Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đại biểu nhân dân với cử tri >> Tin tức thời sự
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Các đại biểu thảo luận sâu, kỹ về các giải pháp phát triển KT-XH

(BGĐT) - Chiều 11/7, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu chia làm 5 tổ thảo luận. Các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo, thông báo trình tại kỳ họp; đánh giá cao kết quả phát triển KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm. Cùng đó thảo luận, phản ánh nhiều vấn đề được đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm.
{keywords}

Các đại biểu thảo luận tại tổ 1.

Đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị

Đại biểu Vũ Trí Hải, Bí thư Thành ủy (tổ đại biểu TP Bắc Giang) cho rằng, tăng trưởng kinh tế đạt cao nhưng quy mô nền kinh tế vẫn thấp; nguyên nhân tăng trưởng chưa được phân tích kỹ, cần được thảo luận rõ hơn. Thời gian tới cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để khắc phục hạn chế trong phát triển công nghiệp phụ trợ; đồng thời quan tâm hơn nữa đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và có quy hoạch tích hợp của các huyện, TP vào quy hoạch chung của tỉnh. Khi sáp nhập địa giới hành chính cấp huyện và đưa huyện Việt Yên phát triển thành thị xã theo chủ trương của tỉnh cần tính toán đến tổ chức bộ máy, phát triển cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân…

Thảo luận về nội dung phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, đại biểu Trịnh Văn Ánh, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang (tổ đại biểu huyện Lạng Giang) nêu ý kiến: Hiện nay phát triển đô thị là chủ trương đúng đắn của tỉnh góp phần tạo quỹ đất ở lớn, mang lại giá trị kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, chất lượng đô thị có nơi còn hạn chế như nhiều đường nhỏ hẹp, bất cập trong tổ chức giao thông, điểm giao cắt khuất tầm nhìn dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông; vỉa hè nhiều nơi nhỏ hẹp; chưa có nhiều khuôn viên cây xanh, công trình văn hóa, thể thao. 

Vẫn có tình trạng đường cong, nhà méo; quy hoạch bãi để xe còn bất cập; việc phát triển đồng bộ các khu đô thị còn nhiều khó khăn; việc kết nối về hạ tầng viễn thông, điện, thoát nước... tại các khu đô thị còn nhiều vướng mắc. Đề nghị tỉnh quan tâm đến việc quy hoạch đô thị có tầm nhìn, tạo sự thống nhất, đồng bộ; hạn chế phân lô đất nền mà nên phát triển nhà ở xã hội tại các nơi tập trung đông dân cư. 

{keywords}

Đại biểu Trịnh Văn Ánh nêu ý kiến.

Một số đại biểu cũng kiến nghị, việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh trước đây về hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn áp dụng theo cơ chế đặc thù, nhân dân tự tổ chức thực hiện theo hướng dẫn và thiết kế mẫu, đóng góp tiền, ngày công, hiến đất... rất có hiệu quả. Sau khi kết thúc, tỉnh yêu cầu các huyện tiếp tục hỗ trợ để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Tuy nhiên, cấp huyện không được ban hành và áp dụng cơ chế đặc thù, đề nghị tỉnh ban hành cơ chế đặc thù để tiếp tục khơi dậy nội lực trong dân.

Ngoài ra, trong lĩnh vực kinh tế - ngân sách, một số đại biểu cho ý kiến về tình hình thu ngân sách; quan tâm chọn lọc thu hút đầu tư vì hiện nay ít doanh nghiệp lớn, chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ, tính bền vững thấp; tăng cường bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp vì có hiện tượng hạ tầng dùng chung, không có trạm xử lý nước thải tập trung... 

Công tác quản lý nhà nước đối với các dự án sau chấp thuận đầu tư còn lỏng lẻo, còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập như dự án chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về đầu tư, đất đai đã đi vào hoạt động, nhiều dự án chậm tiến độ. Đề nghị cải tiến thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa để phát triển khu, cụm công nghiệp vì thủ tục này rất chậm, gây khó khăn, mất cơ hội cho các nhà đầu tư.

Cần quan tâm hơn đến y tế, văn hóa - xã hội, thi hành án dân sự

{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn trao đổi ý kiến.

Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về thực trạng của ngành Y tế nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển sang hoạt động ở các cơ sở y tế tư nhân dẫn đến các bệnh viện công thiếu y, bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ dưới 12 tuổi và mũi 4 cho người trên 18 tuổi chưa được cao. Qua nắm tình hình thì nguyên nhân do người dân lo ngại vắc xin có tác dụng phụ, tâm lý chủ quan, lơ là… Do vậy, ngành Y tế cần phối hợp thông tin định hướng dư luận, khẳng định sự an toàn của việc tiêm vắc-xin trong tình hình hiện nay. 

