Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đại biểu nhân dân với cử tri >> Tin tức thời sự
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp thực hiện "mục tiêu kép"

(BGĐT) - Chiều 9/8, kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX tiến hành thảo luận tại tổ về nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, các giải pháp trọng tâm cần thực hiện để hoàn thành tốt kế hoạch phát triển KT-XH, tạo tiền đề cho năm 2022 và những năm tiếp theo. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp thực hiện "mục tiêu kép".

Khôi phục sản xuất, phát triển KT-XH

Nhìn chung các đại biểu nhất trí cao với báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm. Ngoài việc làm rõ thêm những kết quả nổi bật, các đại biểu cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp thực hiện. 

Theo ông Vũ Tấn Cường, tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa, mặc dù tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 thấp (4,3%) so với kế hoạch đề ra song đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Để khôi phục sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thời gian tới, UBND tỉnh cần tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, trong đó quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong giải quyết các thủ tục hành chính, tìm kiếm nguồn lao động, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở công nhân để thu hút lao động vào làm các khu công nghiệp. Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (hiện mới đạt 23,5% kế hoạch). Tiến độ lập quy hoạch tỉnh Bắc Giang tuy khá nhanh so với cả nước song chưa bảo đảm theo yêu cầu. Nếu không thông qua được quy hoạch tỉnh sẽ vướng đến nhiều quy hoạch khác, nhất là thu hút đầu tư, phát triển KT-XH. Do đó, tỉnh cần tập trung cao trong năm nay sớm trình Thủ tướng phê duyệt.

{keywords}

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương thảo luận về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN khi khôi phục sản xuất.

Liên quan đến phát triển kinh tế, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, tỉnh vẫn đạt kết quả tích cực trong phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm. Đến nay, đã có 359 DN, đạt 100% số DN trong KCN với 150 nghìn công nhân trở lại hoạt động; 98% các DN ngoài KCN cũng ổn định sản xuất sau thời gian dài đóng cửa vì dịch Covid-19.

Tuy nhiên, qua đánh giá, việc tổ chức lại sản xuất sau dịch bệnh của các DN gặp không ít khó khăn. Để khắc phục, đại biểu đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ngành triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ như: Xem xét hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19 cho công nhân ở các DN vừa và nhỏ; kết nối cung – cầu lao động, đáp ứng tối đa nhu cầu tuyển nhân công của các DN, tập đoàn đang đầu tư trên địa bàn để duy trì các đơn hàng có quy mô lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu… Với vai trò của mình, Sở Công Thương sẽ rà soát, có đánh giá căn cơ để đề xuất giải pháp hiệu quả trong kiểm soát nhằm bảo đảm an toàn phòng dịch, an toàn giao thông trong hoạt động đưa đón công nhân.

Quan tâm giải phóng mặt bằng, nâng chất lượng nông sản

Vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) phát triển nông nghiệp cũng được tập trung thảo luận. Theo nhiều đại biểu, công tác giải GPMB còn chậm, nhiều dự án không thể thực hiện theo kế hoạch, ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. 

{keywords}

Ông Trần Thế Cường, đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa thảo luận tại tổ.

Ông Trần Thế Cường, đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa dẫn chứng, 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn huyện có hơn 20 dự án trọng điểm có liên quan đến thu hồi đất GPMB. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều dự án lớn nảy sinh phức tạp liên quan đến GPMB dẫn đến những vụ khiếu kiện, số người dân không đồng thuận còn nhiều, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. 

Trong quá trình giải quyết chưa có sự phối hợp đồng bộ với ngành chức năng huyện và chính quyền cấp xã; còn có những thiếu sót về trình tự, thủ tục hồ sơ dẫn đến kéo dài; nhận thức một bộ phận của quần chúng nhân dân bị hạn chế. Liên quan đến khó khăn trong công tác GPMB, một số đại biểu cho rằng có nguyên nhân do đơn giá tiền đất bồi thường GPMB mà tỉnh đang áp dụng hiện nay còn thấp hơn so với một số tỉnh lân cận.

Để giải quyết vấn đề này, theo các đại biểu, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền ngành chức năng cần có những giải pháp tích cực hơn nữa, trong đó, nắm chắc tình hình, quan tâm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Thực hiện đầy đủ, trình tự các bước, phát hiện sơ hở, thiếu sót để phục vụ công tác GPMB được thuận lợi. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ quy định của pháp luật từ đó tạo đồng thuận. Mặt khác, cần khắc phục tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chậm muộn. Tỉnh nên nghiên cứu, xem xét nâng mức đơn giá đất bồi thường GPMB.

