Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đại biểu nhân dân với cử tri >> Tiếng nói người đại biểu nhân dân
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện, đầu tư tương xứng cho hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng

(BGĐT) - Ngày 29/5, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) đã đóng góp một số ý kiến liên quan.

Mở đầu tham luận, đại biểu Trần Văn Tuấn bày tỏ cơ bản nhất trí với Báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” trình tại Kỳ họp.

{keywords}

Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu tại kỳ họp.

Có thể nói, bên cạnh những kết quả đạt được, qua công tác giám sát và công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua còn làm bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng (như trong Báo cáo của Đoàn Giám sát đã đánh giá khá đầy đủ). Nguyên nhân chính là do trong thời gian qua, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều đơn vị, nhất là các trạm y tế xã còn yếu kém, thiếu thốn và lạc hậu; cơ chế tài chính trong hoạt động còn nhiều vướng mắc, bất cập chậm được khắc phục; số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng ở các địa phương nhìn chung còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý là số cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là bác sĩ tại tuyến xã ngày càng giảm (do nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác) nhưng việc tuyển dụng nhân sự thay thế rất khó khăn, do thu nhập thấp, chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp...

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn việc củng cố, hoàn thiện, đầu tư tương xứng cho hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Trước hết, cần tổng kết, đánh giá một cách toàn diện, trên cơ sở đó xây dựng, triển khai đề án cụ thể về củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng cho phù hợp với từng địa phương, vùng, miền - không nhất thiết chỉ tổ chức theo đơn vị hành chính. Thực tế Bắc Giang là địa phương duy nhất có Trung tâm Y tế các khu công nghiệp. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã và đang triển khai có hiệu quả công tác y tế tại các khu công nghiệp, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19, các dịch bệnh truyền nhiễm và một số hoạt động khác; đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho công nhân, kể cả trong và ngoài giờ hành chính. Tuy nhiên, đây là mô hình mới, chưa hoàn thiện, còn có khó khăn trong phân cấp một số hoạt động. Đề nghị Bộ Y tế quan tâm, có hướng dẫn với địa phương.

Đồng thời, khẩn trương rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng ở địa phương. Xác định rõ mối quan hệ giữa tuyến y tế cơ sở với 03 cấp chuyên môn kỹ thuật (gồm cấp ban đầu, cơ bản và chuyên sâu) theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Tăng cường, đưa nhiều hơn các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ từ tuyến trên về y tế tuyến huyện, tuyến xã, gắn với nâng cao năng lực, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy vai trò của y tế tuyến huyện, tuyến xã, đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ngay tại cơ sở (Nếu chúng ta không quan tâm đưa nhiều hơn các dịch vụ từ tuyến trên về, gắn với nâng cao năng lực, tạo điều kiện thuận lợi cho y tế cơ sở, thì chắc chắn tổ chức, hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế cấp xã sẽ ngày càng “teo tóp” - như đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đã phân tích).

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị tương xứng với vai trò của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng. Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, bất cập cho các đơn vị trong thực hiện các cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ; nhất là những vướng mắc, bất cập trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tách bạch các khoản chi cho y tế dự phòng và hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, xác định rõ trách nhiệm của ngành y tế và chính quyền cấp huyện, cấp xã trong đầu tư cho y tế cơ sở… Trong đó, cần đánh giá việc thực hiện quy định phải “Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng” theo tinh thần Nghị quyết số 18/2008/QH12 đến nay có còn phù hợp hay không? Theo Báo cáo của Đoàn Giám sát cho thấy, có địa phương chưa đạt tỷ lệ này, nhưng cũng có địa phương thực hiện với tỷ lệ cao. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, tỷ lệ % cao hay thấp không phản ánh đúng thực chất kết quả chi của mỗi địa phương; nguyên nhân là do cách tính mức chi ngân sách y tế dự phòng dựa trên tỷ lệ % tổng mức ngân sách y tế là chưa phù hợp với thực tế (Vì theo cách tính trên thì ngân sách y tế dự phòng cao hay thấp tuỳ thuộc vào ngân sách y tế, mà ngân sách y tế cao hay thấp lại tuỳ thuộc vào điều kiện ngân sách và mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế của địa phương; mức độ tự chủ càng cao thì ngân sách y tế sẽ càng giảm, nên tỷ lệ ngân sách y tế dành cho y tế dự phòng phải tăng lên thì mới bảo đảm). Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu cách tính mức chi ngân sách cho y tế dự phòng theo hướng: Tính theo tỷ lệ % trên tổng kinh phí thanh, quyết toán hàng năm chi cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh (gồm cả nguồn BHYT và nguồn NSNN).

Tiếp tục hoàn thiện các chính sách thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là thu hút bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng phải tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 21/5/2018 của Trung ương. Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu ban hành quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, cho phép cán bộ y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế cấp xã được thực hiện các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình (theo Điều 81 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023), góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho cán bộ y tế ở cơ sở.

PV (t/h)

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Chất vấn 4 nhóm vấn đề trọng tâm
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng 4 Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực: lao động, thương binh và xã hội; giao thông vận tải; khoa học và công nghệ; dân tộc sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng 4 trưởng ngành trả lời chất vất tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng 4 Bộ trưởng, trưởng ngành phụ trách các lĩnh vực: lao động, thương binh và xã hội; giao thông vận tải; khoa học và công nghệ; dân tộc sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội
(BGĐT) - Ngày 25/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở Tổ về tình hình phát triển KT-XH.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...