(BGĐT) - Chiều 17/5, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri chuyên đề “Về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030” tại huyện Tân Yên.
![]() |
Đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng chủ trì buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Tân Yên. |
Dự buổi tiếp xúc cử tri có đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HDND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Trao đổi tại hội nghị, các cử tri được nghe giới thiệu về một số nội dung cơ bản của 3 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh đó là: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 ban hành kèm theo Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh Bắc Giang; quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giai đoạn 2023-2030; quy định nội dung và định mức chi hỗ trợ sản xuất giống phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.
Các dự thảo nghị quyết này tập trung hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chính, quy mô lớn. Đối tượng hỗ trợ hướng đến là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác nhằm tạo thành vùng sản xuất tập trung gắn sản xuất với thị trường.
Cụ thể, đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 ban hành kèm theo Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh Bắc Giang đề cập đến việc giảm quy mô một số ngành, hàng cho phù hợp với tình hình thực tế. Gia cầm sinh sản, quy mô tối thiểu giảm từ 20 nghìn con/chu kỳ/chuỗi xuống còn 10 nghìn con/chu kỳ/chuỗi. Rau chế biến, quy mô tối thiểu giảm từ 30 ha/vụ/chuỗi xuống còn 10 ha/vụ/chuỗi; riêng đối với khoai tây là 20 ha/vụ/chuỗi. Thủy sản và các sản phẩm chế biến từ thủy sản, quy mô tối thiểu giảm từ 10 ha/chu kỳ/chuỗi xuống còn 5 ha/chu kỳ/chuỗi. Cây chè, quy mô tối thiểu giảm từ 30 ha/chuỗi xuống còn 10 ha/chuỗi. Cây dược liệu, quy mô tối thiểu giảm từ 5 ha/loại dược liệu/chuỗi xuống còn 2 ha/loại dược liệu/chuỗi.
Nâng mức hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu từ không quá 1 tỷ đồng/dự án hoặc kế hoạch liên kết lên không quá 1,5 tỷ đồng/dự án hoặc kế hoạch liên kết.
Đối với dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giai đoạn 2023-2030 dự kiến hỗ trợ các nội dung: Lãi suất vay vốn tín dụng; tập trung đất đai; cơ giới hoá trong sản xuất trồng trọt; giống lúa thuần chất lượng; cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp và thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP, hữu cơ; vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung; hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn; trồng cây dược liệu và cây lâm sản ngoài gỗ khác dưới tán rừng; hỗ trợ làm giàu rừng tự nhiên và công tác quản lý.
![]() |
Cử tri xã Liên Chung phát biểu ý kiến. |
Dự thảo Nghị quyết quy định nội dung và định mức chi hỗ trợ sản xuất giống phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030 dự kiến hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.
Trao đổi tại đây, cử tri xã Liên Chung kiến nghị cần tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất sâm Nam núi Dành. Ngoài việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm củ sâm tươi, Nghị quyết cần bổ sung bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm như: Hoa, củ sâm khô, củ sâm ngâm rượu… Đồng thời có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ sâm Nam núi Dành.
Một số cử tri đề nghị hỗ trợ chi phí sản xuất cây vú sữa từ vườn cây giống đầu dòng tối đa không quá 25 nghìn đồng/cây và bổ sung đối tượng hỗ trợ là các cá nhân. Có cử tri đề đề nghị bổ sung mục hỗ trợ riêng cho “chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh và kinh phí giám sát hàng năm” cho các cơ sở chăn nuôi.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện đề nghị hỗ trợ nông dân sản xuất lúa ứng dụng máy bay không người lái 3 khâu (gieo hạt, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân), mức hỗ trợ 200 nghìn đồng/sào; hỗ trợ tổ chức, cá nhân trạm giám sát sâu bệnh hại, quản lý sản xuất trên cây trồng, mức hỗ trợ không quá 400 triệu đồng/trạm; hỗ trợ 50% kinh phí cho các trang trại mua vật tư, các thiết bị máy móc nhưng không quá 50 triệu đồng/trang trại để áp dụng, ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi nhằm kiểm soát chặt chẽ theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm...
![]() |
Đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng phát biểu. |
Tại đây, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng tiếp thu các ý kiến của cử tri. Trên cơ sở các ý kiến phát biểu của cư tri, đồng chí nhấn mạnh, HĐND tỉnh giao cho cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét bổ sung, hoàn thiện nội dung các dự thảo nghị quyết, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua đó nhằm hỗ trợ người dân khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trước khi trình HĐND tỉnh thông qua.
Tin, ảnh: Minh Linh