dựng phương án đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên 2 mạng xã hội nước ngoài là Facebook và Google; xử lý các trang thông tin điện tử có nội dung xấu, “độc” trên mạng xã hội…

Về trách nhiệm giải pháp ngầm hóa, chỉnh trang mạng cáp trên địa bàn trong thời gian tới, Sở TT&TT tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; kế hoạch ngầm hóa và chỉnh trang mạng cáp thông tin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.  Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương bảo đảm phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật các ngành trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện ngầm hóa và chỉnh trang, bó gọn cáp viễn thông tại các địa phương.

 Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận các đại biểu đã quan tâm nghiên cứu, câu hỏi chất lượng, lựa chọn được vấn đề trọng tâm, nổi cộm, bức xúc trong đời sống xã hội được cử tri quan tâm. Phần trả lời của lãnh đạo các sở, ngành đã thẳng thắn, rõ ràng, thể hiện trách nhiệm của ngành trước đại biểu và đông đảo cử tri. 

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính 

{keywords}

Đồng chí Nguyễn Văn Linh phát biểu làm rõ một số vấn đề tại kỳ họp.

Tiếp tục nội dung làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh phân tích, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu và cử tri nêu tại kỳ họp về tình hình tăng trưởng của tỉnh, dự báo trong 6 tháng cuối năm và những nhiệm vụ trọng điểm mà UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện. 

Đồng chí nhấn mạnh, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 16% trở lên, UBND tỉnh phấn đấu thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong báo cáo trình kỳ họp, trọng tâm là: Triển khai Luật Quy hoạch và các luật liên quan đến quy hoạch; quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công năm 2020 và giai đoạn tiếp theo; chủ động bám sát Bộ Nội vụ và hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm có quyết định về việc sáp nhập địa giới hành chính cấp xã nhằm kịp thời phục vụ cho Đại hội đảng bộ các cấp sắp tới.

Tổ chức rà soát các nội dung liên quan của Kế hoạch số 47-KH/TU và Nghị quyết số 04/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đối chiếu với Nghị định số 34/2019/NĐ-CP để điều chỉnh cho phù hợp. Đối với một số cán bộ chuyên trách mà không có chế độ và những người không được bổ nhiệm lại, UBND tỉnh sẽ tham mưu HĐND tỉnh có chế độ chính sách. Tăng cường hơn nữa việc phân cấp, ủy quyền trên cơ sở bảo đảm điều kiện thực thi và nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành công việc, những lĩnh vực sau phân cấp, ủy quyền thấy không phù hợp sẽ điều chỉnh cho phù hợp.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các ngành, các cấp, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ; tập trung thanh tra, kiểm tra hành chính, chống hiện tượng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt đối với những cán bộ trực tiếp ở những lĩnh vực, những khâu nhạy cảm. Tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, chấn chỉnh tình trạng nợ đọng BHXH. 

Chỉ đạo các ngành, địa phương giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp; tăng cường giám sát trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen và các loại tội phạm hình sự; kiểm soát xe quá khổ, quá tải và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương và trách nhiệm, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII đã hoàn thành chương trình đề ra. Nghị quyết của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 phấn đấu hết năm nay cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội XVIII của Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020. 

Trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, việc thực hiện mục tiêu trên là trách nhiệm nặng nề, thách thức không nhỏ, đòi hỏi các cấp, các ngành phải chủ động hơn nữa, quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa trong tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp công tác đã đề ra. Đồng thời, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh sớm báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri; thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Các ban, các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh trong thực tiễn.

{keywords}

Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.    

Các nghị quyết (NQ) được thông qua tại kỳ họp 

Tại kỳ họp, các đại biểu đã thông qua 22 nghị quyết. Bao gồm: NQ về nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2019; NQ quy định cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019 - 2025; NQ thông qua Danh mục bổ sung các dự án, công trình được phép thu hồi đất; các dự án, công trình được phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và điều chỉnh chỉ tiêu đất cơ sở thể dục thể thao huyện Lạng Giang về huyện Việt Yên; NQ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của khoản 5, điều 16 Quy định phân cấp ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2017 - 2020 ban hành kèm theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh; NQ về việc dừng không thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 của HĐND tỉnh; NQ quyết định chủ trương đầu tư,  điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; NQ thông qua điều chỉnh, bổ sung cục bộ Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; NQ quy định mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; NQ quy định nội dung, mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; NQ quy định một số nội dung, mức chi tiếp khách nước ngoài và khách trong nước làm việc tại tỉnh Bắc Giang; NQ quy định một số chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên trường trung học phổ thông Chuyên và trường trung học cơ sở trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; NQ quy định chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; NQ quy định chi thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao; hỗ trợ chế độ dinh dưỡng đối với học sinh năng khiếu thể thao; chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; NQ về việc nhập và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; NQ về việc thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019 - 2021; NQ về chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2020; NQ về kết quả giám sát việc chấp hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra có 5 nghị quyết về công tác cán bộ. 

Bế mạc kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII
(BGĐT)- Chiều nay (7-12), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh diễn ra phiên làm việc cuối cùng và bế mạc kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII. Các đồng chí: Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Từ Minh Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Phát biểu của đồng chí Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang bế mạc kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh
(BGĐT) - Sau 3 ngày làm việc, chiều nay (7-12), kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII đã hoàn thành chương trình đề ra. Đồng chí Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh vừa phát biểu bế mạc kỳ họp. Báo Bắc Giang trân trọng giới thiệu tới bạn đọc nội dung bài phát biểu của đồng chí Bùi Văn Hải.  
Ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Bắc Giang: Trả lời chất vấn thẳng thắn, trọng tâm và rõ vấn đề
(BGĐT) - Sáng ngày 7-12, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII tiếp tục kỳ họp thứ 6 với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.
Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Bắc Giang: Chất vấn và trả lời chất vấn về những nội dung cử tri quan tâm
(BGĐT) - Chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bùi Văn Hạnh, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành phiên chất vấn tại hội trường. 

Nhóm PVVX

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...