Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đại biểu nhân dân với cử tri
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Các đại biểu đoàn Bắc Giang góp ý vào dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Cập nhật: 18:37 ngày 10/06/2023
(BGĐT) - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 10/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Các đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đã có ý kiến thảo luận.

{keywords}

Quang cảnh phiên họp.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà: Cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng toàn bộ nội dung của dự thảo luật để đảm bảo tính tương thích

Qua nghiên cứu cụ thể nội dung dự thảo Luật cho thấy dự thảo Luật còn có những điều khoản chưa phù hợp, chưa thống nhất với quy định của Hiến pháp, một số bộ luật và nhiều luật hiện hành có liên quan về cả thẩm quyền và nội dung; đồng thời còn những quy định chưa có đầy đủ cơ sở, chưa rõ ràng, chưa hợp lý, chưa khả thi.

{keywords}

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà thảo luận tại hội trường.

Do đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị: Tiếp tục đánh giá kỹ tác động; phân tích, nhận diện và đánh giá kỹ thực trạng về hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, về bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung; công tác phòng ngừa rủi ro, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng; kiểm soát đặc biệt, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu... trong thời gian qua dưới các góc độ thực thi và quy định của pháp luật, làm rõ các vướng mắc, bất cập do quy định của pháp luật hay do tổ chức thi hành, hay do cả hai.

Trên cơ sở đó tiếp tục rà soát, làm rõ phạm vi các quy định cần sửa đổi, bổ sung và nội dung của dự thảo đảm bảo có đầy đủ cả cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, phù hợp và khả thi.

Cần phải tiếp tục đánh giá kỹ tác động, nhận diện, đánh giá kỹ thực trạng, đồng thời tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ toàn bộ nội dung dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với các bộ luật, luật hiện hành có liên quan; bảo đảm sự tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính khả thi, khắc phục được tối đa những vướng mắc trong áp dụng. 

Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm tại khoản 1 Điều 184: Theo Điều 184, thu giữ tài sản bảo đảm là việc kiểm soát, chi phối trực tiếp tài sản bảo đảm hoặc phong tỏa, thế quyền của bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu. Khoản 1 Điều này quy định trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì các tổ chức này được thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này. Liên quan đến nội dung qđ này, rà soát các qđ của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Nghị quyết 42 cho thấy 3 vấn đề cần phải được xem xét nghiên cứu kỹ, đó là:

Quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định nêu trên cần phải được làm rõ về bản chất, mục tiêu, điều kiện, phạm vi thực hiện và vai trò của chính quyền địa phương các cấp, cơ quan công an tham gia trong việc thu giữ tài sản bảo đảm để đảm bảo phù hợp với các Điều 32, 51, 106 Hiến pháp năm 2013; đồng bộ, thống nhất với quy định tại các Điều 163, 241, 301 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và tránh lạm dụng, gây tổn hại lợi ích hợp pháp của người đi vay.

Việc dự thảo Luật cho phép các tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản bảo đảm (tức là thu giữ tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức) có sự tham gia của cơ quan chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an trong quan hệ dân sự giữa tổ chức tín dụng và khách hàng mà không thuộc trường hợp thật cần thiết như Hiến pháp năm 2013 quy định có thể dẫn đến việc lạm dụng trong quá trình tổ chức thực hiện, xâm phạm đến quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân; hành chính hóa quan hệ dân sự - kinh tế;

Nghị quyết số 42 đưa ra cơ chế hỗ trợ thu giữ tài sản bảo đảm với sự tham gia của cơ quan công an và UBND các cấp nhằm thúc đẩy nhanh hơn xử lý các khoản nợ xấu lớn, tồn đọng và là điểm nghẽn của nền kinh tế được xác định theo Nghị quyết này. Tuy nhiên trong điều kiện bình thường và việc áp dụng phải được ổn định, lâu dài thì qđ như trên là không còn phù hợp.

