Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đại biểu nhân dân với cử tri >> Tin tức thời sự
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Các đại biểu Quốc hội Đoàn Bắc Giang thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

(BGĐT) - Sáng 3/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn Bắc Giang, Quảng Bình, Long An tiếp tục thảo luận ở Tổ 19 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khoá XV về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Các đại biểu trong Tổ thảo luận cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương 5 khóa XIII (Nghị quyết 18); phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

{keywords}

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) nhất trí với nội dung quy định về mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (quy định tại Điều 149). Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có những quy định cụ thể dành riêng cho quyền tiếp cận đất đai của dân tộc thiểu số; trong 240 Điều của dự thảo Luật chỉ có 1 Điều và 3 khoản quy định về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, đề nghị Ban Soạn thảo rà soát quy định về “nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp” đối với các tổ chức kinh tế giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), bảo đảm sự phù hợp, thống nhất.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) đề nghị bỏ quy định tại khoản 28, Điều 3 của dự thảo Luật về giải thích Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Vì điều này dẫn đến không công bằng khi thu hồi đất nông nghiệp giữa các chủ sử dụng đất. Ngoài ra, Hiến pháp và các văn bản luật liên quan đến quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người nghỉ hưu, người hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách hằng tháng không có quy định nào hạn chế quyền lợi khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp và không cấm các đối tượng này được sản xuất nông nghiệp. Trong thực tế hiện nay, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn là nguồn thu nhập lớn, chủ yếu của nhiều người đang hưởng lương, trợ cấp hàng tháng từ ngân sách. Nên phân biệt như vậy là không phù hợp.

Đề nghị sửa đổi điểm a, khoản 1, Điều 61 theo hướng không nên cấm tuyệt đối chủ đầu tư không được chuyển nhượng theo hình thức phân lô mà nên quy định theo hướng mở: Chủ đầu tư hoàn thành việc xây thô 1 tỷ lệ nhất định trong tổng số lô đất của dự án và các điều kiện khác về nghĩa vụ tài chính, hạ tầng thì được chuyển nhượng theo hình thức phân lô.

Đề nghị gộp khoản 1, khoản 2 Điều 58 thành 1 khoản và nới rộng, tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng dự án gắn liền với quyền được thuê đất theo hướng: Chỉ cần có hợp đồng được thuê đất, còn thời hạn thuê và không nợ tiền thuê đất. Quy định theo dự thảo sẽ tháo gỡ vướng mắc lớn hiện nay, không chỉ giúp sớm đưa đất vào sử dụng mà còn góp phần xử lý nợ xấu trong nền kinh tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ đầu tư.

Liên quan đến nội dung Nhà nước thu hồi đất tại Điều 86 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bổ sung dự án nhà nước thu hồi đất, gồm: Dự án thuộc lĩnh vực xã hội hoá (giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, bảo trợ xã hội…) thuộc danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh, thành phố; dự án du lịch, sân golf, sinh thái có tác động lớn đến phát triển kinh tế địa phương.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) cho rằng: Để khắc phục tình trạng khung giá đất, bảng giá đất và giá đất cụ thể do Nhà nước ban hành không sát với giá thị trường, thường là thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường (có nơi, có lúc bảng giá đất chỉ bằng 20-30% và giá đất cụ thể do Nhà nước ban hành chỉ bằng 30-60% so với giá thị trường); cũng như việc Luật Đất đai năm 2013 quy định 02 trường hợp áp dụng giá đất (giá đất do Nhà nước quyết định và giá do tổ chức, cá nhân tự thoả thuận) khi triển khai các chương trình, dự án dẫn tới nhiều hệ luỵ phức tạp, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã bãi bỏ việc “Ban hành khung giá đất 5 năm”, “UBND tỉnh ban hành bảng giá đất 5 năm”. Thay vào đó, tại Điều 164 và Điều 165 của dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về bảng giá đất và giá đất cụ thể; trong đó quy định: UBND tỉnh ban hành bảng giá đất hằng năm, có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/1 hằng năm; UBND tỉnh /UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể; các trường hợp áp dụng bảng giá đất và giá đất cụ thể, trong đó có trường hợp tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

{keywords}

Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ sáng 3/11.

Đại biểu đồng tình, nhất trí với nội dung sửa đổi trên. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, việc quyết định bảng giá đất và giá đất cụ thể có sát với giá thị trường hay không còn phụ thuộc vào việc chúng ta có xây dựng được hệ thống phương pháp định giá đất thực sự khoa học hay không và việc thực hiện những phương pháp đó như thế nào để tính toán một cách đầy đủ, làm cơ sở cho việc quyết định bảng giá đất và giá đất cụ thể sát với giá thị trường.

Vì vậy đại biểu đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, cụ thể là tại Điều 163 của dự thảo Luật về “Nguyên tắc, phương pháp định giá đất” cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung 2 nội dung: Bổ sung nguyên tắc về xây dựng và tổ chức thực hiện các phương pháp định giá đất (tại Điều 163 chưa có nguyên tắc này, mà mới chỉ quy định các nguyên tắc định giá đất), trong đó cần bổ sung quy định có tính định hướng về những phương pháp cơ bản về định giá đất, để trên cơ sở đó Chính phủ quy định phương pháp định giá đất; quy trình xây dựng bảng giá đất, định giá đất cụ thể; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. 

Cần bổ sung các quy định cụ thể về nguyên tắc áp dụng bảng giá đất và giá đất (tại Điều 164 về Bảng giá đất và Điều 165 về Giá đất cụ thể mới quy định các trường hợp áp dụng bảng giá đất và giá đất cụ thể, mà chưa quy định nguyên tắc áp dụng). Trong đó, đề nghị cần quy định cụ thể cơ chế, nguyên tắc điều tiết địa tô chênh lệch (phần giá trị tạo ra không phải do nhà đầu tư), nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - Chủ đầu tư - Người có đất bị thu hồi.

Kết thúc buổi thảo luận, đồng chí Tổ trưởng Tổ thảo luận yêu cầu Tổ Thư ký tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp gửi tới Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo quy định.

Thu Hằng

Quốc hội thảo luận về một số ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
(BGĐT) - Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 25/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp.
Cử tri Hà Nội đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho Quốc hội
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong cuộc tiếp xúc cử tri hôm nay có nhiều ấn tượng tốt đẹp, bởi cử tri đã theo dõi rất sát và nắm chắc các hoạt động của Quốc hội; có nhiều ý kiến hay, tâm huyết, sâu sắc, thiết thực, chọn đúng, trúng vấn đề cần quan tâm. Bám sát thực tiễn, mỗi ý kiến của cử tri đề cập một vấn đề cụ thể để đóng góp cho Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri: Nhiều ý kiến về chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở
(BGĐT) - Chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 4/10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...