Trao đổi với các đại biểu, Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Hiệu cho biết, hiện cơ sở hạ tầng của nhiều đơn vị y tế đã xuống cấp, sắp hết niên hạn sử dụng. Việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế sử dụng nguồn vốn T.Ư còn chậm. Đầu tư cơ sở hạ tầng y tế từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch đến nay chưa được phê duyệt, trong khi Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải hoàn thiện xong các dự án trong năm 2023.

{keywords}

Đại biểu Từ Quốc Hiệu thảo luận.

Về vấn đề nhân lực, Giám đốc Sở Y tế thông tin, năm 2021, toàn ngành có 33 viên chức nghỉ việc; 5 tháng đầu năm 2022 có 21 công chức, viên chức thôi, bỏ việc. Trong số đó có cả trưởng phòng thuộc Sở; Phó Giám đốc bệnh viện tuyến tỉnh; trưởng khoa, phòng bệnh viện tuyến tỉnh; nhiều bác sĩ chuyên môn cao.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do thu nhập không đáp ứng nhu cầu cuộc sống; có sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa y tế công lập và y tế tư nhân. Do sự bất hợp lý về cách tính tiền lương cho nhân viên y tế, nhất là đối với bác sĩ. Nhân viên y tế phải đối mặt với nhiều áp lực trong công việc, đặc biệt trong thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19…

Đồng chí đề nghị, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế. Bố trí kinh phí đối ứng để thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng và nâng cấp trang thiết bị từ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH của Chính phủ. Có cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là khối y tế dự phòng, y tế cơ sở...

Về lĩnh vực giáo dục, một số đại biểu đề nghị ngành Giáo dục có khảo sát, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét việc tăng số lớp, số lượng giáo viên khối tiểu học, THCS; di chuyển mở rộng một trường THPT công lập sang khu dân cư phía Nam TP Bắc Giang nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và phân bổ đồng đều các khu vực…

Đối với công tác thi hành án dân sự (THADS), một số đại biểu nêu: Công tác THADS thời gian qua có một số tồn tại, hạn chế như vẫn còn tình trạng TAND chậm chuyển giao các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan THADS để tổ chức thi hành theo quy định. Thực hiện chưa đầy đủ các trình tự, thủ tục về THADS; vi phạm, thiếu sót trong việc xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế, kê biên tài sản là quyền sử dụng đất (xác minh không đầy đủ, chặt chẽ, triệt để); còn nhiều việc tồn đọng nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm... 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS thời gian tới, cần thực hiện tốt các giải pháp: Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đối với công tác THADS. Thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mỗi ngành, tạo điều kiện để cơ quan THADS hoạt động hiệu quả. TAND hai cấp thực hiện nghiêm túc việc gửi bản án đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; rà soát các bản án, quyết định có nội dung thi hành án dân sự không rõ ràng, khó thi hành để sớm có biện pháp khắc phục. Viện KSND hai cấp tiếp tục kiểm sát chặt chẽ hoạt động THADS. 

Tại các tổ, nhiều đại biểu cho ý kiến về công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 3 và mức độ 4. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm 2022; nguyên nhân gia tăng một số loại tội phạm (trộm cắp, chống người thi hành công vụ, xâm phạm tình dục trẻ em, vi phạm an toàn giao thông, cố ý gây thương tích, an ninh trật tự tại các khu, cụm công nghiệp…) và biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.

Đại biểu Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (tổ đại biểu huyện Yên Dũng) trao đổi một số nội dung liên quan đến việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, không chỉ ngành Y tế mà các cấp, ngành cần phải tăng cường tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin cho các đối tượng, nhằm góp phần hạn chế nguy cơ bùng phát trở lại dịch bệnh. Những vấn đề về giáo dục, xử lý vi phạm đất đai, phát triển giao thông nông thôn, mở rộng đường tỉnh 293… UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến của đại biểu và sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết trong thời gian tới.

Sáng mai (12/7), các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục thảo luận tại hội trường.

Báo Bắc Giang sẽ tiếp tục cập nhật hoạt động của kỳ họp. 

Nhóm PV XĐD-NC

Khai mạc kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026
(BGĐT) - Sáng 11/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc. Các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về hoạt động của HĐND tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
(BGĐT) – Chiều 5/7, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo về kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIX. Đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.
Báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trình tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIX
(BGĐT) - Ngày 3/7/2022, UBND tỉnh Bắc Giang có báo cáo số 75/BC-UBND báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp trước chưa giải quyết xong, những kiến nghị trước và sau kỳ họp thứ 2; kết quả giải quyết các kiến nghị trước và sau kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...