Do đó, nghiên cứu thêm quy định của khoản 1 Điều 184 nêu trên theo hướng đánh giá, làm rõ về bản chất, mục tiêu, điều kiện, phạm vi thực hiện, vai trò của cơ quan nhà nước; sự phù hợp với Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình và tránh lạm dụng, gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người đi vay, xâm phạm đến quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân; hành chính hóa quan hệ dân sự - kinh tế.

Đại biểu đề nghị việc giao quy định chi tiết và hướng dẫn chi tiết cần phải bảo đảm đúng về thẩm quyền, không làm hạn chế quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định và không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính. 

Dự thảo Luật có 6 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết; 3 điều, khoản giao Thủ tướng Chính phủ quy định và có tới trên 80 điều, khoản giao Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định hoặc hướng dẫn. Đáng lưu ý là trong những điều khoản giao Ngân hàng Nhà nước quy định, hướng dẫn có rất nhiều quy định về các điều kiện, hồ sơ và thủ tục hoặc giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện. 

Những quy định nêu trên có thể có những nội dung chưa phù hợp về thẩm quyền quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành và có thể làm hạn chế quyền con người, quyền công dân, phát sinh thêm thủ tục hành chính. 

Theo phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư, về cơ bản các hoạt động nêu trên đều là hoạt động, lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Về thẩm quyền ban hành điều kiện đầu tư, kinh doanh, khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư đã quy định “Bộ, cơ quan ngang Bộ, … cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh”. 

Mặt khác, việc giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về các nội dung liên quan đến điều kiện có thể phát sinh các quy định dẫn đến hạn chế quyền của cá nhân, tổ chức mà theo quy định tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật; có thể phát sinh điều kiện đầu tư kinh doanh và phát sinh thủ tục hành chính.

Do đó, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát các điều, khoản quy định trong dự thảo Luật giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết để luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn; chỉ giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định những nội dung chi tiết, cụ thể, những nội dung có thể biến động, ảnh hưởng đến tính ổn định của luật. Việc giao quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. 

Đại biểu Phạm Văn Thịnh: Bổ sung trách nhiệm chống thất thu thuế trong dự thảo Luật

Đại biểu Phạm Văn Thịnh đánh giá cao dự thảo luật khi cơ quan soạn thảo đã kế thừa, giữ lại những quy định nhằm giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, các quy định cần thiết để xử lý nợ xấu, bổ sung các quy định mới đáp ứng yêu cầu ứng phó với những tình huống rủi ro. Đại biểu nhấn mạnh, tổ chức tín dụng có 3 chức năng cơ bản: Nhận tiền gửi, cho vay, làm trung gian thanh toán. 

{keywords}

Đại biểu Phạm Văn Thịnh thảo luận tại hội trường.

Theo đó, phần lớn tài sản, hoạt động của tổ chức, cá nhân được lưu trữ, thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng, nhất là trong xã hội hiện nay, khi thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến. Đại biểu cho biết, xã hội sẽ thượng tôn pháp luật hơn khi các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đều được các đối tượng bị xử phạt tuân thủ nghiêm túc. Nền kinh tế sẽ năng động, hiệu quả hơn nếu các giao kết đều được mỗi bên nỗ lực tuân thủ. Để quản lý được thuế, phải quản lý được doanh thu có khả năng chịu thuế.

Đại biểu đề nghị: Bổ sung trách nhiệm chống thất thu thuế vào Điều 11 của dự thảo Luật, bên cạnh các trách nhiệm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Bổ sung Mục 8 quy định về hệ thống thông tin khách hàng vào Chương 4 Hoạt động của Tổ chức tín dụng và chi nhánh Ngân hàng nước ngoài với tinh thần hệ thống thông tin khách hàng được bảo mật nhưng quy định cấu trúc thông tin chuẩn gắn với số căn cước công dân, mã số thuế của tổ chức, cá nhân để đảm bảo khi cần cơ quan chức năng sẽ tra cứu được tất cả các tài khoản của 1 tổ chức, công dân cũng như có được dữ liệu về phát sinh có của tài khoản thanh toán của mọi tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. 

