Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đại biểu nhân dân với cử tri >> Tin tức thời sự
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quan tâm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp; siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh có điều kiện

(BGĐT) - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (12/7), kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX thảo luận tại hội trường.

{keywords}

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Nâng cao chất lượng thu hút đầu tư công nghiệp

Mở đầu phần thảo luận tại hội trường, đại biểu Vũ Tấn Cường, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh (tổ đại biểu huyện Hiệp Hòa) nêu vấn đề: Qua đợt giám sát của HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2022  cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế. Việc ban hành các văn bản để quản lý, phát triển các khu, CCN chưa kịp thời, đầy đủ. Tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật một số khu, CCN chậm dẫn đến “quỹ đất công nghiệp sạch” không còn nhiều, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. 

Đồng ý với nhận định, đánh giá trên và trao đổi để làm rõ hơn nội dung này, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương phát biểu: Với trách nhiệm của ngành, Sở Công Thương nghiêm túc tiếp thu và tiếp tục phối hợp với các sở, ngành khảo sát, đánh giá cụ thể các CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải để đề xuất biện pháp giải quyết. 

{keywords}

Đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại kỳ họp.

Để các đại biểu và cử tri nắm rõ hơn những vấn đề liên quan, ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho rằng, thực tế tại các KCN có nhiều tồn tại, hạn chế đã được nêu ra, thời gian tới, Ban sẽ đẩy mạnh các giải pháp vận động, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng thẩm định đầu tư vào các KCN nhằm lựa chọn được các nhà đầu tư thứ cấp đáp ứng đủ các tiêu chí: Suất đầu tư dự án; năng lực kinh nghiệm - pháp lý; năng lực tài chính; tiến độ thực hiện dự án; yêu cầu về bảo vệ môi trường...

Tạo chuyển biến về đào tạo nghề

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được các cấp, ngành và địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện có trách nhiệm, hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong thời kỳ mới. Tuy nhiên quy mô, năng lực tuyển sinh, đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh chưa đạt mục tiêu, yêu cầu. 

Trước thực tế đó, đại biểu Hà Văn Bé, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh (tổ đại biểu huyện Yên Dũng) kiến nghị: Cần có cơ chế, chính sách thu hút giáo viên dạy nghề, đào tạo nghề và giải quyết việc làm phù hợp. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và đồng hành của doanh nghiệp. 

Một số ý kiến cũng cho rằng cần có sự chung tay giữa doanh nghiệp, nhà trường và các cơ quan nhà nước trong việc định hướng nội dung đào tạo phù hợp với thực tế công việc, thực tế ngành nghề. Tăng cường sự kết hợp giữa doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể (công đoàn, đoàn thanh niên) trong việc truyền thông nâng cao nhận thức và tinh thần gắn bó của người lao động với doanh nghiệp. 

{keywords}

Đồng chí Mai Sơn làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu trong buổi thảo luận..

Thay mặt chủ tọa, đồng chí Lâm Thị Hương Thành cho biết tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh sẽ xem xét và thông qua dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2022. Cơ bản các ý kiến đại biểu phát biểu đều đánh giá chính xác và đúng với những vấn đề mà đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã chỉ ra. 

“Nóng” vấn đề tăng học phí, các khoản thu hỗ trợ giáo dục

Phản ánh ý kiến của đông đảo cử tri và hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh, đại biểu Ngụy Thị Tuyến (tổ đại biểu huyện Yên Dũng) cho biết: Ước tính gia đình có một con học phổ thông ở trường công lập tiền đóng góp đầu năm không dưới 3 triệu đồng đối với khu vực miền núi, từ 5-7 triệu đồng/học sinh trở lên đối với khu vực nông thôn và thành thị. 

Đại biểu kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu để có giải pháp trình UBND tỉnh ban hành quy định theo hướng giảm phụ phí kèm theo. Chọn thời điểm, chia các khoản đóng góp theo kế hoạch để tránh dồn các khoản đóng góp cùng một lúc gây khó khăn cho các gia đình.

Nhằm làm rõ những vấn đề nêu trên, đại biểu Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (tổ đại biểu huyện Hiệp Hòa) trao đổi: Sở sẽ tiếp tục tham mưu để UBND tỉnh ban hành quyết định quy định cơ chế quản lý, sử dụng các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục. Theo đó, quy định cụ thể cơ chế thu, quản lý và sử dụng từng khoản thu đã được HĐND tỉnh quy định đối với các cơ sở giáo dục công lập. 

Thực hiện giãn thu theo tháng, theo kỳ, không tập trung vào đầu năm học. Sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả các khoản thu; bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. 

Bảo đảm an ninh trật tự khu, cụm công nghiệp

Bắc Giang hiện có 5 KCN và 45 CCN đang hoạt động, thu hút hơn 620 doanh nghiệp (DN) và hàng vạn lao động, trong đó nhiều lao động là người ngoài tỉnh và chuyên gia nước ngoài. Bên cạnh những đóng góp to lớn về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm… Tại các khu, CCN đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) như tình trạng cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản; đánh nhau gây thương tích; tín dụng đen, cho vay nặng lãi; thông tin không chính thống, sai sự thật; một số tệ nạn xã hội có nguy cơ ngày càng phức tạp. 