{keywords}

Ông Dương Thanh Tùng, đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn thảo luận về nâng cao chất lượng nông sản.

Ông Dương Thanh Tùng, đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn cho biết, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng thời gian qua việc nâng chất lượng nông sản được các cấp, ngành địa phương quan tâm. Do đó việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là vải thiều vẫn khá thuận lợi, nông sản Bắc Giang nói không với “giải cứu”. 

Tuy nhiên, thời gian qua, giá đầu vào phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 20%, trong khi giá bán nông sản giảm khoảng 2%, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Do đó, để nâng giá trị nông sản cần kiên trì thực hiện mục tiêu nông nghiệp cho thu nhập cao, không phải là sản lượng cao; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm. Cần nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng thêm các mã vùng trồng để truy xuất nguồn gốc; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết. Chăn nuôi hướng tới vùng sản xuất an toàn thực phẩm, từ đó mở ra cánh cửa xuất khẩu.

Cũng về nội dung này, ông Nguyễn Văn Thi, đại biểu khu vực huyện Lục Nam cho rằng cần phát huy hơn nữa vai trò của các HTX trong sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn. Đồng thời có thêm chính sách khuyến khích hỗ trợ các HTX phát triển.

Giảm ùn tắc giao thông, làm tốt công tác phòng, chống dịch

Một số ý kiến đề nghị quan tâm hạ tầng giao thông vì hiện nay lượng người đi lại quá lớn. Bà Phạm Thị Nhung, đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Yên Dũng nêu thực tế, hiện có khoảng 112 nghìn công nhân di chuyển đến nơi làm việc bằng xe máy. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, khó kiểm soát về dịch bệnh. Đại biểu Nhung đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tổ chức, sắp xếp lại hoạt động đưa đón công nhân trên cơ sở nhân rộng mô hình đưa đón bằng ô tô. Cùng đó, có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng xe đưa đón kém chất lượng, chở quá số người theo quy định hay vi phạm các quy định về an toàn giao thông.

Liên quan đến nội dung này, ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho rằng, về lâu dài các doanh nghiệp cần nghiên cứu tiếp tục bổ sung xe đưa đón công nhân nhằm giảm ách tắc giao thông vào giờ cao điểm, bảo đảm an toàn cho công nhân; tích cực truyền thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người tham gia giao thông. Thời gian tới, Sở Giao thông-Vận tải xem xét đề xuất, phối hợp làm điểm xây dựng bãi đỗ xe, điểm đỗ xe; rà soát lại để cắm biển báo cấm đỗ xe trên đường quốc lộ qua địa bàn một số địa phương.

Vấn đề phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Mặc dù tỉnh Bắc Giang đã qua hơn 28 ngày không phát sinh các F0 trong cộng đồng, các hoạt động KT-XH đã chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần phải tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch, nhất là hiện nay tình hình dịch ở các tỉnh, TP miền Nam và TP Hà Nội có những diễn biến phức tạp. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản nếu xảy ra các đợt dịch khác để ứng phó kịp thời, không bị động, bất ngờ. Chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, vật tư y tế, điều kiện vật chất ở các khu cách ly, cơ sở y tế, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19; nâng cao năng lực xét nghiệm; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin. Đặc biệt phát huy vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng, có cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích, động viên lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

{keywords}

Bà Chu Thị Toan, đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Sơn Động kiến nghị về công tác quản lý tài nguyên môi trường.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị như: Xử lý vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Cầu; bảo đảm đời sống, sản xuất của người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ, nhất là ở đội ngũ cán bộ cơ sở để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng lực lượng chuyên trách đấu tranh hiệu quả với tội phạm công nghệ cao; xử lý rác thải nông thôn…

Ngày mai (10/8), buổi sáng các đại biểu thảo luận tại hội trường về tình hình KT-XH; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh làm rõ thêm về những nội dụng thảo luận và việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; buổi chiều, HĐND tỉnh xem xét, thông qua các dự thảo nghị quyết.

Tin, ảnh: Nhóm PVVX

Ngày mai (9/8), khai mạc kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIX
(BGĐT) - Ngày mai (9/8), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 2. 
Xét nghiệm Covid-19 cho đại biểu trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIX
(BGĐT) - Chiều 6/8, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Bắc Giang phối hợp Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các đại biểu và lực lượng phục vụ kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIX.
Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIX dự kiến xem xét, thông qua 18 nghị quyết
(BGĐT) - Ngày 4/8, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo về kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các đồng chí: Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Khổng Văn Suất, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...