Mục này cũng cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của tổ chức tín dụng, tổ chức, cá nhân mở tài khoản để đảm bảo tính chính danh của tài khoản vì nếu không chính danh sẽ là yếu tố quan trọng dẫn đến động cơ cho các hành vi phạm pháp của các tổ chức, cá nhân. Ví dụ, nếu chính danh thì sẽ không có hành vi lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản như thời gian vừa qua, vì không ai lại đi lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản của chính mình.

Liên quan đến quy định về Ngân hàng được làm đại lý bảo hiểm theo quy định tại Điều 105, đại biểu nêu: 

Theo quy định hiện hành, 2 loại bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp có mức chiết khấu tối đa cho phí bảo hiểm năm đầu là 40%; Có dư luận cho rằng trong năm 2021, 2022 và quý 1/2023, một số ngân hàng thương mại có hiện tượng gợi ý khách hàng vay vốn mua bảo hiểm nhân thọ với mức phí vào khoảng 3-4% giá trị của khoản vay, có nơi gợi ý mua thì sẽ duyệt nhanh hồ sơ vay vốn, có nơi là điều kiện để được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi. Một số ngân hàng thương mại giao chỉ tiêu hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm cho nhân viên. 

Ngân hàng thương mại là một định chế đặc biệt, trong mối quan hệ vay vốn với ngân hàng thì người đi vay cơ bản là yếu thế. Vì vậy, để tránh xung đột lợi ích và bảo vệ người đi vay, quy định cho Ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm cần được cân nhắc, nhất là bảo hiểm nhân thọ.

Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Chương XI: Điều 185 và 189 liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm có hoặc không có gắn với quyền sử dụng đất như dự thảo sẽ chưa giải quyết được 2 tình huống đang xảy ra trong thực tế hiện nay. 

Đó là: tài sản bảo đảm gắn liền với quyền sử dụng đất nhưng người bảo đảm đang nợ tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất và các khoản thu khác liên quan như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền chậm đưa đất vào sử dụng, tiền phạt chậm nộp hoặc sau khi tổ chức tín dụng nhận tài sản đảm bảo đó, sau một thời gian mới chuyển nhượng thì kể từ thời điểm nhận tài sản bảo đảm gắn liền với đất, nghĩa vụ tài chính về đất đai có thuộc trách nhiệm tổ chức tín dụng hay không? Việc không đưa đất vào sử dụng theo Luật Đất đai trong giai đoạn cầm giữ tài sản này có bị tính tiền phạt hay không?

Để giải quyết được tình huống này, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất như sau: Bên mua khoản nợ hoặc tổ chức tín dụng khi nhận tài sản bảo đảm gắn liền với quyền sử dụng đất thì không phải nhận các nghĩa vụ về thuế, phí, khoản chậm nộp liên quan đến quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân có tài sản bảo đảm tính từ thời điểm nhận tài sản trở về trước; đồng thời quy định thêm trong thời gian tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm nhưng chưa xử lý thì có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với quyền sử dụng đất có tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật và không bị tính tiền phạt chậm đưa đất vào sử dụng (nếu có). 

TS-Tiến Hòa

Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
(BGĐT) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 9/6, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Tại tổ thảo luận số 17 gồm 3 Đoàn ĐBQH (An Giang, Bắc Giang, Hà Nam), đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang làm Tổ trưởng, chủ trì tổ thảo luận.
"Nóng" nghị trường Quốc hội về cải tạo quốc lộ và cầu Xương Giang, Như Nguyệt
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về cải tạo, mở rộng một số tuyến quốc lộ, triển khai dự án giao thông chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngân sách Trung ương một năm giao cho Bộ chỉ đáp ứng được 66% nhu cầu vốn, nên nếu địa phương bố trí được nguồn vốn, cùng với Trung ương thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng các tuyến quốc lộ là rất cần thiết và hợp lý.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...