Đại biểu Trần Tuấn Nam (tổ đại biểu huyện Yên Dũng) lo ngại: Công tác bảo đảm ANTT trong các khu, CCN và vùng ven là yếu tố rất quan trọng để thu hút các nhà đầu tư, tăng sức hấp dẫn của tỉnh Bắc Giang đối với DN, nhất là DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài. 

Do vậy, trước những vấn đề nêu trên cần tăng cường hơn nữa bảo đảm ANTT trong các khu, CCN, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh thời gian tới. 

{keywords}

Đại biểu Trần Tuấn Nam phát biểu thảo luận tại kỳ họp.

Một số đại biểu cũng đặt vấn đề, cần tăng cường quản lý nhà nước về cư trú và quản lý các loại hình hoạt động kinh doanh dịch vụ có điều kiện như: Kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ, cầm đồ, karaoke, trò chơi điện tử… 

Trao đổi về vấn đề các đại biểu nêu, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Quốc Toản (tổ đại biểu TP Bắc Giang) cho biết, Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các KCN, các sở, ngành có liên quan nắm chắc tình hình an ninh KCN, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, kịp thời phát hiện vấn đề mới, vấn đề phát sinh về ANTT để tham mưu cho UBND tỉnh, không để xảy ra vụ việc đột xuất, bất ngờ, không để các đối tượng lợi dụng gây mất ANTT.  

Xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm

Trước khi kết thúc phần thảo luận tại hội trường, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề các ý kiến đã nêu. Theo đồng chí Mai Sơn, để giải quyết những tồn tại, vướng mắc, bức xúc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổng hợp, đánh giá và sẽ tổ chức hội nghị bàn biện pháp tháo gỡ gắn với giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. 

Về đẩy nhanh tiến độ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2022-2025, trách nhiệm trước hết thuộc về các huyện, TP, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, TP khẩn trương trình Chủ tịch UBND tỉnh trong tháng 7/2022.

Đối với tình trạng cán bộ y tế xin nghỉ việc, chuyển sang khu vực y tư nhân, trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có 67 cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển sang làm việc tại khu vực tư nhân. Về vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100% và các chính sách hỗ trợ khác. 

Tình hình thiếu thuốc vật tư y tế có xảy ra ở tỉnh Bắc Giang nhưng không ở mức nghiêm trọng. Tỉnh đã tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế với biên độ 2 năm (từ tháng 9/2021 đã đấu xong thuốc, tháng 1/2022 đã đấu xong vật tư); cụ thể đã đấu thấu trên 1.500 mặt hàng thuốc, 399/522 mặt hàng vật tư; vì vậy cơ bản thuốc, vật tư trong điều trị ở tỉnh đáp ứng được nhu cầu người bệnh. 

Về tình trạng thiếu nhà ở xã hội cho công nhân, đồng chí cho rằng thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, tập trung theo hai hướng: Khuyến khích, tạo điều kiện để người dân có đất bị thu hồi xung quanh các khu, CCN xây nhà trọ đạt tiêu chuẩn cho công nhân; tạo điều kiện để một số DN lớn đầu tư các khu kí túc xá cho công nhân miễn phí. 

Đồng chí Mai Sơn cho biết, từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19, không chủ quan, lơ là để dịch bùng phát mạnh trở lại sẽ làm gián đoạn, đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo lùi đà tăng trưởng hiện tại. 

Cùng đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chủ động kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng một số khu, CCN; thường xuyên rà soát, kiểm tra tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính và công tác giải phóng mặt bằng để sớm có quỹ đất sạch thu hút đầu tư. 

{keywords}

Quang cảnh kỳ họp.

Chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện kinh tế tuần hoàn, mở rộng diện tích canh tác theo hướng hữu cơ trong phát triển trồng trọt, nhất là cây ăn quả. Áp dụng chu trình tuần hoàn khép kín tận dụng phụ phẩm, chất thải từ chăn nuôi cho trồng trọt và ngược lại; cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, để giảm chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm. 

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn của các dự án, kịp thời giao chi tiết kế hoạch vốn (còn lại) ngay cho các chương trình, dự án khi đủ điều kiện; điều chỉnh kế hoạch từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khối lượng thanh toán, các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. 

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án và tập trung cho công tác tiếp dân giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai. Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất...

Theo chương trình, chiều nay (12/7), kỳ họp tiếp tục làm việc với các nội dung: Thông báo tóm tắt kết quả thảo luận tại tổ và hội trường; xem xét, thông qua 22 dự thảo nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Nhóm PV XDĐ-NC

Sự vào cuộc, phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế
(BGĐT) - Phát biểu thảo luận ở hội trường tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX, đại biểu Lương Minh Thành (tổ đại biểu huyện Tân Yên) đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Tập trung đấu tranh các ổ nhóm và hành vi vi phạm pháp luật quanh khu, cụm công nghiệp
(BGĐT) - Đó là một trong những vấn đề đặt ra về công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trong các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh được đại biểu Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang (tổ đại biểu TP Bắc Giang) nêu ra tại buổi thảo luận toàn thể sáng 12/7 của kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIX.
Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX: Các đại biểu thảo luận sâu, kỹ về các giải pháp phát triển KT-XH
(BGĐT) - Chiều 11/7, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu chia làm 5 tổ thảo luận. Các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo, thông báo trình tại kỳ họp; đánh giá cao kết quả phát triển KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm. Cùng đó thảo luận, phản ánh nhiều vấn đề được đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...